BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY KHẢO SÁT CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI HUYỆN BÙ DĂNG

Thứ tư - 13/07/2022 19:16 420 0
Thực hiện Kế hoạch số 62 – KH/BDVTU ngày 25/4/2022 của Ban Dân vận tỉnh ủy về việc khảo sát tình hình dân tộc, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ngày 12/7/2022, đồng chí Ma Ly Phước – TUV, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận tỉnh ủy chủ trì khảo sát tại xã Đường 10 và xã Đak Nhau, huyện Bù Đăng. Tham gia đoàn khảo sát có đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Ban Dân vận Huyện ủy Bù Đăng, Phòng Dân tộc huyện Bù Đăng, lãnh đạo và chuyên viên Phòng dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Đồng chí Ma Ly Phước – TUV, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận tỉnh ủy, trưởng đoàn khảo sát quán triệt nội dung buổi làm việc tại xã Đường 10, huyện Bù Đăng
Đồng chí Ma Ly Phước – TUV, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận tỉnh ủy, trưởng đoàn khảo sát quán triệt nội dung buổi làm việc tại xã Đường 10, huyện Bù Đăng
Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Tỉnh ủy làm việc với TT Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN và các đoàn thể xã về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022; tình hình dân tộc, công tác dân tộc, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương. Trọng tâm là tổ chức thực hiện Kết luận số 65 – KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 – NQ/TW về công tác dân tộc (Kế hoạch số 222 – KH/TU ngày 03/3/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 65 – KL/TW); thực hiện Chỉ thị số 49 – CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Kế hoạch số 38 – KH/TU ngày 12/10/2016 của Tỉnh ủy).

Theo báo cáo của Đảng ủy, UBND  xã Đường 10, dân số toàn xã hiện có 1957 hộ/8015 khẩu, trong đó có 978 hộ/4090 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, chủ yếu sinh sống bằng nghề làm rẫy, chăn nuôi và mua bán nhỏ lẻ. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp không thuận lợi do thời tiết có những diễn biến bất thường, tình hình dịch bệnh, nhất là dịch Covid – 19, giá cả các mặt hàng nông sản thấp, thị trường gặp nhiều khó khăn, trong khi giá cả vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu liên tục tăng cao nên đời sống của bà con đồng bào dân tộc chịu ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQVN, các đoàn thể xã đã đoàn kết, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phấn đấu, cơ bản hoàn thành  các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả tích cực. Đảng bộ xã hiện có 12 chi bộ, với 159 đảng viên, trong đó có 68 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Năm 2021, kết nạp 04 đảng viên, năm 2022 kết nạp 01 đảng viên người dân tộc thiểu số. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm, đảm bảo tỷ lệ cán bộ dân tộc, cán bộ nữ trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp xã. Trong tổng số 15 ủy viên BCH Đảng bộ xã có 04 đồng chí người dân tộc thiểu số và có 05 đồng chí là nữ; đại biểu HĐND xã có 22 vị, trong đó có 08 vị là người dân tộc thiểu số và có 07 đại biểu là nữ; trong tổng số 44 cán bộ, công chức, nhân viên cấp xã có 18 người dân tộc thiểu số; trong tổng số 72 người hoạt động không chuyên trách làm công tác mặt trận, đoàn thể, có 39 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2021, toàn xã giảm được 60 hộ nghèo, trong đó giảm 32 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; năm 2022, phấn đấu giảm 34 hộ nghèo, trong đó giảm 14 hộ nhèo đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2021, vận động làm 11,56 km đường giao thông nông thôn, xây  30 căn nhà đại đoàn kết, trong đó có 15 căn cho các hộ đồng bào dân tộc khó khăn về nhà ở. Năm 2022, kế hoạch vận động xây dựng 19 căn nhà đại đoàn kết, trong đó có 12 căn cho đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể triển khai xây dựng nhiều mô hình dân vận khéo, mô hình làm kinh tế giỏi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có 118 /320 hộ đồng bào dân tộc thiểu số là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp với các mô hình chăn nuôi tập trung, tái canh vườn điều, mô hình trồng sầu riêng, cây ăn trái; mô hình chăn nuôi bò sinh sản, …. Tiêu biểu là năm 2022, hộ gia đình ông Hoàng Văn Hào là người dân tộc Nùng được UBND tỉnh biểu dương nông dân sản xuất giỏi với mô hình trang trại chăn nuôi lợn tập trung.
 
Bí thư Đảng ủy xã Đường 10, Nông Thị Lúy tại buổi khảo sát.
Công tác phổ cập giáo dục, vận động con em đồng bào dân tộc đến trường được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm, có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận đọng, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi. Xã hiện có 03 trường học các cấp với tổng số 1230 em học sinh, trong đó có 625 em học sinh người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 50,81 %; xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 2. Trong tổng số 89 giáo viên, có 24 giáo viên là người dân tộc thiểu số. Chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được nâng cao, nhiều thầy cô đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở và được các cấp tặng bằng khen, giấy khen hàng năm. Năm 2019, trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia; trạm hiện có 08 nhân viên y tế, trong đó có 02 nhân viên là người dân tộc thiểu số; y tế thôn bản có 06 người, trong đó có 03 người dân tộc thiểu số; cộng tác viên dân số có 10 người, trong đó có 04 người dân tộc thiểu số. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả với nhiều chương trình khám, điều trị, hướng dẫn phòng chống các loại bệnh thường gặp như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêm chủng cho trẻ em dưới 01 tuổi, chương trình phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế. Đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid – 19, vận động bà con tiêm vacxin đầy đủ theo quy định, hạn chế dịch bệnh lây lan trên địa bàn.

Xã Đak Nhau hiện có 3259 hộ/13878 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 1489 hộ/6487 khẩu, chiếm 48,8% dân số. Trên địa bàn xã có 17 dân tộc, cư trú đan xen tại 7/7 thôn. Năm 2021, xã đã thực hiện giảm được 49 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu năm 2022, toàn xã có 203 hộ nghèo, chiếm 6,7% tổng số hộ dân, trong đó có 138 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 67,98% tổng số hộ nghèo của xã. Theo kế hoạch, năm 2022 UBND huyện giao cho xã Đak Nhau giảm 81 hộ nghèo, trong đó có 58 hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Bí thư Đảng ủy xã Đak Nhau phát biểu tại buổi khảo sát
Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung Kết luận số 65 – KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 – NQ/TW về công tác dân tộc; thực hiện Chỉ thị số 49 – CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương về “tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai; tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Trưởng đoàn khảo sát Ma Ly Phước phát biểu kết luận buổi làm việc tại xã Đak Nhau

Tuy nhiên, theo báo cáo của Đảng ủy xã Đak Nhau (Báo cáo số 75 – BC/ĐU ngày 25/6/2022) “công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, đó là việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng ở các chi bộ và tổ dân vận các thôn đến với người dân hiệu quả không cao; việc thực hiện quy chế dân chủ còn hình thức; giải quyết những bức xúc trong đồng bào còn chậm, chưa thỏa đáng; cán bộ người dân tộc thiểu số nhìn chung thiếu và yếu; công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực này chưa được chú trọng; phương thức lãnh đạo của cấp ủy chi bộ và ban quản lý thôn còn chậm đổi mới; phương pháp vận động, tập hợp đồng bào của Mặt trận và các chi hội đoàn thể thôn chưa phù hợp với từng đối tượng nên chưa thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia”. Đây thực sự là những vấn đề đặt ra không chỉ đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã Đak Nhau trong thời gian tới.

Nguồn tin: Trần Đức Mậu – Ban DVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây