Tìm hiểu chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay

Thứ bảy - 30/10/2021 05:02 554 0
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến công tác tôn giáo và có các chính sách tôn giáo phù hợp với tình hình thực tiễn, luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo là phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho thắng lợi sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đối với tôn giáo, xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, phát huy giá trị tích cực về đạo đức, văn hóa của tôn giáo; đồng thời, tiếp tục chủ trương đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định, đoàn kết tôn giáo là nguồn lực nội sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện tư tưởng đổi mới về tôn giáo của Nhà nước. Điều 70 (Chương V - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) đã khẳng định:
“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Hiến pháp năm 2013, về nguyên tắc trong chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo; với công tác tôn giáo được cụ thể hóa tại Điều 24 của Hiến pháp năm 2013 và Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Các nguyên tắc cụ thể gồm:
Thứ nhất, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người
Thứ hai, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
Thứ ba, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Thứ tư, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.
Thứ năm, Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Thứ sáu, nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ bảy, nghiêm cấm hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo; giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau và nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Cùng với việc khẳng định trong Hiến pháp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/NĐ – CP ngày 21 tháng 3 năm 1991 về các hoạt động tôn giáo, sau đó là Nghị định số 26/NĐ – CP ngày 19 tháng 4 năm 1999 về các hoạt động tôn giáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 6 năm 2004 và Chính phủ ban hành Nghị định số 22/NĐ – CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; tiếp đó Chính phủ ban hành Nghị định số 92/NĐ – CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo thay thế cho Nghị định số 22. Thực hiện Hiến pháp năm 2013, Quốc hội khóa XIV, ngày 18 tháng 11 năm 2016 đã ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018), Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ – CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Các nghị định 69, 26, 22, 92, 162 và Luật tín ngưỡng, tôn giáo đều khẳng định nguyên tắc của chính sách tôn giáo trong thời kỳ đổi mới là: Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của công dân, nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Mọi người dân theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ công dân. Các tôn giáo hoạt động tuân thủ theo Hiến pháp và Luật pháp của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng và hợp pháp của tín đồ được đảm bảo. Mọi hoạt động mê tín dị đoan được bài trừ, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập dân tộc, chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân làm hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Như vậy, từ các nội dung trên đã thể hiện rõ chính sách đúng đắn của Nhà nước ta đối với tôn giáo, đó là: Đối với nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân thì Nhà nước tôn trọng và đảm bảo; đối với những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân thì khuyến khích; đối với những hành vi lợi dụng tôn giáo vì mục đích xấu thì đều bị nghiêm cấm và xử lý theo pháp luật.
Sau khi thực hiện chính sách đổi mới đối với tôn giáo thì đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Các tôn giáo đẩy mạnh hoạt động trong nhiều lĩnh vực tạo ra bộ mặt mới về đời sống tôn giáo ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành phấn khởi, củng cố niềm tin với Đảng và Nhà nước, từ đó ủng hộ, đồng thuận và tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời trong quá trình này, Nhà nước vừa thực hiện được công tác quản lý đối với các hoạt động tôn giáo, vừa phát huy mặt tích cực và tiến bộ, hạn chế được tác động tiêu cực của tôn giáo. Những chuyển biến trong đời sống tôn giáo đã góp phần giới thiệu nhiều hơn về hình ảnh của Việt Nam trong công cuộc đổi mới với cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Nguồn tin: Ngọc Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay2,454
  • Tháng hiện tại71,198
  • Tổng lượt truy cập1,249,187
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây