Hiệu quả từ Chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

Thứ năm - 19/05/2022 00:24 432 0
Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp đã và đang diễn ra rất sôi nổi, từ thành thị đến nông thôn. Nhằm tạo môi trường sinh hoạt, thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên tham gia phát triển kinh tế, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã xây dựng các mô hình, câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế... Ðây là cách làm hay, sáng tạo, trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Lớp tập huấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn tổ chức
Lớp tập huấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn tổ chức
Xác định đồng hành cùng thanh niên về nghề nghiệp, việc làm là một trong những nhiệm vụ cơ bản của các tổ chức Đoàn, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã triển khai các chương trình tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo với nhiều nội dung, hình thức phong phú và đa dạng như: giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp; định hướng, khuyến khích tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp và đổi mới sáng tạo cho đoàn viên thanh niên …
          Từ sự định hướng, hỗ trợ và “thắp lửa” của tổ chức Đoàn, cùng với bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng của tuổi trẻ, trong thời gian quan trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng xuất hiện những tấm gương khởi nghiệp, lập nghiệp thành công. Có thể kể đến một vài điển hình trong số đó như:
Nguyễn Văn Quyết (SN1993), Bí thư Chi đoàn khu phố 4, phường Long Thủy, thị xã Phước Long:
Xuất ngũ năm 2016, anh Quyết tập trung làm kinh tế nhưng nhiều lần thất bại. Với bản tính siêng năng lại được rèn luyện trong môi trường quân đội và tính sáng tạo, năng động, ham học hỏi của tuổi trẻ, anh đã gầy dựng kinh tế với đàn heo rừng lai. Anh Quyết cho biết, đầu năm 2018, sau thời gian nuôi thử nghiệm 6 con giống, thấy kết quả bước đầu thuận lợi, anh đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng đàn. Hiện anh có gần 50 con heo thịt, 10 heo sinh sản, mỗi năm heo sinh sản 2 lứa với khoảng 200 heo con giống cung cấp cho khách hàng và một phần để lại nuôi. Với giá heo hơi trên thị trường hiện dao động khoảng 110-130 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi hơn 150 triệu đồng.
Nguyễn Văn Quyết đang chăm sóc đàn heo rừng lai
Nguồn ảnh: Bình Phước Online
Bên cạnh đó, anh còn đầu tư trồng, chăm sóc 1,6 ha điều và bơ sáp vừa tạo bóng mát cho vật nuôi vừa có thêm thu nhập. Chia sẻ về dự định tương lai, anh Quyết cho biết: Thời gian tới, tôi sẽ tìm thêm nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng diện tích chuồng trại; tăng số lượng đàn heo thịt để có nguồn cung dồi dào, ổn định. Đồng thời sẽ tìm kiếm các đối tác để cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng cao cho các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, siêu thị trong và ngoài thị xã. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn là đảng viên trẻ, Bí thư Chi đoàn khu phố, gương mẫu, nhiệt tình trong công tác đoàn và các hoạt động xã hội của địa phương. Trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, anh đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển giao mô hình nuôi heo rừng lai cho nhiều thanh niên áp dụng, mang lại kết quả tích cực.
Đặng Dương Minh Hoàng ( SN 1989) ở thị xã Phước Long:
Hoàng vốn là du học sinh chương trình kỹ sư, thạc sĩ trong hệ thống tự động và công nghệ thông tin - cơ điện tử của Viện Công nghệ Grennoble (Pháp). Hoàng kể có nhiều người thắc mắc vì sao “học một đường, làm một nẻo”? Khi học một chuyên ngành không liên quan đến nông nghiệp, cũng như đang làm trong lĩnh vực điều khiển tự động lại chọn mô hình khởi nghiệp kinh doanh thiên về nông trang như thế ?
Hoàng cười và lý giải: "Những tưởng mọi thứ có vẻ không liên quan đến nông nghiệp, nhưng thực tế lại rất có liên quan. Vì định hướng của tôi là khởi nghiệp nông nghiệp thông minh, dùng tự động hóa để áp dụng vào nông nghiệp nhằm tăng năng suất và hiệu quả quản lý".
Cũng theo Hoàng, đó là mục tiêu từ nhỏ của bản thân. "Vì tôi xuất thân trong gia đình nông dân, từ nhỏ đã quen với ruộng vườn, chứng kiến sự vất vả của ba mẹ và người thân khi phải bán lưng cho đất, bán mặt cho trời mà hiệu quả thu về không cao. Điều đó luôn nung nấu trong tôi ý định sau này phải học hành thật tốt, tìm ra phương pháp giúp ba mẹ và mọi người xung quanh làm nông một cách chủ động và đạt hiệu quả cao", Hoàng kể.
Khi hoàn thành chương trình kỹ sư tại Pháp (với học bổng từ chính phủ Pháp), chàng trai này đã trở về quê hương, bắt đầu công việc quản lý và điều hành nông trang 50 ha (ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập). Trong đó 12 ha trồng bơ mà không cần quá nhiều nhân công kể từ năm 2016 đến nay với sản phẩm nổi tiếng là "Bơ ông Hoàng".
Hoàng cho biết bơ được trồng theo phương pháp hữu cơ. Vì hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học nên việc chăm sóc khá khó khăn, cần phải chăm sóc một cách rất cẩn thận, theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây để có những phương án chăm sóc hiệu quả nhất.
Theo Hoàng, với giống bơ này, sau khi trồng có thể thu hoạch trái sau 3 năm. Có một điều thú vị là, tất cả diện tích bơ của Hoàng không trồng theo cách thông thường như bao đời nông dân hay làm, mà ứng dụng hoàn toàn công nghệ, thay thế sức người.
Cụ thể, Hoàng đang áp dụng nhật ký số nhằm có thể truy xuất nguồn gốc với quả bơ. Thông qua nhật ký số, người tiêu dùng có thể biết được các loại phân bón đã sử dụng, thời gian bón phân, ngày sản phẩm được thu hoạch, phương tiện vận chuyển đã được sử dụng để đưa đến cửa hàng, siêu thị…
Hoàng nói: "Vì bơ được trồng theo phương pháp hữu cơ nên tốt cho sức khỏe, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vị bơ thơm ngon, độ béo và dẻo vừa, bơ sẽ thỏa mãn các tín đồ thích ăn bơ trực tiếp mà không cần thêm đường hay sữa vì bản thân trái bơ đã có vị ngọt thanh, ngoài việc có thể ăn sinh tố, bơ có thể được dùng làm salad, hoặc kết hợp làm các món ăn khác vì độ dai của bơ tốt hơn so với các loại bơ khác... Nhờ những ưu điểm này mà mọi người ưa chuộng bơ ông Hoàng hơn".
“Bơ ông Hoàng” được thu hoạch tại trang trại và đóng thùng chuyển đến nhà cung cấp
Trung bình 1 năm, 1 cây bơ ông Hoàng với 7 - 8 năm tuổi có thể thu hoạch khoảng 300 kg. Giá bán ra thị trường với 95.000 đồng/kg. Tổng doanh thu đạt được của trang trại là 11 tỉ đồng, với lợi nhuận 8 tỉ đồng. Mô hình trồng bơ của Hoàng đạt tiêu chuẩn về Vietgap, đồng thời nhận được nhiều giải thưởng cao quý từ các bộ ngành. Gần đây nhất Hoàng đã nhận được giải thưởng Lương Định Của năm 2021 do Trung ương Đoàn trao tặng.

Nguyễn Văn Thắng  Ông chủ “Trang trại 9 sào”:

          Ở đất Phú Nghĩa, huyện Bù Gia mập người dân nơi đây không chỉ biết đến Thắng với các loại nông sản và trái cây sạch mà khi nhắc đến Thắng, người ta còn nghĩ ngay đến tấm gương thanh niên biết nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống của mình với đôi bàn tay sức trẻ đầy nhiệt huyết và có tâm. Mô hình được phát triển trên 9 sào đất ruộng, có mạng lưới mương chứa nước bốn xung quanh, nguồn cung cấp nước từ 01 áo cá, mô hình có sử dụng béc tưới tự động linh hoạt, không sử dụng thuốc hóa học trong chăm sóc cây trồng. Với các kỹ năng được trang bị khi còn làm rẫy, Thắng chăm chỉ tạo mô hình cho riêng mình từ 9 sào đất ruộng chuyên trồng lúa hàng năm của gia đình. Mạnh dạn đầu tư 400 cây giống ổi từ miền Tây, Thắng bắt đầu mô hình chăm sóc cây ăn trái không sử dụng chất kích thích và các loại thuốc hóa học. Trong thời gian chăm sóc ổi, để giảm tải các luồng chi phí phát sinh, đồng thời giảm bớt sự phát sinh của cỏ dại trong vườn, Thắng đầu tư trồng xen canh rau mướp, bắp và lạc tiên để bán hàng ngày lấy chi phí trang trải cho ước mơ của mình.
Với 2 năm nỗ lực, 400 cây ổi đã bắt đầu đơm hoa kết trái với cho thu nhập trên 160 triệu đồng trong một vụ thu hoạch (kéo dài 2 tháng). Thời điểm bắt đầu đậu trái đến lúc thu hoạch ổi đảm bảo chất lượng là 3,5 tháng. Khoảng cách giữa các vụ hơn kém nhau 3 tuần. Ngoài ra, thu nhập từ rau lạc tiên và đọt mướp mang đến cho thắng nguồn thu nhập ổn định từ 300 ngàn đến 500 ngàn đồng mỗi ngày.
Bắt đầu từ suy nghĩ làm giàu không khó, Thắng nỗ lực tạo thương hiệu riêng cho mình với ước mơ làm chủ “Trang trại 9 sào” để nay anh chính thức trở thành ông chủ trang trại hiệu quả với mô hình hợp lý. Hiện nay, Thắng đang mở rộng mô hình của mình với 6 sào đất với các loại trái cây như ổi, mít, vú sữa và dừa. Trong tương lai, ước tính thu nhập hàng tháng của ông chủ trang trại trẻ lên đến 100 triệu đồng/ tháng. Điểm đặc biệt từ trang trại 9 sào chính là cách đuổi những loại côn trùng, sâu hại cây trồng, thay vì phun thuốc trực tiếp, thắng áp dụng biện pháp gián tiếp với hình thức bỏ thuốc vào vỏ lon bia và treo trên giàn cây trồng. làm như vậy không chỉ loại bỏ côn trùng xâm hại đển sản phẩm mà còn bảo đảm được chất lượng sản phẩm do thắng tạo ra.
Chương trình “đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” là một trong những hoạt động vô cùng hữu ích, thiết thực đối với thanh niên tại địa phương, thời gian tới Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác Đoàn trong đó chú trọng giúp đoàn viên thanh niên về vốn, khoa học - kỹ thuật, tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình hay cách làm hiệu quả về phát triển kinh tế đến đông đảo đoàn viên thanh niên tại địa phương. Qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn tin: Đoàn Tứ - BDV Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay2,761
  • Tháng hiện tại110,559
  • Tổng lượt truy cập1,288,548
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây