Nỗ lực ổn định Việt kiều Campuchia hồi hương tại Phước Minh
Thứ tư - 28/02/2024 20:303220
“Gia đình có ai bên Campuchia về chơi, dù ở lại 1, 2 ngày thôi thì mình cũng phải báo với mấy anh công an, xin được cư trú. Hết hạn cư trú là về chứ cũng không dám cho người thân ở thêm”, anh Nguyễn Văn Hoà hộ dân Việt kiều Campuchia sinh sống trên lòng hồ thuỷ điện Cần Đơn thuộc địa bàn xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập nói với chúng tôi.
Không để biến động dân cư Gia đình anh Nguyễn Văn Hoà là một trong những hộ dân Việt kiều Campuchia hồi hương đầu tiên sinh sống tại lòng hồ thuỷ điện Cần Đơn thuộc địa bàn xã Phước Minh. Ở khu vực này, bè của anh cũng là bè rộng rãi, khang trang nhất. Bận rộn với cuộc mưu sinh, mỗi ngày, từ 8h sáng, anh Hoà đã bắt đầu công việc đánh bắt thuỷ sản trên lòng hồ. Lênh đênh đến 4, 5 giờ chiều mới đủ sinh hoạt phí cho gia đình. “Công việc có hơi vất vả một chút nhưng đổi lại mình cũng có đồng ra đồng vào ổn định nuôi sống gia đình”, anh Hoà cười hiền.
Khu vực lòng hồ thuỷ điện Cần Đơn thuộc địa bàn xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập là nơi mưu sinh của nhiều hộ gia đình Việt kiều Campuchia di dân tự do, hồi hương từ nhiều năm nay. Đa phần họ thuộc diện nghèo, không có đất đai, không có nhà ở, không có giấy tờ tuỳ thân, chuyên sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Do vậy, việc ổn định số hộ dân này, không để phát sinh thêm trường hợp di dân bất hợp pháp cũng như tạo điều kiện cho họ mưu sinh có sự nỗ lực rất lớn của lực lượng công an và chính quyền địa phương. “Mình từ bên Campuchia về đây theo ông bà, cha mẹ đâu có miếng giấy tờ nào, chữ cũng không biết nhưng được cái mấy anh công an thường xuyên xuống gặp gỡ, tuyên truyền. Cái gì mình không rành, không hiểu thì hỏi mấy anh giải thích cho”, anh Hoà cho biết thêm. Gia đình anh Hoà có 2 đứa con, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi. Cả hai đều có giấy khai sinh và được đến trường. “Mình cố gắng cho mấy đứa nhỏ có tương lai hơn, không phải lênh đênh sông nước giống mình”, anh Hoà tâm sự.
Lòng hồ thuỷ điện Cần Đơn thuộc địa bàn xã Phước Minh hiện đang có 44 hộ dân Việt kiều Campuchia sinh sống với 161 nhân khẩu. Xác định số hộ dân này thuộc diện “đặc biệt”, cần phải có phương pháp đặc thù để quản lý, Công an xã Phước Minh đã thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể, chính quyền UBND xã nắm bắt tình hình, vừa tuyên truyền pháp luật đồng thời quản lý về mặt con người, nhất là không để phát sinh thêm trường hợp di dân tự do tại đây. Bởi trong điều kiện nguồn lợi thuỷ sản ở lòng hồ chỉ có hạn, việc phát sinh thêm số lượng dân cư sẽ gây nên tình trạng “quá tải”, ô nhiễm nguồn nước và nhiều vấn đề phức tạp khác. Ông Bùi Ngọc Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh cho biết, “khu vực lòng hồ thỉnh thoảng sẽ có một số hộ dân mới từ Campuchia về. Gần đây nhất vào cuối năm 2023 có một gia đình 3 nhân khẩu từ Đồng Tháp lên sinh sống. Tuy nhiên, các trường hợp này đều được người dân ở đây nhanh chóng báo với công an xã. Sau đó, lực lượng Công an xã sẽ cùng với Chính quyền địa phương xuống vận động, để họ trở về nơi sinh sống ban đầu. Vì vậy mà thời gian qua, lòng hồ thuỷ điện Cần Đơn thuộc địa bàn xã quản lý không phát sinh thêm hộ Việt kiều Campuchia nào mới, chủ yếu là các hộ dân cũ có thêm nhân khẩu và tự tách hộ”.
Quan hệ “kiềng 3 chân” Không thể quản lý trên mặt giấy tờ hành chính, lực lượng Công an xã Phước Minh phải thường xuyên xuống tận nơi các hộ dân Việt kiều Campuchia sinh sống để thăm nắm tình hình. Gặp gỡ, trò chuyện thân tình, mối quan hệ giữa các hộ dân ở đây và lực lượng chức năng ngày càng xích lại gần hơn. “Khi nào mấy anh cần gặp gỡ, tôi lại lấy đò vô bờ chở mấy anh đi từng bè, từng nhà”, ông Nguyễn Văn Trãi, Tổ trưởng mô hình “Việt kiều Campuchia nói không với vi phạm pháp luật” nói. Mô hình “Việt kiều Campuchia nói không với vi phạm pháp luật” cũng chính là mô hình do Công an xã Phước Minh thành lập với mục đích là cầu nối để tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, chủ trương của Nhà nước đến với các hộ dân Việt kiều Campuchia đồng thời cũng là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an xã trong việc phát hiện và tố giác các loại tội phạm. “Vừa rồi cũng có một số đối tượng lừa đảo đến khu vực các hộ dân sinh sống để thực hiện hành vi lừa đảo. Tôi chỉ cần hô một tiếng “Công an kìa” là các đối tượng nhảy xuống sông bỏ chạy thành ra cũng chưa lừa được ai. Còn chuyện mình vừa đánh bắt thủy sản mình vừa để ý các đối tượng lạ mặt thì đã trở thành thói quen luôn rồi. Ai lạ lạ đến đây là mình báo cho Công an liền”, ông Trãi nói.
Mô hình “Việt kiều Campuchia nói không với tội phạm” hiện có 8 thành viên. Giữa các thành viên của mô hình và công an xã Phước Minh luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. “Mấy anh công an xã nói với tôi, chú ráng tuyên truyền anh em giữ gìn an ninh trật tự ở khu này. Tôi cũng làm theo, tuyên truyền cho mấy anh em ở đây ráng làm cho tốt. Đừng có thấy người ta đi buôn lậu mà mình bỏ qua. Mình bắt không được mình phải báo với mấy anh công an xử lý liền, đừng có để những đối tượng xấu làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở khu vực mình”, ông Trãi cho hay. Nhờ mối liên hệ mật thiết đó mà nhiều năm qua, trên địa bàn sinh sống của các Việt kiều Campuchia không xảy ra tình trạng bất ổn.
Thượng uý Trịnh Tuấn Ngọc, Phó trưởng Công an xã Phước Minh cho biết, Công an xã xác định các hộ dân Việt kiều Campuchia đa phần đều có trình độ thấp, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, công tác tuyên truyền phải luôn được đặt lên hàng đầu và phải có những người đủ uy tín, đủ tiếng nói trong cộng đồng để người dân hiểu và nghe theo. “Các hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng và các hành vi buôn lậu là những điều mà chúng tôi tập trung tuyên truyền, làm sao để người dân có thể nhận diện được và tỉnh táo trước các hành vi phạm tội”, Thượng uý Trịnh Tuấn Ngọc nói.
Nắm người, nắm hộ, nắm địa bàn Với các hộ dân Việt kiều Campuchia hồi hương, việc xác định quốc tịch hầu như là không thể. Và vì thế, rất khó khăn để họ có các loại giấy tờ tuỳ thân khác. Trước thực tế đó, Công an xã Phước Minh đã chủ động “nắm người, nắm hộ, nắm địa bàn”, mời tất cả các hộ dân Việt kiều Campuchia đang sinh sống trên địa bàn đến trụ sở Công an xã để thu nhận thông tin dữ liệu dân cư và thu thập phiếu thông tin dân cư cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Công an xã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban điều hành thôn và Công an viên các thôn cùng với lực lượng Công an xã để quản lý các hộ dân trên tất cả các mặt, từ việc quản lý con người, công ăn việc làm cho đến tâm tư nguyện vọng của họ trong quá trình sinh sống tại địa phương”, Thượng uý Trịnh Tuấn Ngọc cho biết.
Trong đợt thu thập dữ liệu dân cư trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vừa qua, Công an xã Phước Minh đã thu thập dữ liệu của 147 nhân khẩu lên hệ thống. Trong đó, 35 trường hợp công dân có giấy khai sinh và trong giấy khai sinh có quốc tịch Việt Nam nhập hệ thống trạng thái “không đủ điều kiện đăng ký thường trú” và 114 trường hợp trạng thái “đã ghi” “chưa xác định quốc tịch”. “Chúng tôi hi vọng những cơ sở dữ liệu ban đầu này phần nào đó sẽ hỗ trợ các hộ dân khi cần xác minh lý lịch, xác minh nhân thân trong những trường hợp cần thiết, bớt đi thiệt thòi cho hộ dân ở đây”, Thượng uý Trịnh Tuấn Ngọc bày tỏ.
Nguồn lợi thuỷ sản ở lòng hồ thuỷ điện Cần Đơn ngày càng ít đi. Một phần các hộ dân Việt kiều Campuchia đã lên bờ để làm những ngành nghề khác ngoài nghề “hạ bạc”. Cuộc sống dù khó khăn đôi chút nhưng bình yên, ổn định và con cái được đến trường. Sự bình yên luôn khiến họ có thể tiếp tục cuộc sống và tin tưởng vào tương lai ở phía trước.