Bình Phước: Đẩy mạnh công tác nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo

Thứ ba - 14/05/2024 23:02 481 0
Công tác nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 12/10/2023 về tăng cường nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới, bước đầu đã có sự phối hợp nhịp nhàng và đi vào nề nếp, đã làm chuyển biến nhận thức cho cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo.
1
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo Hội nghị; đồng chí Lê Thị Xuân Trang - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì Hội nghị giao ban công tác dân vận - nắm tình hình Nhân dân quý I/2024.

Qua hơn 06 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, nhìn chung các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị, chủ động thường xuyên, tích cực nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo để có biện pháp giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến đời sống, sinh hoạt, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Công tác nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo, nhất là trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo không ngừng đổi mới cả về nội dung, phương thức nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo. Việc phân công và phát huy vai trò các lực lượng, cán bộ phụ trách nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở từng bước được quan tâm.

Trong hơn nửa quý I/2024 với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực: kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch đều tăng; công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện; hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn, người nghèo, người lao động được triển khai kịp thời, hiệu quả. Quốc phòng an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế được chú trọng, từng bước khẳng định vị thế của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước. Nhìn  chung,  cán bộ, đảng  viên  và  Nhân  dân  chấp  hành  tốt  chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, an ninh tôn giáo trong vùng đồng bào thiểu số được giữ vững. Đạt kết quả này thể hiện công tác phối kết hợp nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị trong việc thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng chính đáng của  Nhân  dân,  dự báo, phân tích, đánh giá và kịp thời giải  quyết  những phản ánh của người dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và triển khai có hiệu quả đồng bộ các giải pháp, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là việc cụ thể hóa Chỉ thị 22-CT/TU vẫn còn nhiều lúng túng, chưa thực chất. Nội dung, biện pháp chưa cụ thể, phương pháp chưa linh hoạt, chưa có cơ chế rõ ràng; một số cấp ủy chưa nhất quán trong phản ánh tình hình Nhân dân; chưa phân tích kỹ tình hình Nhân dân; chưa có tính dự báo; chế độ thông tin báo cáo và dự báo tình hình chưa kịp thời, đầy đủ và chính xác; việc xây dựng kế hoạch nắm tình hình Nhân dân theo định kỳ hằng quý, hằng năm còn chung chung, mang tính hành chính; công tác giao ban nắm tình hình Nhân dân giải quyết các kiến nghị của Nhân dân còn chưa được quan tâm…

Nhằm tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 22-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1757-CV/TU, ngày 13/5/2024 về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó,  yêu cầu các Ban xây dựng Đảng, Ban Cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm và thực hiện tốt hơn các vấn đề sau:

1. Xác định việc nắm tình hình Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng. Phải nắm chắc tình hình Nhân dân “từ xa, từ sớm”, không để sự việc xảy ra bất ngờ; giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; không để xảy ra điểm nóng làm mất an ninh trật tự chính trị tại đơn vị, địa phương.

2. Nội dung nắm tình hình Nhân dân phải cụ thể, ngoài những nội dung như Chỉ thị 22-CT/TU đã đề ra, cần căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị để báo cáo. Trong đó, phải hết sức lưu ý đến (1) diễn biến tư tưởng trong dân, đời sống, việc làm của người dân phải cụ thể, rõ ràng, nhất là trong vùng đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; (2) vấn đề đất đai; (3) vấn đề tôn giáo; (4) vấn đề dân tộc; (5) hoạt động của các thế lực thù địch… Báo cáo tổng hợp tình hình Nhân dân phải cụ thể, vấn đề phải rõ ràng; phải đánh giá được cấp độ Nhân dân băn khoăn, lo lắng, đáng lo ngại, nguy hiểm…và xác định rõ thẩm quyền giải quyết từng cấp, từng ngành. Đưa nội dung công tác nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo vào báo cáo của cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

3. Phương pháp nắm tình hình Nhân dân cần phải linh hoạt, đa dạng và thực chất. Các cấp ủy chủ trì tổ chức giao ban công tác nắm tình hình Nhân dân và thực hiện tốt kế hoạch nắm tình hình Nhân dân hằng quý; thường xuyên tổ chức các hoạt động nắm tình hình Nhân dân trực tiếp tại cơ sở thông qua các đội, tổ công tác, đối thoại, tiếp xúc cử tri… để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hướng giải quyết phù hợp, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 22-CT/TU. Thống nhất triển khai hiệu quả phương châm “Tỉnh nắm xã, huyện nắm thôn, ấp, khu phố, xã nắm khu dân cư”.

4. Phát huy vai trò của công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác nắm tình hình Nhân dân. Sử dụng cổng thông tin điện tử, trang tin điện tử để tổ chức tiếp nhận và xử lý những phản ánh, mâu thuẫn trong Nhân dân; sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động, đấu tranh hóa giải những mâu thuẫn; tạo lập các nhóm trên mạng xã hội để nắm bắt, phản ánh những vấn đề, mâu thuẫn, bức xúc nảy sinh trên địa bàn giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

5. Trong công tác nắm tình hình Nhân dân cần chú ý đến các đối tượng công nhân lao động trong các khu công nghiệp, đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh sinh viên và người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn tỉnh.

6. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng thống nhất lãnh đạo công tác nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo. Phân công một đồng chí cấp ủy phụ trách công tác nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo; các cấp các ngành phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện hiệu quả công tác nắm tình hình Nhân dân.

7. Giao Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Tổ công tác nắm tình hình Nhân dân đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Công văn này.

Căn cứ nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao, nhằm giúp Tỉnh ủy triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TU, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 144-KH/BDVTU ngày 31/10/2023 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU. Trong đó hướng dẫn cụ thể các nội dung, phương pháp nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo. Mục đích nhằm giúp các địa phương, đơn vị đánh giá, dự báo đúng, chính xác tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo để đề xuất các giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền đề ra những quyết sách đúng đắn, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương; giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh đạt hiệu quả. Góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động và hoạt động giám sát, phản biện theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Công tác nắm tình hình phải kịp thời, khách quan, chính xác, tìm hiểu kỹ lưỡng, chu đáo, không để bị động, bất ngờ, phát sinh điểm nóng về chính trị.

Đồng thời, nhằm tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TU, Ban Dân vận Tỉnh ủy đang tiến hành xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng công tác nắm tình hình Nhân dân với mục đích nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác nắm tình hình Nhân dân từ tỉnh đến cơ sở. Nội dung, gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với công tác nắm tình hình Nhân dân trong tình hình mới; Trao đổi một số kỹ năng, phương pháp và cách nắm tình hình Nhân dân; Các địa phương, đơn vị phát biểu thảo luận, trao đổi về thực trạng công tác nắm tình hình Nhân dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế trong công tác nắm tình hình Nhân dân trong thời gian qua của địa phương, đơn vị, đồng thời đề xuất hướng giải quyết, khắc phục trong thời gian tới. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu trung tâm tỉnh tại Hội trường Tỉnh ủy đến các điểm cầu các huyện, thị, thành phố; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thời gian dự kiến vào sáng ngày 11/6/2024.

Nguồn tin: Anh Đào - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây