Nhằm cụ thể hoá những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh của hệ thống dân vận các cấp. Gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên từng huyện, thị, thành phố, các đảng ủy trực thuộc trong từng giai đoạn. Đồng thời, tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đến toàn thể cán bộ dân vận, các tầng lớp nhân dân, nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ ý thức tự cường, trách nhiệm công dân, tinh thần đoàn kết của người Bình Phước trong việc kế thừa, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương và các di sản văn hóa.
Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập, vừa đậm đà giá trị văn hóa dân tộc, vừa giàu bản sắc địa phương; xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo.
Thực hiện Nghị quyết số 14 -NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 1945. Ngày 14/6/2024, đồng chí Lê Thị Xuân trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chỉ tịch UBMTTQVN tỉnh ký ban hành Kế hoạch số 174-KH/BDVTU về triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trong hệ thống toàn ngành dân vận tỉnh Bình Phước với 5 nội dung và giải pháp thực hiện đó là:
1. Tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, vận động
- Tổ chức tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết của Tỉnh ủy một cách thường xuyên, sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai và tổ chức thực hiện; làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh hiểu sâu và nhận thức đúng, đầy đủ những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết. Trong đó, chú trọng tuyên truyền những đặc tính nổi trội là “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo” của con người Bình Phước; đồng thời, thường xuyên giới thiệu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm sáng tạo, để nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong xã hội; tập trung tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước; Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa; Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, tâm huyết của những nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong cộng đồng, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và những tài năng trẻ làm hạt nhân tiên phong, định hướng cho sự phát triển văn hóa. Tuyên truyền đẩy mạnh học tập suốt đời. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn.
- Đối tượng: Tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Hình thức tuyên truyền:
+ Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như: trên báo chí; Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử; các trang mạng xã hội, các trang, nhóm cộng đồng của cơ quan, đơn vị, địa phương; trên hệ thống loa truyền thanh khu dân cư; thông tin lưu động…
+ Tuyên truyền qua sinh hoạt ngày pháp luật.
+ Tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền miệng qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt ở các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp.
+ Qua các hội nghị của các cơ quan, đơn vị; Ban Dân vận các cấp; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp.
2. Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát
Trên cơ sở các mục tiêu và nhiệm vụ Nghị quyết của Tỉnh ủy: Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó, tập trung vào những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bình Phước như: Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” và cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về nêu gương, xây dựng văn hóa liêm chính đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp, nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”“tự chuyển hóa” trong nội bộ; những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm thực thi công vụ, thái độ giao tiếp ứng xử, giờ giấc làm việc, chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.
3. Gắn nhiệm vụ xây dựng con người Bình Phước, xây dựng môi trường văn hóa với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng xuất, chất lượng hiệu quả, hội nhập quốc tế”; Chương trình vận động giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bỏ lại phía sau”; Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”; Xây dựng mô hình xã điển hình văn hóa để nhân rộng trên quy mô toàn tỉnh…để cùng góp phần thực hiện các mục tiêu nghị quyết đã đề ra. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 có trên 94% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; trên 95% thôn, ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Định hướng phấn đấu đến năm 2045, 100% khu phố, thôn, ấp có Nhà văn hóa-thể thao đạt chuẩn. 100% cấp xã có Trung tâm Văn hóa-Thể thao đạt chuẩn quốc gia; 100% cấp huyện có trung tâm văn hóa, công viên văn hóa.
- Đảm bảo 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm (18/11) nhằm tuyên truyền về nội dung lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và thành quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh. Qua đó, khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi người, mọi nhà trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa bàn khu dân cư; tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó tình làng, nghĩa xóm.
- Phối hợp MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, hội quần chúng tăng cường đổi mới việc tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở để đông đảo người dân tham gia, thực sự là chủ thể trong lao động sản xuất, sáng tạo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, điển hình; tích cực phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng; tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
- Phối hợp Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, "tốt đời, đẹp đạo". Chủ động nắm bắt tình hình tâm tư nguyện vọng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; khuyến khích công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch. Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và các vùng miền khác để làm giàu văn hóa địa phương. Tạo dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Bình Phước.
4. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế
- Thực hiện tốt công tác dân vận trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân; triển khai cuộc vận động “xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.
- Ban dân vận các cấp thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề hàng năm. Phải coi trọng xây dựng văn hóa từ trong đảng, trong bộ máy Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu cho mọi người noi theo.
- Thực hiện tốt công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh.
5. Thực hiện tốt công tác dân vận trong quy hoạch, đầu tư các dự án cấp tỉnh, cấp huyện
Ban Dân vận các cấp tổ chức triên khai thực hiện có hiệu quả Hướng dẫn số 169-HD/BDVTW ngày 11/6/2013 của Ban dân vận Trung ương về công tác dân vận tham gia quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư, Công văn số 924-CV/TU ngày 07/12/2016 của Tỉnh ủy. Kế hoạch số 94-KH/BDVTU ngày 23/5/2017 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân trong việc triển khai các dự án kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án công viên, nhà văn hóa-thể thao…
Để triển khai hiệu quả, thực chất cần tập trung tuyên truyền trên Trang website, pape ngành dân vận về gương “người tốt, việc tốt”, tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò của con người trong sự nghiệp đổi mới. Chú trọng tuyên truyền đặc tính “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo” của con người Bình Phước; phát huy tối đa nhân tố con người, là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu sự phát triển của tỉnh.