BÌNH PHƯỚC VẬN DỤNG HIỆU QUẢ TƯ TƯỞNG “DÂN VẬN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH NHẰM THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Thứ sáu - 06/10/2023 02:14 345 0
Xác định công tác dân vận có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị. Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước. Hiện nay, toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước đang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với quyết tâm cao độ, khí thế mạnh mẽ, cùng những chủ trương, quyết sách chiến lược, thiết thực, hiệu quả, tạo bước phát triển đột phá, xây dựng Bình Phước ngày càng văn minh và giàu đẹp.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, UVBCHTW đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, UVBCHTW đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật với bút danh X.Y.Z (ngày 15 tháng 10 năm 1949) nhưng những tâm huyết, những tư tưởng quý báu về công tác dân vận của Người cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tốt phương châm, phương pháp công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm làm cho những lời dạy của Bác trở thành những bài học trong công tác dân vận, định hướng hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và từng việc làm cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức là yêu cầu rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, từ quan điểm của Hồ Chí Minh và quy định hiện nay của Đảng về công tác dân vận, có thể hiểu, dân vận là công tác quan trọng và hướng đến hai mục tiêu. Thứ nhất dân vận giúp người dân tham gia thực hiện những nhiệm vụ chính trị nhằm làm cho việc thực hiện những nhiệm vụ này thuận lợi nhanh chóng, hiệu quả hơn, phát huy được sức mạnh toàn dân. Thứ hai, cần hiểu dân vận là bắt buộc, là trách nhiệm của hệ thống chính trị (trách nhiệm của các cơ quan đảng, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội), nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, làm hài lòng người dân, thể hiện qua những hoạt động cụ thể như ban hành những chủ trương đường lối về công tác dân vận, triển khai thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương này để thực hiện trên thực tế, phối hợp giữa các cơ quan tổ chức nhằm thực hiện công tác dân vận, kiểm tra giám sát, tổng kết, báo cáo cho đến những hoạt động cụ thể của chính quyền địa phương như: Xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận. Thực hiện cải cách hành chính; công khai, minh bạch chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, nguồn lực nhà nước. Thực hiện các quy định về dân chủ ở cơ sở; tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, những vấn đề bức xúc của nhân dân theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và hoạt động của chính quyền các cấp. Nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân; xử lý tham nhũng, tiêu cực, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân theo thẩm quyền. Phối hợp với ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong tham mưu, thực hiện công tác dân vận. Định kỳ có chương trình làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp về tình hình nhân dân và công tác dân vận.

Thực trạng về công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay
Dựa trên những văn bản của Đảng như Quyết định 23-QĐ/TW năm 2021 về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, văn bản của nhà nước như Chỉ thị số: 33/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26 tháng 11 năm 2021 về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.
 
https://danvanbinhphuoc.vn/uploads/news/2023_09/image_49.png
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh thông qua báo cáo tổng kết
 
Công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện những kết quả đó đã được Tỉnh ủy đánh giá thông qua Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, UVBCHTW đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương, 05 năm thực hiện Kết luận 43 của Ban Bí thư, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước đã ngày càng đi vào nề nếp, không ngừng đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động, tạo ra những khởi sắc và chuyển biến tích cực trên các mặt công tác. Điểm nổi bật là, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và trách nhiệm công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt; việc phân công và phát huy vai trò cán bộ phụ trách công tác dân vận ngày càng được quan tâm; tổ chức bộ máy của hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được kiện toàn, củng cố.

Các cấp ủy đảng luôn quan tâm  chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận, về công tác dân tộc, tôn giáo, tập trung vào đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cũng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quan tâm thực hiện tốt quy định Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Đáng chú ý, công tác dân vận chính quyền đã ngày càng đổi mới, theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, thái độ phục nhân dân, thực hiện chuyển đổi số, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy và mang lại nhiều hiệu quả tích cực và thiết thực.

Bên cạnh đó, thực hiện dân chủ ở cơ sở không ngừng đi vào nề nếp. Sự phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, ban, ngành và lực lượng vũ trang trong thực hiện công tác dân vận được tăng cường, với nhiều hoạt động xã hội hướng về cộng đồng, cơ sở. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục thu hút được nhiều cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Qua đó, đã phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của Nhân dân, động viên Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, phát huy truyền thống đạo lý tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm; đồng thuận chia sẻ, hợp tác, hợp lực với chính quyền trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm; bồi dưỡng khát vọng và ý chí vươn lên xây dựng quê hương Bình Phước.

Những kết quả nổi bật nêu trên đã góp phần phát huy dân chủ, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận xã hội, tạo khí thế thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy ngày càng hiệu quả quyền làm chủ của Nhân dân.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, UVBCHTW đảng, Bí thư Tỉnh ủy trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và thành tích đạt được của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc  và tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 25 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số vấn đề còn hạn chế, tồn tại cần sớm khắc phục, đó là:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chưa quyết liệt, thiếu thường xuyên đôn đốc, kiểm tra. Công tác dân vận chính quyền tuy có nhiều chuyển biến tích cực, song trên một số mặt vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Hoạt động của khối vận cơ sở ở một số địa phương thiếu hiệu quả, nội dung và phương thức hoạt động vẫn còn bất cập. Công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng Nhân dân còn chưa nhạy bén; việc xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức,...

Hiện nay, toàn Đảng bộ tỉnh đang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với quyết tâm cao độ, khí thế mạnh mẽ, cùng những chủ trương, quyết sách chiến lược, thiết thực, hiệu quả, tạo bước phát triển đột phá, xây dựng Bình Phước ngày càng văn minh và giàu đẹp.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Đúng như sinh thời Bác Hồ đã dạy: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trên cơ sở đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các cấp, các ngành trong thời gian tới tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về quan điểm đổi mới công tác dân vận của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận 43 của Ban Bí thư, Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, gắn với thực hiện Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, gắn với thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tạo đồng thuận cao và sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể, hội quần chúng, tập trung hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình Nhân dân, hoạt động các hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp Nhân dân để tham mưu cấp ủy giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị, phản ánh chính đáng của Nhân dân, cũng như phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, quan tâm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong bài báo “Dân vận” Bác Hồ đã chỉ rõ: “Những người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thực hành nhúng tay vào việc”.
Thứ ba, Chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận theo Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc mở rộng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; nâng cao vai trò của nhân dân trong việc thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, đóng góp ý kiến tham gia vào lập dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án. Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Quan tâm hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, kỷ luật công vụ, xây dựng và thực hiện phong cách "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Thứ tư, Ban Dân vận các cấp chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy những chủ trương, giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trên các lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận với các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, xây dựng và nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình, gương điển hình tiêu biểu "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Đặc biệt, cần quan tâm đúng mức đến công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về mọi mặt để Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền.

Vì vậy, để công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Bình Phước ngày càng đi vào chiều sâu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị cần vận dụng hiệu quả tư tưởng “Dân vận”, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tốt phương châm, phương pháp công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm làm cho những lời dạy của Bác trở thành những bài học trong công tác dân vận, định hướng hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và từng việc làm cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức là yêu cầu rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay./.

Nguồn tin: Anh Đào - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây