Bình Phước: 6 nội dung cơ bản tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính NN, chính quyền các cấp trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ
Thứ năm - 18/05/2023 22:476370
Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; chống tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, đồng thời nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 15/5/2023 để chỉ đạo các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện tốt hơn công tác dân vận của chính quyền, với 6 nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, về công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận: tiếp tuc tổ chức phổ biến, triển khai đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, nội dung Chỉ thị số 33/CT-TTg nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Tổ chức quán triệt, thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới gắn với việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình phối hợp số 06-CTr/BDVTU-BCSĐ ngày 14/01/2022 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy về công tác dân vận chính quyền giai đoạn 2022-2026; Kế hoạch số 27-KH/BDVTU-BCSĐ ngày 12/01/2023 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc phối hợp thực hiện công tác dân vận năm 2023.
Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác dân vận chính quyền; phối hợp tổ chức phát động và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phối hợp trong khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kế hoạch số 03/KH-TU ngày 17/11/2021 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 98/KH-BDVTU ngày 01/02/2023 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc tổ chức hội thi “Dân vận khéo” tỉnh Bình Phước năm 2023; Phát hiện bồi dưỡng, xây dựng những nhân tố mới, điển hình mới trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đồng thời củng cố, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tạo được sự lan tỏa trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm vận động công chức, viên chức và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ gắn với công tác dân vận chính quyền. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Dân chủ cơ sở năm 2022.
Phải gắn việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác dân vận với việc triển khai nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương; tập trung hoàn thiện thể chế của tỉnh theo hướng phát huy dân chủ, đẩy mạnh công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia giám sát và quyền làm chủ của Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hiến pháp năm 2013, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Kết hợp xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đưa kết quả thực hiện Quy chế dân chủ thành một tiêu chuẩn thi đua để đánh giá xếp loại tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị và chính quyền cơ sở vững mạnh. Chỉ đạo các đoàn thể quần chúng hướng dẫn, vận động các cán bộ, công chức và người lao động thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền năng động, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số76/NQ-CPngày 15/7/2021 của Chính phủ; đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân; thực hiện cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành việc rà soát và sắp xếp tinh gọn bộ máy; ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số.
Tập trung hoàn thiện thể chế của nền hành chính nhà nước theo hướng phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia giám sát và quyền làm chủ của Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hiến pháp năm 2013; cụ thể hóa, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2685/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 2398/QĐ-UBND ngày 28/12/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Chú trọng thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng thực chất, hiệu quả.
Kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính phù hợp quy định do Trung ương ban hành mới; niêm yết công khai đúng quy định đề tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính. Rà soát đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giao dịch.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ.
Thực hiện nghiêm quy định về đạo đức công vụ theo quy định hiện hành của pháp luật. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân; đổi mới và thực hiện phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin”, khắc phục bệnh thành tích, hành chính, quan liêu xa dân. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho Nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường, công khai đối thoại tiếp dân tại cơ sở, nơi xảy ra vụ việc; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm; giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Thứ sáu, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan, đơn vị khối chính quyền các cấp; phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết các chương trình phối hợp giữa Ủy ban nhân dân với hệ thống Ban Dân vận cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để làm công tác dân vận theo quy định. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.