Bình Phước Phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ
Thứ hai - 20/12/2021 21:453770
Sau hơn 25 năm tái lập, Bình Phước đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, đặc biệt, ngành công nghiệp của tỉnh liên tục gặt hái những thành công vượt bậc. Đến nay, Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 81,66%, trong đó có 07 khu đã lấp đầy 100%. Chính sách thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của doanh nghiệp và Nhân dân. Cùng với sự phát triển của công nghiệp đang hình thành vùng đô thị thông minh hiện đại.
Vào thời điểm được tái lập, Bình Phước là một trong những tỉnh hết sức khó khăn. Kinh tế chủ yếu là lĩnh vực nông - lâm nghiệp chiếm hơn 70%, các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ quá nhỏ bé; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng…). Thu ngân sách toàn tỉnh hơn 172 tỷ đồng. Đời sống Nhân dân trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, GDP bình quân đầu người thấp nhất cả nước chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, chưa ngang tầm nhiệm vụ, nhất là nhân sự các sở, ban, ngành ở tỉnh rất khó khăn, thiếu trầm trọng về số lượng, chủ yếu là các phó phòng ban, phó giám đốc các sở, ban, ngành của Sông Bé (cũ) chuyển lên. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, chỉ có 53/64 xã đạt chuẩn quốc gia về xóa nạn mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí còn thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếmkhoảng 20%; tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia, tình hình diễn biến khá phức tạp… Đó là những trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh.
Kinh tế xã hội đạt nhiều thành tựu
Trải qua 25 năm xây dựng, phát triển và hội nhập và khát vọng vươn lên, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện và bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới. Diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, Thu ngân sách của tỉnh tăng gần 61 lần so với năm đầu tái lập: Những năm đầu tái lập tỉnh vô vàn khó khăn, thu ngân sách của tỉnh rất thấp, chỉ đạt 172 tỷ đồng. Sau 25 năm tái lập tỉnh, cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn thu từ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thuế thu nhập cá nhân. Năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, tăng gần 61 lần so với năm 1997. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của tỉnh, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 6,65% so cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất hoặc giải thể tăng, nhưng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đạt hơn 9.000 tỷ đồng, vượt 19% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 69% Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020; Thu nhập bình quân đầu người tăng gần 26 lần, đời sống Nhân dân được cải thiện:Trong năm đầu mới tái lập, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm. Đến nay, kinh tế - xã hội phát triển theo hướng tích cực đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đặc biệt là người dân ở khuvực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 67,3 triệu đồng/người/năm, tăng gần 26 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; Chính sách thu hút đầu tư và ưu tiên phát triển các khu công nghiệp đạt được những hiệu quả rõ nét:Những năm đầu mới tái lập tỉnh, Bình Phước là tỉnh thuần nông. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp. Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế (chiếm khoảng 5% GRDP của tỉnh), chủ yếu là chế biến và khai thác mỏ với 31 doanh nghiệp tư nhân. Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 75 tỷ đồng; Về đầu tư nước ngoài:Toàn tỉnh có 331 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký trên 3.511 triệu USD. Năm 2020, tỉnh đã cấp mới cho 36 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 436 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2021, cấp mới cho 60 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 691 triệu USD, tăng 250% số dự án và tăng 8,1 lần số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020, đạt 171% kế hoạch năm; Về đầu tư trong nước:Toàn tỉnh có có 1.179 dự án, với tổng số vốn đăng ký 104.956 tỷ đồng. Năm 2020 đã thu hút được 120 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là 12.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2021, thu hút được 88 dự án với số vốn đăng ký 9.206 tỷ đồng, tăng 23,94% về số dự án và tăng 2,4 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020, đạt 92% kế hoạch năm.
Đến nay, Bình Phước có khoảng 9.525 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 166.170 tỷ đồng. Riêng năm 2020, có 1.202 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 15.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2021, có 815 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 15.979 tỷ đồng, giảm 6,65% về số doanh nghiệp và tăng 55,32% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020, đạt 67% kế hoạch năm. Kéo theo sự phát triển của các khu công nghiệp là bộ mặt nông thôn, đô thị thay đổi; các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển; nhiều khu dân cư mới được xây dựng đã trở nên đông đúc.
Phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được, Bình Phước tiếp tục thực hiệnkhát vọng vươn lên
Với những định hướng chiến lược và bước đi phù hợp, Bình Phước đang sẵn sàng cho những bứt phá mới, ngoạn mục hơn để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Bình Phước Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đến 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ. Và đến năm 2045, Bình Phước trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.
Chương trình hành động đã đưa ra 6 nhiệm vụ chủ yếu về: Cơ cấu tại nền kinh tế, lựa chọn ngành, lĩnh vực trọng tâm để phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện 3 đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, xây dựng các chính sách phù hợp, tác động tích cực vào phát triển. Phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế. Xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh…
Để thực hiện tốt chương trình hành động nêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch của ngành, đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện chương trình hành động. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động. Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai, quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh; tham mưu xây dựng các nghị quyết, đề án, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy để triển khai thực hiện; tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình hành động. Giữa nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến hành kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện chương trình hành động.