NẮM VỮNG PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ TÌNH HUỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN GIÚP CƠ SỞ NGĂN CHẶN SỰ XUẤT HIỆN CỦA ĐIỂM NÓNG

Thứ hai - 19/09/2022 10:00 792 0
Nắm vững phương pháp xử lý tình huống công tác dân vận nhằm mục đích góp phần tạo nên sự thống nhất về tư tưởng chính trị, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nhiệm vụ chính trị của địa phương
Cán bộ dân vận nắm tình hình tại cơ sở
Cán bộ dân vận nắm tình hình tại cơ sở
Đây là cơ sở quan trọng nhất đảm bảo cho việc xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng đúng hướng theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đạt hiệu quả. Đặc biệt là những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác dân vận cần được quán triệt và vận dụng tốt trong từng tình huống cụ thể; đồng thời, muốn đạt hiệu quả phải nghiên cứu, nắm chắc điểm chủ yếu của tình huống.

- Trước hết phải nhận diện và phân loại tình huống: Khi xuất hiện tình huống trên địa bàn, cấp ủy có thể cử một số cán bộ có kinh nghiệm về xử lý tình huống  để  nắm chắc tình hình, kết hợp với báo cáo của cán bộ được phân công phụ trách địa bàn đó để nắm chắc tình hình và tình huống đã xảy ra. Trên cơ sở đó tiến hành phân loại tình huống xem nó thuộc lĩnh vực nào, chẳng hạn thuộc về những sai sót của cán bộ, về thực hiện chính sách, pháp luật, về thực hiện dân chủ, về vi phạm các quy định của địa phương, về vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, về kinh tế… Đồng thời, cũng cần xem xét tình huống đó liên quan nhiều đến tổ chức nào trong hệ thống chính trị ở địa phương; tình huống đó có phải do hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của kẻ xấu hay không.

Khi nắm về tình huống, cần chú ý đến vi phạm xảy ra tình huống, nội dung chủ yếu của tình huống, có thể nắm cả đối tượng của tình huống…việc nắm tình huống có thể thông qua các tổ chức chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở cơ sở, các lực lượng công an, dân quân tự vệ. Những thông tin thu được về tình huống cần được báo cáo kịp thời các cơ quan tham mưu và cấp ủy ở địa phương, cấp ủy cấp trên để tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý thích hợp.

- Phân tích tình huống và xác định nguyên nhân: Cần tổ chức hội nghị cấp ủy hoặc Ban thường vụ cấp ủy, có thể mở rộng thêm các thành phần cần thiết tham dự hội nghị. Song cần tuyệt đối giữ bí mật các nội dung đã bàn trong    hội nghị và các biện pháp đã được thông qua về xử lý tình huống. Cá nhân nào vi phạm quy chế bảo mật, cần được xử lý kỷ luật thích đáng cả về đảng và chính quyền.

Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy nắm tình hình tại cơ sở
Hội nghị nghe cán bộ được phân công nắm tình hình, cán bộ phụ trách địa bàn báo cáo chi tiết về tình huống và báo cáo các thông tin đã thu thập được     qua phản ánh của chính quyền, đoàn thể, các tổ chức có liên quan và nhân dân; nghe báo cáo tổng hợp thông tin của các cơ quan tham mưu và cấp ủy đã thu nhận được. Hội nghị bàn bạc, thảo luận, thống nhất phân loại tình huống và xác định nguyên nhân của tình huống. Trong đó, cần xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp…khi xác định các nguyên nhân, cần cố gắng xác định các lực lượng tương ứng với từng nguyên nhân, các hoạt động của các lực lượng đó, cố gắng xác định các lực lượng chủ yếu. Cần tập trung phát huy trí tuệ của các thành viên tham gia dự hội nghị để đề xuất các biện pháp loại trừ các nguyên nhân, xử lý tình huống, đặc biệt coi trọng đề xuất các biện pháp để loại trừ nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân chủ quan, cùng các biện pháp khác để xử lý các nguyên nhân khách quan và  các nguyên nhân khác.  Hội nghị thảo luận, cân nhắc và quyết định biện pháp xử lý .

- Xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng, phân công cán bộ xử lý tình huống và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy: Căn cứ vào tính chất phức tạp của  tình huống để xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng và phân công cán bộ xử lý tình huống. Nếu tình huống không đến mức quá phức tạp, cấp ủy mà trực tiếp là bí thư hoặc thường trực cấp ủy  phân công cán bộ trực tiếp xử lý  và cử một số cán bộ giúp việc. Nếu tình huống rất phức tạp liên quan đến số lượng rất lớn người dân thì cấp ủy có thể xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác để xử lý tình huống và cử bí thư hoặc thường trực cấp ủy phụ trách. Cần phân công nhiệm vụ một cách cụ thể cho từng cán bộ phụ trách giải quyết từng việc, áp dụng các biện pháp đối với từng loại nguyên nhân và cử các tổ chức, cá nhân phối hợp nếu cần thiết. Cần có quy chế làm việc của tổ công tác, trong đó duy trì đều đặn chế độ thông tin, báo cáo hàng ngày, đột  xuất. Đồng thời duy trì chế độ báo cáo nhanh về diễn biến tình hình và hoạt động của tổ công tác với thường trực cấp ủy.

Cấp ủy  thường tăng cường lãnh đạo thực hiện kế hoạch, chỉ đạo tổ công tác trong quá trình xử lý tình huống công tác dân vận, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy  cấp dưới và tổ chức đảng trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với tổ công tác để xử lý tình huống. Dù tình huống ít phức tạp hay rất phức tạp thì cấp ủy  đều phải coi trọng và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xử lý; đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động xử lý tình huống của cấp ủy. Thường vụ cấp ủy cần duy trì chế độ hội ý để nắm tình hình, đề xuất các biện pháp thúc đẩy việc xử lý tình huống và cho ý kiến chỉ đạo xử lý những vấn đề mới nảy sinh.

- Kết thúc tình huống: Khi tình huống đã được xử lý, cần tổ chức tổng kết chỉ rõ những ưu, khuyết điểm của tập thể, cá nhân, đánh giá ưu, khuyết điểm về cách tổ chức, phân công cán bộ, phối hợp các lực lượng, việc lãnh đạo, chỉ đạo của  cấp ủy và đúc rút kinh nghiệm để việc xử lý các  tình huống nếu sau này xảy ra đạt kết quả tốt hơn. Đồng thời, xem xét lại những điểm còn chưa hợp lý các chủ trương, các quy định của cấp trên và của địa phương để có kế hoạch đề xuất hoặc trực tiếp sửa chữa, bổ sung theo theo thẩm quyền để chủ trương và các quy định đó hợp lý hơn. Xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên, nhất là những  cán bộ, đảng viên liên quan đến việc xảy ra  tình huống, qua xử lý tình huống phát hiện ra.

Báo cáo toàn bộ diễn biến tình huống và việc xử lý tình huống lên cấp ủy cấp trên; đồng thời, có các biện pháp xử lý thỏa đáng đối với những cá nhân, lực lượng chủ yếu làm nảy sinh và làm tình huống diễn biến phức tạp.

Sau khi tình huống đã được xử lý cần có giải pháp để ổn định tình hình, đưa các hoạt động của cơ sở và địa phương dần dần đi vào nề nếp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng, công tác dân vận trong tổ chức đảng, trong nhân dân, để vượt qua những mặc cảm, băn khoăn, tạo sự đồng thuận và tích cực của nhân dân tham gia nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cấp ủy  cần có nhận định, dự báo tình hình và các giải pháp cần thiết ngăn chặn sự xuất hiện các tình huống  công tác dân vận có thể xảy ra trên địa  bàn. Tích cực thực hiện các giải pháp đó nhằm loại trừ những mầm mống có thể làm xuất hiện các tình huống khi chúng manh nha./.

Nguồn tin: Anh Đào - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây