Những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện luật phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 29/09/2022 01:53 271 0
Với mục tiêu, phương châm thực hiện là "Đưa pháp luật đến tận người dân ở cơ sở", trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực tham mưu cho cấp có thẩm quyền triển khai các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật gắn với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, hàng năm, khi có chỉ đạo của Trung ương và tùy theo tình hình thực tế của tỉnh, các đơn vị đã chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh và các kế hoạch triển khai các Đề án phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó đã xác định cụ thể các hoạt động, thời gian, hình thức thực hiện, văn bản tập trung tuyên truyền và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và từng thành viên của Hội đồng Phối hợp
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản và Chương trình, Kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 14/9/2012 về việc triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Kế hoạch số 158-KH/TU ngày 21/3/2014 về việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quyết định số 306/QĐ-UBND ngày 14/02/2014 về việc ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 19/11/2012 về triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giám định tư pháp và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chỉ thị số 11/2013/CT-UBND ngày 04/7/2013, UBND tỉnh Bình Phước về việc tăng cường công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các Chương trình, Kế hoạch, văn bản hướng dẫn chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình bằng nhiều hình thức, cụ thể: Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hội nghị triển khai văn bản pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hội nghị tập huấn; phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hội thi tìm hiểu pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật thông qua xét xử lưu động; phổ biến giáo dục pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến giáo dục pháp luật  thông qua tủ sách pháp luậtphổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù.

Hàng năm, trên cơ sở Chương trình, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của UBND tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai văn bản pháp luật cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã với hàng chục ngàn lượt người tham dự. UBMTTQVN các cấp, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện cũng đã tổ chức phổ biến cho đội ngũ thuộc quyền quản lý những văn bản liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ, quyền nghĩa vụ của công dân. Sở Tư pháp (Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh) đã tổ chức  Hội nghị phổ biến Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đấu giá tài sản cho 250 đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh; đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã...; tổ chức 02 lớp bồi dưỡng pháp luật về Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho 600 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành phòng Tư pháp các huyện, thị xã, các trưởng thôn, người có uy tín, già làng của các thôn, ấp, khu phố. Tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Giám định tư pháp và Luật xử lý vi phạm hành chính cho 260 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Hội nghị tập huấn cho đối tượng là Chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ tư pháp - hộ tịch, tổ trưởng, tổ phó tổ hòa giải, trưởng khu phố, thôn, ấp, bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, đối tượng là cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở. Nội dung tập huấn bao gồm các chuyên đề xử lý vi phạm hành chính, khiếu nại, tố cáo, pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, công chứng, chứng thực, kỹ năng tuyên truyền phổ biến pháp luật, tín ngưỡng, tôn giáo, công tác trợ giúp pháp lý.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật như: Cuộc thi tìm hiểu Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo, Luật bảo vệ và phát triển rừng; cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động; hội thi “Chủ tịch UBND cấp xã giỏi”, “Hòa giải viên giỏi”, “Hộ tịch viên giỏi”, “Phụ nữ với pháp luật”; cuộc thi “Công dân với pháp luật”; Hội thi “Nông dân với pháp luật”; Hội thi “Công chức Tư pháp – Hộ tịch giỏi”; cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự trên địa bàn tỉnh; cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn tỉnh… Các cơ quan, đơn vị đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều Hội thi như: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức hội thi “Phụ nữ với pháp luật”, Phụ nữ tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, Gia đình văn hóa; “Tuyên truyền phòng chống mại dâm”…. Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thi tìm hiểu Luật khiếu nại tố cáo, Luật bảo vệ và phát triển rừng, hội thi nhà nông đua tài, hội thi nông dân lái xe an toàn, hội thi cán bộ Chi hội giỏi, thi tìm hiểu về Pháp lệnh dân số.

Công tác trợ giúp pháp lý luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã trợ giúp được hơn 10.000 vụ việc bao gồm  tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, đất đai, lao động…, trợ giúp lưu động; in ấn và phát hành các loại tờ gấp pháp luật với nội dung tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến người dân. Công tác phổ biến pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý đã mang lại hiệu quả nhất định. Các yêu cầu, bức xúc của người dân được giải đáp thỏa đáng, thông qua đó người dân hiểu hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới không có điều kiện tìm hiểu pháp luật.

Ngành Tòa án đã tổ chức xét xử lưu động nhiều vụ án hình sự điển hình là các vụ án gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc những vụ án gây hoang mang lo sợ trong quần chúng nhân dân ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dân và an ninh trật tự tại địa phương. Việc xét xử lưu động được thực hiện ở hầu hết trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Qua công tác xét xử lưu động, ngành Tòa án đã tiến hành phổ biến những quy định của pháp luật hình sự, những quan điểm, chủ trương của Đảng về pháp luật hình sự, thể hiên được tính nhân đạo trong công tác xét xử tội phạm hình sự của Nhà nước ta, đồng thời nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa tội phạm phát sinh. Kết quả trung bình mỗi năm TAND hai cấp tổ chức được khoảng 70 phiên tòa lưu động. Tuy nhiên Từ năm 2019 đã bỏ hình thức xét xử lưu động theo quy định. Đồng thời, TAND hai cấp đã làm tốt việc mã hóa và công khai các bản án trên cổng thông tin điện tử theo quy định tại Nghị quyết số 03/2017/NQHĐTP ngày 16/3/2017.

Công tác phổ biến pháp luật qua sóng phát thanh truyền hình ngày càng đi đúng hướng và đang trở thành kênh thông tin pháp luật không thể thiếu đối với người dân địa phương. Các chuyên đề, chuyên mục về pháp luật ngày càng được đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Báo Bình Phước, Đài Phát thanh-truyền hình tỉnh không ngừng mở các chuyên mục pháp luật và đời sống (4 kỳ/ tháng, thời lượng 20 phút, bao gồm 01 phóng sự tuyên truyền phổ biến pháp luật, 01 phóng sự điều tra, 01 chuyên mục hộp thư bạn xem đài), chuyên mục an ninh trật tự (04 kỳ/ tháng, thời lượng 15 phút), chuyên đề Nhà nước và công dân (01 kỳ/tháng, thời lượng 15 phút), chuyên mục an toàn giao thông (2 kỳ/ tháng), chuyên mục diễn đàn cử tri (2 kỳ/tháng). Ngoài ra, còn nhiều chuyên mục khác cũng được lồng ghép để tuyên truyền pháp luật. Trong từng thời điểm chính trị, đặc biệt là các kỳ họp Quốc hội, các cấp ủy và chính quyền đã chỉ đạo sâu sát việc tuyên truyền công tác lập pháp, các hoạt động của Quốc hội, tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn, qua đó làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thông qua đó còn là kênh thường trực để kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật.

Thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật nay là Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật thay thế Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có 01 tủ sách pháp luật và được đặt chủ yếu ở các khu vực như: Văn phòng, phòng tiếp dân, phòng tiếp nhận và trả hồ sơ của bộ phận một cửa, Hội trường, phòng làm việc của cơ quan, đơn vị; đặc biệt 111 xã, phường, thị trấn đều có tủ sách pháp luật; các cơ sở Đoàn có 211 tủ sách. Tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có khoảng 100 đầu sách các loại; tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị cấp huyện có khoảng 200 đầu sách các loại; tủ sách pháp luật ở cấp xã có khoảng 250 đầu sách các loại. Các đơn vị, địa phương đều bố trí được cán bộ quản lý tủ sách pháp luật để theo dõi, quản lý.

Việc triển khai phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật, người đang bị áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương, người bị phạt từ được hưởng án treo trên địa bàn khu vực biên giới đã được UBND tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa bàn và từng nhóm đối tượng như: Tư vấn, phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, cung cấp tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật, lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật trong các hoạt động giáo dục, thông tin đại chúng, biểu diễn văn nghệ, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí... Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật ở từng đối tượng góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đặc biệt khu vực biên giới. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số (trong đó chú trọng tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng); đồng thời thực hiện lồng ghép vào thực hiện Đề án trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và Kế hoạch chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo. Phối hợp với Hội phụ nữ tham gia Trợ giúp pháp lý lưu động tư vấn và trợ giúp pháp lý tại 119 xã thuộc 09 huyện, thị với gần 6 ngàn người tham gia, trong đó phụ nữ chiếm gần 60%.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học được đặc biệt quan tâm thực hiện. Nội dung tập trung vào các vấn đề như: Luật Giáo dục; Luật Thi đua khen thưởng; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông đường bộ; phòng chống tệ nạn xã hội; bạo lực học đường; xâm hại phụ nữ, trẻ em; bình đẳng giới. Được tổ chức bằng nhiêu hình thức đa dạng như: tổ chức hoạt động mít tinh; tổ chức thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thi tìm hiểu pháp luật; qua hệ thống loa phát thanh học đường; treo băng rôn, pa nô, áp phích, cờ phướn, các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, hướng nghiệp, ký cam kết không vi phạm pháp luật,… Đồng thời, các cơ sở giáo dục, các trường học đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho học sinh về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, trật tự an toàn giao thông.

Có thể nói sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành và được triển khai, quán triệt tới cơ sở, đã có sự thay đổi lớn trong tư tưởng và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể về vị trí, vai trò của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, coi công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị-tư tưởng; cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao hiểu biết pháp luật”, từ đó tạo sự hoạt động có hiệu quả đưa pháp luật tới cơ sở. Tác động của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã có ảnh hưởng tích cực đối với đời sống xã hội. Thông qua việc xác định trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở pháp lý để đôn đốc triển khai và kiểm tra việc thực hiện ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của tổ chức, công dân. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, phương châm “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đang dần trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân, trở thành  tiêu chí trong việc đánh giá kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Gia đình văn hóa”… Tình hình khiếu nại, khiếu kiện nhất là khiếu kiện vượt cấp ngày càng giảm, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được giữ vững, là yếu tố quan trọng để Bình Phước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn tin: Anh Khoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay2,683
  • Tháng hiện tại50,789
  • Tổng lượt truy cập1,773,321
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây