Các cấp, các ngành xác định công tác dân vận vùng đồng bào công giáo có vai trò quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, trong thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã làm tốt công tác quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả.
Đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh có 03 Giáo hạt với 107.499 tín đồ,102 cơ sở tôn giáo (64 Giáo xứ, 37 Giáo họ, 01 Trung tâm hành hương và 11 cộng đoàn dòng tu) với 87 chức sắc, 573 chức việc, 200 tu sỹ. Để làm tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào công giáo, tỉnh đã quán triệt sâu sắc đến mọi cán bộ, đảng viên, công chức, những người làm công tác tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong vùng đồng bào tôn giáo.
Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm giúp cho những cán bộ trực tiếp làm công tác tôn giáo, dân vận có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực công tác, nắm được đặc điểm tâm lý, văn hóa, phong tục của đồng bào Công giáo. Qua đó biết cách thuyết phục, tập hợp bà con giáo dân, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Công giáo sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước, tôn trọng pháp luật.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân luôn bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình thông qua việc thông tin thường xuyên với các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng, hợp pháp, kịp thời giải quyết khó khăn cho bà con; gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động xã hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Không chỉ làm tốt công tác quán triệt, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận trong vùng đồng bào Công giáo, tỉnh Bình Phước còn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở những địa phương tập trung đông đồng bào Công giáo, như: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến về các nội dung tín ngưỡng tôn giáo, an ninh trật tự... cho cán bộ cơ sở và các chức sắc, chức việc, tín đồ; tổ chức gặp gỡ, vận động chức sắc, chức việc phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn bà con giáo dân không tin, không nghe theo “tà giáo, đạo lạ”, tổ chức mạo xưng và các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây chia rẽ mất đoàn kết và trật tự an toàn xã hội.
Từ việc chú trọng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách về tôn giáo nên các vấn đề phát sinh ở vùng đồng bào công giáo luôn được tỉnh Bình Phước nắm bắt kịp thời, xử lý hiệu quả ngay từ cơ sở. Thông qua công tác vận động, đa số bà con giáo dân đều tự giác chấp hành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tích cực cùng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; các phong trào khuyến học, khuyến tài; các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Đời sống vật chất tinh thần của đồng bào Công giáo không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; cơ sở thờ tự của các giáo xứ, giáo họ được xây dựng, sửa chữa ngày càng khang trang, sạch đẹp, đồng bào Công giáo ngày càng phấn khởi, yên tâm sinh hoạt và hoạt động tôn giáo, thực hiện tốt trách nhiệm công dân. Kết quả, trong 5 năm qua, đồng bào công giáo tỉnh Bình Phước đã đóng góp cho các phong trào ở địa phương hơn 200 tỷ đồng. Giáo xứ Lộc Thạnh-Lộc Ninh đã vận động 657 triệu đồng để giúp đỡ cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, chăn nuôi; Giáo xứ Tân Thành-Bù Đốp đã vận động được 260 triệu đồng để cho các hộ nghèo, hộ mới định cư ở địa bàn vay xoay vòng không tính lãi. Bên cạnh đó, còn huy động được 12 con bò và 60 con dê giống giúp cho các hộ nghèo phát triển kinh tế; Giáo xứ Lộc Quang-Lộc Ninh cũng đã xây dựng và nhân rộng mô hình giúp nhau làm kinh tế bằng các hình thức như: cho vay không lấy lãi với số tiền huy động được 240 triệu đồng, 30 con bò, 70 con dê giống cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Giáo xứ An Khương hỗ trợ 10 con bò, 14 con heo và làm đường điện trị giá 193 triệu đồng…
Đến nay, các địa phương, khu dân cư thôn, ấp có đông đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước đều có nhà văn hóa khang trang, đường giao thông được đổ bê tông rộng rãi, người dân được sử dụng điện lưới và nước sạch hợp vệ sinh, đời sống kinh tế, văn hóa của bà con giáo dân ngày càng được nâng cao. Kết quả đó một phần là do tỉnh Bình Phước đã làm tốt công tác dân vận trong đồng bào Công giáo.