Tìm hiểu điểm mới về phương châm công tác dân vận trong nghi quyết Đại hội XIII của Đảng

Thứ sáu - 17/09/2021 23:49 677 0
Đại hội XIII của Đảng họp từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021 tại Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo; đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết; cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững.
Nhìn lại quy luật lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta rằng, bất cứ một công cuộc kiến thiết nào, bất cứ một cuộc chiến tranh nào, bất cứ một triều đại nào trong lịch sử của dân tộc ta, cũng chỉ có thể gặt hái được thành công khi có mục đích hợp lòng dân, xuất phát từ lợi ích chung của dân, được nhân dân ủng hộ; không hợp lòng dân, đi ngược lại lợi ích của dân, không được dân ủng hộ thì đều thất bại.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục đích phấn đấu là lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, mang lại cường thịnh, phồn vinh cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài đấu tranh vì lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân. Điều lệ Đảng xác định “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra vai trò, cách thức lãnh đạo của các tổ chức Đảng : “… lãnh đạo đúng nghĩa là phải có ba yếu tố: Dựa vào dân mà đề ra mục tiêu, đường lối cho đúng; dựa vào dân giúp sức để tổ chức thi hành cho đúng; và “phải có quần chúng giúp” mà kiểm soát cho đúng. Người nhấn mạnh: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đề ra đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, mở ra thời kỳ phát triển mới. Xuất phát từ thực tiễn, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc về dân: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”; “Đảng không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân”; “Quần chúng là người làm nên lịch sử”. Tại Đại hội này, Đảng ta đã đề ra cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, đồng thời khẳng định “thực hiện có nền nếp khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đại hội VI của Đảng khẳng định: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình”. 

Lần đầu tiên phương châm này được gọi là “khẩu hiệu”. Về mặt thực tiễn, dù là phương châm hay khẩu hiệu thì điều quan trọng nhất vẫn là những nội dung ấy đã đi vào cuộc sống hay chưa, hay nói cách khác là cần phải cụ thể hoá quy định dân được biết những gì? Dân được bàn việc gì và bàn như thế nào? Dân được làm ra sao? Và dân được kiểm tra ai, kiểm tra gì, kiểm tra ở đâu? Cho đến Đại hội VIII (tháng 6-1996), Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước” (tại Đại hội này, khái niệm “khẩu hiệu” được thay bằng khái niệm “phương châm”). Tháng 2 năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30 - CT/TW “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, trong đó nêu rõ “thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình”. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998, sau đó là Nghị định 79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003 “Về quy chế thực hiện dân chủ ở xã”; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 “Về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan”; Nghị định số 07/1998/NĐ-CP “Về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước”. Sau một thời gian thực hiện, năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL/UBTVQH “Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2007/NĐ-CP “Về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn” và một số nghị định cho các loại hình cơ sở khác. Như vậy, cùng với hình thức dân chủ đại diện, với Chỉ thị 30 –CT/TW, sau đó là các nghị định của Chính phủ, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lần đầu tiên, người dân thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp ở cơ sở một cách đồng bộ với những quy định, quy chế được chính người dân ở cơ sở xây dựng và thực hiện.

Từ năm 1986 đến nay thì phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã thực sự đi sâu vào cuộc sống khi Nhà nước ban hành cơ chế, quy định cụ thể để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp trong việc được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra. Trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: "Tiếp tục  cụ thể hoá, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Đây là một điểm mới, đồng thời thể hiện rõ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân với quan điểm xuyên suốt: nước lấy dân làm gốc. Để thêm "dân giám sát, dân hưởng thụ" là một quá trình hơn 35 năm đổi mới đất nước, được trải nghiệm, chứng minh qua thực tiễn cũng như đòi hỏi của cuộc sống của người dân, nay đã chín muồi được nêu trong nghị quyết sẽ được thể chế hóa, cụ thể hóa thành những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt, thống nhất từ trên xuống dưới, tạo sức mạnh, bước tiến cho đất nước tiếp tục phát triển.

Như vậy, quá trình Đảng ta hoạch định phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cho đến việc bổ sung thêm “ dân giám sát, dân thụ hưởng”  làm cho chúng ta sáng tỏ thêm nhiều điều trong nhận thức, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đời sống nhân dân sung sướng hơn.

Nguồn tin: Ngọc Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay4,912
  • Tháng hiện tại77,559
  • Tổng lượt truy cập1,255,548
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây