Bình Phước: Kết quả 5 năm triển khai Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai - 01/07/2024 03:15 104 0
Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước được triển khai từ năm 2019 và đặt ra mục tiêu mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo. Trong 5 năm (2019-2023), toàn tỉnh giảm được 6.598 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, đạt 130% chỉ tiêu đề ra.
Bình Phước tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2023
Bình Phước tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2023
Tỉnh Bình Phước hiện có 41 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS của tỉnh Bình Phước sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 58 xã thuộc vùng DTTS & MN giai đoạn 2021 - 2025. Trong 58 xã có 5 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 50 xã khu vực I. Toàn tỉnh có 46 thôn, đặc biệt khó khăn. Các DTTS chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Bình Phước và của cả nước.

Xuất phát từ thực trạng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, trong khi tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đạt thấp, năm 2019, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS đã được ban hành.

Để chương trình được triển khai hiệu quả, 5 năm qua, tỉnh đã bố trí trên 675 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh bố trí trên 284 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện bố trí gần 5,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia trên 51 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội trên 147 tỷ đồng, vốn vận động gần 173 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép khác để thực hiện chương trình.
 
https://media.baobinhphuoc.com.vn/upload/news/6_2024/5_19102925062024.jpg
Đồng chí  Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đông chí Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và hoa chúc mừng các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2023

Từ nguồn vốn được bố trí, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, đất ở; hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt; đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm… Việc hỗ trợ cho người dân được thực hiện công tâm, sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân. Kết quả giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS đã trở thành bước đệm để công tác giảm nghèo của tỉnh chuyển biến theo hướng nhanh, bền vững; giúp đồng bào DTTS được tiếp cận các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, cũng như các dịch vụ xã hội một cách đầy đủ và chất lượng hơn.

Trong 5 năm (2019-2023), toàn tỉnh giảm được 6.598 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, đạt 130% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 3.311 hộ; hỗ trợ đất ở cho 82 hộ; hỗ trợ nhà vệ sinh cho 1.622 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 2.135 hộ; hỗ trợ giếng khoan cho 1.767 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 6.440 lượt hộ; hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt cho 3.659 lượt hộ; hỗ trợ kéo điện cho 1.353 lượt hộ; hỗ trợ vay vốn ưu đãi tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 3.125 lượt hộ… Nhờ đó, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4.545 hộ vào năm 2019 xuống còn 516 hộ vào năm 2023.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã huy động hơn 675 tỷ đồng (vốn tỉnh và huyện 300 tỷ đồng; vốn vận động hơn 173 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách 147 tỷ đồng; còn lại từ các nguồn vốn lồng ghép khác) hỗ trợ cho gần 6.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Nguồn vốn từ chương trình chủ yếu giúp đồng bào nghèo xây dựng nhà ở và các công trình phụ; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ kéo điện, tiếp cận thông tin… qua đó tạo điều kiện cho các hộ dân thoát nghèo bền vững.

Đến cuối năm 2023, Bình Phước còn khoảng 1.100 hộ nghèo, trong đó có 574 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 sẽ xóa nghèo những hộ còn lại, đồng thời tập trung hỗ trợ các hộ mới thoát nghèo phát triển bền vững; hỗ trợ để những hộ cận nghèo không rớt xuống hộ nghèo.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Bình Phước chủ trương hướng mục tiêu xóa nghèo phải đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng về chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./.

Nguồn tin: Anh Đào – BDVTU (Nguồn ảnh: Bình Phước Online)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây