Bình Phước: Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số

Thứ sáu - 10/03/2023 10:38 598 0
Bình Phước là tỉnh biên giới có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống với 41 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 203.519 người (chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh). Tỉnh hiện có 96 già làng và 345 người có uy tín đã được cộng đồng dân cư bầu chọn. Với 40 thành phần dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào S’tiêng là 9,72%, đồng bào Tày 2,5%, đồng bào Nùng 2,4%, đồng bào Khmer 1,94%, đồng bào Mnông 1,09%, còn lại là đồng bào người Hoa và các dân tộc khác; đồng bào sinh sống đan xen trên địa bàn của 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị, thành phố.
Đ/c Lê Thị Xuân Trang - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh phát biểu tại hội nghị Họp mặt già làng,  người có uy tín tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023
Đ/c Lê Thị Xuân Trang - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh phát biểu tại hội nghị Họp mặt già làng, người có uy tín tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về dân tộc và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, y tế, giáo dục, tỉnh Bình Phước luôn quan tâm coi trọng và phát huy vai trò của đội ngũ các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần quan trọng ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Trong những năm qua, đội ngũ già làng, người uy tín trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình các già làng, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số đã vận động bà con phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, năm 2022 kinh tế của tỉnh tăng trưởng đạt 8,42%, thu nhập bình quân đầu người đạt 84,6 triệu đồng; giảm được 2000 hộ nghèo, trong đó có giảm 1000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.

Đ/c Trần Tuyết Minh – UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị họp mặt già làng, người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Việc ma chay, cưới hỏi không còn tổ chức dài ngày, các quy ước, hương ước của thôn ấp được thực hiện tốt. Vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy các phong tục tập quán, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hiện nay các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang được bảo tồn và phát huy như: lễ hội phá bàu, lễ mừng lúa mới; khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm, các món ăn đặc trưng dân tộc, các làn điệu dân ca, cồng chiêng, thành lập các đội văn nghệ dân tộc,…Bên cạnh đó các già làng đã phát huy được vai trò trong việc tham gia bàn bạc và quyết định, đóng góp ý kiến đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới các già làng, người uy tín đã tích cực tham gia và vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, đóng góp ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay tỉnh đã có 75/86 xã đạt chuẩn nông thông mới, 09 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 03/11 huyện, thị, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đối với công tác an ninh trật tự, các già làng, người có uy tín tích cực phối hợp với chính quyền, đoàn thể thực hiện tốt phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời tham gia hòa giải nhiều vụ mâu thuẫn gây mất trật tự ở các thôn ấp.

Quang cảnh hội nghị buổi họp mặt già làng, người có uy tín tiêu biểu năm 2023

Việc triển khai thực hiện chính sách đối với già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Bình Phước đặc biệt quan tâm và kịp thời chỉ đạo, các cấp, các ngành, địa phương tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của già làng, người có uy tín tại các địa phương. Đồng thời quan tâm, tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số, thăm hỏi già làng, người có uy tín khi ốm đau; cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có chính sách dân tộc, cung cấp các loại báo, tạp chí và tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm cho già làng, người có uy tín…Đây là nguồn động viên to lớn để già làng,  người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, tích cực, trách nhiệm đối với cộng đồng, với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhờ đó, già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước và vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc…

Tại buổi gặp mặt với lãnh đạo tỉnh vào ngày 10 tháng 3 năm 2023, các già làng tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc của tỉnh mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới các chính sách dành cho đồng bào dân tộc, chính sách cho già làng, người có uy tín, có các chính sách đào tạo thế hệ trẻ nhằm giữ gìn văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn; quan tâm hơn nữa tới đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách bảo hiểm y tế cho học sinh dân tộc; quan tâm, hướng dẫn và có cơ chế giúp bà con nhân dân một số địa phương hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…

Già làng phát biểu tại hội nghị họp mặt

Đồng chí Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thay mặt lãnh đạo tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của già làng, người có uy tin đối với sự phát triển vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước; đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan tham mưu, thực hiện công tác dân tộc, qua đó đã giúp đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường,…Đồng chí nhấn mạnh, muốn phát huy vai trò của già làng, người có uy tín thì cần truyền tải thông tin kịp thời, đầy đủ, có định hướng; tăng cường các điều kiện để già làng, người có uy tín hoạt động hiệu quả. Già làng, người có uy tín cũng cần nhận thức rõ vai trò của mình, thường xuyên đổi mới, nâng cao nhận thức theo sự vận động phát triển của xã hội để kịp thời thích ứng, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình với cộng đồng. Các cơ quan, ban, ngành và địa phương tăng cường phối hợp, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm chăm lo cho già làng, người có uy tín; kịp thời phản ánh, giải quyết các nguyện vọng, đề xuất chính đáng, hợp pháp của bà con; nghiên cứu, đề xuất, có chính sách hỗ trợ tốt nhất cho đội ngũ già làng, người có uy tín, trong đó tăng cường thông tin, biểu dương, khen thưởng, gặp mặt, thăm nom đối với già làng, người có uy tín...Mong muốn già làng, người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phối hợp với các cơ quan, ban ngành và chính quyền ở địa phương để công tác vận động nhân dân đạt hiệu quả hơn. Quan tâm, giúp đỡ già làng, người có uy tín là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, nhằm phát huy và tạo điều kiện cho đội ngũ già làng, người có uy tín trong tỉnh hoạt động ngày càng có chất lượng và hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nguồn tin: Ngọc Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây