Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân năm giai đoạn 2011-2015 tăng 10,8%; tốc độ tăng trưởng bình quân của kim ngạch xuất khẩu đạt 16,9%; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 32,4 triệu đồng, năm 2015 tăng lên 39,8 triệu đồng. Đến năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,51% so cùng kỳ năm trước, là tỉnh có mức tăng trưởng cao, đứng thứ 5 của cả nước; cơ cấu nền kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 23,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,52%; khu vực dịch vụ chiếm 33,57%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,26%; GRDP bình quân đầu người đạt 69,39 triệu đồng/người/năm.
Đội ngũ doanh nhân tỉnh Bình Phước đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng; đã phát huy được vai trò là lực lượng xung kích trong hoạt động phát triển kinh tế, có nhiều hoạt động và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết các vấn đề an sinh - xã hội của tỉnh; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng liên quan trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, từ đó, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Phần lớn các doanh nghiệp đều có ý thức chấp hành, thực hiện tốt quy định của pháp luật, tích cực thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước; nhiều doanh nhân tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng.
Tuy nhiên, những năm qua, kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng bị ảnh hưởng bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, kinh tế thế giới suy giảm, hiện nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và cả người lao động. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh giảm mạnh. Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ của Chính phủ còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp chưa nghiêm, chưa thực sự có chiến lược kinh doanh bài bản, lâu dài; thiếu kinh nghiệm thương trường, chưa thích ứng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực tài chính hạn chế. Đội ngũ doanh nhân chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; năng lực lãnh đạo, quản lý, sức cạnh tranh, tham gia sản xuất chuỗi giá trị còn hạn chế. Hiện nay và thời gian tới, tác động của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh.
Để kịp thời chủ động ứng phó, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bình Phước phải tăng cường hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự nỗ lực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế; Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhất là Nghị quyết 09-NQ/TW; triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch 81-KH/TU, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hỗ trợ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường trong nước, các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng. Tăng cường tuyên truyền, trợ giúp về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.
Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và phát triển; quan tâm tổ chức các cuộc gặp mặt biểu dương, tôn vinh doanh nhân; xây dựng hình ảnh doanh nhân trong thời kỳ mới. Chủ động xây dựng các phương án chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian tới để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.