Việc soạn thảo, ban hành văn bản đã quan trọng, việc lưu trữ, bảo quản an toàn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ còn quan trọng hơn nhiều. Do đó, công tác văn thư, lưu trữ có vai trò đặc biệt quan trọng và là lĩnh vực hoạt động không thể thiếu đối với mỗi cơ quan, đơn vị.
Trong năm 2023, Ban Dân Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước thường xuyên phổ biến, tuyên truyền các văn bản có liên quan đến công tác văn thư, lưu trữ tại cơ quan; thực hiện Kết luận số 160-KL/TU ngày 24/11/2021 của Thường trực Tỉnh ủy, chức năng văn thư, lưu trữ được trả về cho các đơn vị thực hiện, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã bố trí 01 chuyên viên phụ trách công tác văn thư, lưu trữ cơ quan, trình độ chuyên môn: Đại học Lưu trữ học; các chế độ chính sách của cán bộ văn thư, lưu trữ được thực hiện theo quy định của Bộ Nội vụ.
Bộ phận văn thư, lưu trữ của Ban Dân vận Tỉnh ủy chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Ban về công tác văn thư - lưu trữ; thực hiện tiếp nhận, xử lý và phát hành văn bản đi, văn bản đến của Ban Dân vận Tỉnh ủy và phân loại tài liệu, thực hiện chế độ lưu trữ tài liệu (kể cả tài liệu theo chế độ bảo mật) đúng với chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ; in ấn, tài liệu của Ban Dân vận Tỉnh ủy và quản lý, sử dụng mộc dấu của Ban.
Bên cạnh đó, đối với công tác quản lý, ban hành, xử lý văn bản và lưu trữ hồ sơ tài liệu, cơ quan đang sử dụng hệ thống mạng nội bộ Lotus Notes 8.5 và Hệ điều hành tác nghiệp tỉnh Bình Phước dùng để tiếp nhận văn bản đi - đến của các đơn vị. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã áp dụng đúng thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản theo Quy định số 66-QĐ/TW ngày 06/02/2017 về thể loại, thẩm quyền ban hành thể thức văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 36-HD/VPTW ngày 03/4/2018 của Văn phòng Trung ương Đảng về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản của đảng. Quản lý và giải quyết văn bản đi, văn bản đến được thực hiện theo quy định tại Quy định số 693-QĐ/VPTW ngày 15/12/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về công tác văn thư trong các cơ quan, tổ chức đảng. Quản lý văn bản chứa bí mật nhà nước được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chỉnh phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước và Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20/7/2015 của Bộ Công an về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2022 của Chính phủ. Quản lý và sử dụng con dấu theo đúng quy định tại Nghị định 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu. Công tác văn thư gắn liền với thực hiện chuyển đổi số. Thực hiện ký số văn bản điện tử và phát hành văn bản trên hệ thống điều hành tác nghiệp.
Triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành công tác văn thư và sử dụng triển khai chữ ký số được vận hành áp dụng trên phần mềm quản lý hồ sơ công việc. Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác văn thư như phần mềm quản lý văn bản đi, văn bản đến và lập hồ sơ trong môi trường mạng nhằm tiết kiệm được thời gian, công sức. Từng bước áp dụng công nghệ thông tin trong công tác lưu trữ nhằm số hoá tài liệu lưu trữ và hỗ trợ cho công tác khai thác phục vụ nhu cầu sử dụng tài liệu lưu trữ của cán bộ công chức, viên chức.
Nhìn chung, tình hình công tác Văn thư - lưu trữ năm qua luôn được lãnh đạo Ban quan tâm đầu tư trang thiết bị như: Máy tính, máy photocopy, máy scan, máy in; tủ, kệ đựng tài liệu; với một trình độ chuyên môn phù hợp (01 cán bộ văn thư trình độ Đại học Lưu trữ học) do vậy, công tác Văn thư - lưu trữ triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Tỉnh; việc xử lý, phát hành, quản lý lưu trữ văn bản được thực hiện thông qua mạng điện tử kết nối giữa cơ quan Ban Dân vận Tỉnh ủy và các đơn vị của tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị huyện, thị, thành ủy, trực thuộc trong tỉnh đã góp phần công nghệ cho công tác Văn thư - lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị; thuận lợi trong công tác tra cứu và quản lý văn bản.