Người cán bộ “Dân vận” tự hào với 12 chữ vàng son của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”

Thứ hai - 24/06/2024 05:16 412 0
Bác Hồ viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, ngày 15/10/1949, đến nay tròn 75 năm. Đây là tác phẩm có nội dung, ý nghĩa rất to lớn và quan trọng trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm là bản “tuyên ngôn”, là “cương lĩnh”, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận của Đảng để chúng ta học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện.
Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tác phẩm Dân vận chỉ gói gọn trong 612 chữ và vận vào sứ mệnh của Đảng ta từ trong suốt thời gian kháng chiến, kiến quốc cho đến ngày nay đã chứng minh hiển nhiên giá trị bền vững, nguyên thời sự của Tác phẩm. Trong 612 chữ ấy có 12 chữ nói đến tác phong của người cán bộ dân vận: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Mười hai chữ ấy, chính là con đường rõ nhất, sáng nhất, ngắn nhất và cũng duy nhất mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác dân vận:

Óc nghĩ: Óc là não, là thần kinh trung ương; nghĩ là động não. Óc nghĩa là tư duy, là trí tuệ, là tâm hồn. Có nghĩa là người trong cuộc đồng thời cần có sự am hiểu về thực tế và sự hiểu biết về lý luận. Sự am hiểu về thực tế chính là những tri thức bản địa, những đặc điểm cần nắm bắt về địa bàn, cơ sở trên mọi lĩnh vực của đời sống người dân. Sự am hiểu về lý luận, với chúng ta, chính là chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mắt trông: Mắt là để phân biệt được màu sắc, hình dáng, là “cửa sổ tâm hồn”; trông là nhìn để nhận biết, coi sóc. Mắt trông là quan sát thực tế xung quanh một cách ý thức, khách quan. Ông cha ta cũng từng đúc rút rằng “Trăm nghe không bằng một thấy”. Trong dân vận, đòi hỏi việc quan sát luôn kết hợp với óc nghĩ đúng – sai để nhận rõ bản chất của từng sự việc, vấn đề. Trên cơ sở đó, ở từng vị trí, chức năng của mình, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta có trách nhiệm thông tin và thông tin kịp thời việc đúng, việc sai, việc chính đáng, cấp bách, thiết thực để Đảng và Nhà nước có các giải pháp để hỗ trợ, phát triển.

Tai nghe: Tai là để phân biệt âm thanh, cao độ, cường độ, trường độ; nghe là lắng, là tĩnh tâm. Tai nghe là sự tập trung lắng nghe để chọn lọc, nhận diện vấn đề, sự việc. Cần phải biết nghe để hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng; đồng thời, loại trừ các thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác. Nghe đồng chí, đồng nghiệp, nghe người dân nói để biết họ hiểu vấn đề, sự việc đến mức nào, diễn ra như thế nào và người làm công tác dân vận đã làm đến đâu. Về bản thân chúng ta sẽ thấy được cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cái gì. Để nghe chính xác cần có thái độ khách quan và tinh thần cầu thị, tôn trọng.

Chân đi: Chân đi là đi tận nơi, về tận chốn để thấy được, biết được cuộc sống thực tế; thực tế sự việc, vấn đề. Ông cha ta cũng có câu kinh nghiệm rằng: “Đi ngày đàng học sàng khôn”. Có đi thì mới có biết, đi nhiều thì thấy nhiều, biết nhiều. Với người làm công tác dân vận càng cần phải đi cơ sở, quan sát, nghe ngóng, phân tích để chọn lọc để chỉ ra cốt lõi của sự việc, của vấn đề. Về với cơ sở, với dân và cả mọi người trong xã hội, nhất định không được khoe khoang, khuyếch trương tạo thân thế; mà cần phải chuẩn bị trang phục bình thường, tạo tâm thế, tướng mạo, gần gũi, đầm ấm, vui vẻ, hòa đồng.

Miệng nói: Miệng nói là phương thức truyền thanh âm từ mình đến người khác, từ mọi người đến mọi người một cách trực tiếp, rõ ràng nhất. Đây là một hình thức tuyên truyền – tuyên truyền miệng – không thể thiếu của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nói chung, của người làm công tác dân vận nói riêng. Tuyên truyên, cổ động mọi người nhận thức và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, khối đại đoàn kết dân tộc... Sử dụng lời nói, từ ngữ đơn giản, rõ ràng, thiết thực, cụ thể, phù hợp với đối tượng cần được tuyên truyền, cổ động.

Tay làm: Tay làm là làm siêng năng, cặn kẽ, chặt chẽ, đúng cách đúng kiểu. Bác Hồ cũng đã dặn “Học đi đôi với hành”, “Nói đi đôi với làm”. Là cán bộ, nhất lại là đảng viên, thì chúng ta phải làm trước, gương mẫu cho mọi người noi theo. Nói để mọi người tin thì phải làm để mọi người thấy; sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội và lòng tin của dân đối với Đảng không phải là lý tưởng cao xa, mà trước hết là ở tấm gương của những người cộng sản đang cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân, đặc biệt là người có chức có quyền.

Ý nghĩa của 12 chữ: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” chỉ toát lên đầy đủ nhất khi xem xét tổng thể. Mười hai chữ ấy có mối tương tác với nhau, làm tiền đề cho nhau. Bắt đầu từ nhận thức, tư duy và phải tư duy khoa học, sáng tạo; cần phải quan sát một cách toàn diện, khách quan vấn đề, sự việc; phải hành động đồng bộ, bằng chân, tay, miệng để nắm bắt và giải quyết thấu đáo mọi vấn đề, mọi sự việc cho dân, của dân, vì dân. Và ngược lại, muốn hành động đồng bộ thì chắc chắn phải quan sát toàn diện, biết lắng nghe và nhận thức đúng đắn vấn đề, sự việc.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, với nhiều thời cơ và thách thức, công tác dân vận đứng trước nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn mới. Người cán bộ dân vận càng phải rèn luyện để có tác phong công tác phù hợp, dễ đi vào lòng người, tạo được ảnh hưởng tích cực.

Tùy theo cương vị và trách nhiệm của mình, người cán bộ dân vận phải luôn học hỏi, suy ngẫm, vượt lên trên cá nhân mình, dồn tâm lực cho công việc, đưa lại lợi ích cho cộng đồng, cho tập thể thì mới để lại được dấu ấn, ảnh hưởng tốt đẹp của mình và của tổ chức trong lòng mọi người. Cán bộ nào, phong trào ấy.
 

Nguồn tin: Anh Đào – BDVTU (ảnh: Nguồn Internet)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây