Bình Phước: Kết quả thực hiện Đề án “Củng cố lực lượng và phát triển phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023”
Chủ nhật - 05/05/2024 20:591620
Qua 03 năm triển khai thực hiện Đề án “Củng cố lực lượng và phát triển phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023” (Đề án 192) trên địa bàn tỉnh đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đối với vai trò, vị trí của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện, đưa Đề án đi vào cuộc sống, có tác dụng thiết thực trên các lĩnh vực, góp phần củng cố, đổi mới, thúc đẩy hoạt động hội và phong trào nông dân. UBND tỉnh và các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp thường xuyên quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện để Hội Nông dân thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng được thể hiện rõ, bước đầu phát huy tác dụng, tăng niềm tin, sự phấn khởi và sự gắn bó của người nông dân đối với tổ chức hội, vị thế của Hội Nông dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Thực hiện Đề án 192, thời gian qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực, chủ động, sáng tạo đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, hội viên, nông dân. Cùng với việc tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng hiệu quả các phong trào thi đua, trực tiếp tham gia và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn. Hằng năm, các cấp hội tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức các hội nghị cho nông dân gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo; qua đó nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân, giúp tháo gỡ khó khăn, kịp thời động viên, khích lệ, khen thưởng, nhân rộng gương nông dân điển hình xuất sắc, tiêu biểu và để tập hợp hội viên. Từ đó đã tạo được niềm tin của hội viên và nông dân, tin tưởng tham gia vào tổ chức hội. Công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên được tập trung thực hiện; các cấp hội đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về công tác phát triển, nâng cao chất lượng hội viên. Kết quả, trong 3 năm qua (2021-2023) đã kết nạp được 9.746 hội viên, tổng số hội viên toàn tỉnh đến nay là 92.919 hội viên. Hiện toàn tỉnh có 847 Chi hội và 3.302 Tổ hội theo địa bàn dân cư, 102 Chi hội và 399 Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Công tác đào tạo quy hoạch bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ được các cấp hội quan tâm thực hiện: Phối hợp tổ chức 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 270 cán bộ hội tại tỉnh; cử 56 lượt cán bộ hội viên tham gia các khóa nghiệp vụ do Trung ương hội tổ chức; 100% cán bộ Chi hội và cơ sở được tham gia tập huấn nghiệp vụ. Trong năm 2023, đã tổ chức thành công Đại hội Hội Nông dân cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh nhiệm kỳ 2023-2028.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thông qua phong trào ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, có mức thu nhập cao; hằng năm, bình quân có trên 50.000 hộ đăng ký, trong đó có trên 28.000 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hội Nông dân các cấp tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 7.640 buổi tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 397.280 lượt.
Từ năm 2021 đến nay, hằng năm Hội Nông dân tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức bình chọn, tôn vinh sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu tỉnh Bình Phước. Qua đó nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất; động viên, khích lệ sáng tạo của người nông dân, nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết sản xuất theo hợp đồng, hình thành các vùng hàng hóa nông sản chất lượng cao. Kết quả đã có 41 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước công nhận sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu tỉnh Bình Phước.
Hội Nông dân tỉnh thành lập “Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Bình Phước” để tập hợp những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập hơn 01 tỷ đồng/năm tham gia vào Câu lạc bộ với mục đích trao đổi, học hỏi, tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, những kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất; liên kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với 45 thành viên tham gia. Thành lập “Câu lạc bộ nữ nông dân tỷ phú tỉnh Bình Phước” với 10 thành viên tham gia. Thành lập 03 mô hình Hội Quán trong tỉnh, gồm: Hội Quán mai vàng (thị xã Chơn Thành); Hội Quán cây măng cụt (huyện Hớn Quản); Hội Quán cây cảnh thiên nhiên (thị xã Bình Long) với tổng cộng 48 thành viên tham gia.
Về hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất: Tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý là hơn 93 tỷ đồng (tăng 2,36 lần so với đầu nhiệm kỳ); đã giải ngân cho 835 dự án, với 3.275 hộ vay để mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nhân rộng các mô hình sản xuất mới, hiệu quả trong nông nghiệp. Các mô hình tiêu biểu như: trồng sầu riêng, mít, bơ, bưởi, cam, quýt, cao su, điều; chăn nuôi heo, gà, bò, dê; trồng nấm, rau xanh, dưa lưới, măng tre. Các mô hình vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân đều hướng đến phát triển theo mô hình liên kết sản xuất, kinh tế tập thể. Nhìn chung, các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả sử dụng vốn, không có tỷ lệ nợ quá hạn.
Công tác phối hợp ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách luôn được các cấp Hội quan tâm; thực hiện tốt, quản lý hiệu quả 559 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ hơn 1.008 tỷ đồng cho 24.336 hộ vay đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống. Số dư tiền gửi tiết kiệm của các tổ luôn duy trì trên 59 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, tư vấn, khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân; định hướng cho nông dân chọn lựa ngành nghề phù hợp, học nghề gắn với mô hình sản xuất. Kết quả: đã phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy nghề ngắn hạn được 69 lớp cho 2.410 học viên; tập trung vào các ngành nghề gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp (như: kỹ thuật chăm sóc và cạo mủ cao su; chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà, heo; kỹ thuật ghép điều; kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật chế biến gà…); giới thiệu, hỗ trợ cho 86% hội viên có việc làm phù hợp sau học nghề; tổ chức 04 lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh cho gần 300 hội viên nông dân. Các cấp hội phối hợp hướng dẫn, tư vấn cho người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có chất lượng tốt và các giống cây phù hợp; tích cực phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 12.952 tấn phân bón, 1.698 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 23.557 sản phẩm giống cây trồng và vật nuôi, 240 máy nông nghiệp các loại cho hội viên theo hình thức trả chậm, giúp nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, đã giúp nông dân xây dựng nhiều mô hình nhà lưới, mô hình tưới nước tiết kiệm, tự động, xây dựng chuồng, trại chăn nuôi đảm bảo quy chuẩn. Tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, sơ chế nông sản như: trồng dưa lưới trong nhà màng, sản xuất phân bón vi sinh, tưới nước tiết kiệm... Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 3.820 buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho 198.640 lượt nông dân, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, phòng và trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng.
Hằng năm, việc tổ chức Hội chợ trái cây và hàng nông sản, được tỉnh chọn là hoạt động truyền thống của tỉnh. Hỗ trợ trên 500 lượt nông dân giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, festival nông nghiệp, hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ các nhãn hiệu hồ tiêu tập thể huyện Lộc Ninh, chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước, nhãn da bò Thanh Lương... Nhiều sản phẩm được Trung ương hội chọn, tôn vinh như: hạt điều rang muối, mật ong, sầu riêng, bưởi, bơ sáp… là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã ký Chương trình phối hợp, hợp tác với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố giúp quảng bá đặc sản vùng miền, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Triển khai Chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh, các sàn thương mại điện tử tổ chức các hoạt động tập huấn, hỗ trợ nông dân giới thiệu sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp và giúp nông dân kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua giao dịch thương mại điện tử. Bước đầu, nông dân đã quan tâm, thường xuyên đăng tải các thông tin về quá trình sản xuất lên mạng xã hội, nhiều nông dân đã thành công khi trực tiếp livestream bán sản phẩm trên mạng xã hội.
Ngoài ra, việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; phát triển chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp được tăng cường, các cấp hội đã quan tâm nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ hội đang là thành viên ban lãnh đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, hội nghề nghiệp. Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chủ trương của tỉnh, gắn với cụ thể hóa các nội dung theo Chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tuyên truyền, vận động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn với các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Kết quả xây dựng và nhân rộng hơn 100 mô hình hỗ trợ sản xuất, tổ chức 30 lớp tập huấn kiến thức quản lý hợp tác xã cho cán bộ, hội viên nông dân.Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới được 314 tổ hợp tác, hợp tác xã. Quá trình củng cố và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn có vai trò đi đầu của các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế hợp tác và hộ gia đình, là cầu nối giữa nhà khoa học, xã viên và người tiêu thụ sản phẩm, là chỗ dựa cho kinh tế hộ gia đình phát triển.Trong 03 năm đã thành lập mới được 79 Chi hội và 301 Tổ hội nghề nghiệp, bước đầu hoạt động tương đối hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã thực sự là nòng cốt cho phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức Hội Nông dân được củng cố vững mạnh, góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2045.