Bình Phước: Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước
Thứ năm - 13/06/2024 22:321340
Chỉ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) nhằm lắng nghe nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước dựa trên tri thức, trải nghiệm của người dân, từ đó giúp cơ quan hành chính Nhà nước có cơ sở khách quan để lựa chọn giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Những năm qua, công tác cải cách hành chính Nhà nước được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện toàn diện trên cả 06 lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tuy nhiên, vẫn còn người dân chưa hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước và thể hiện qua kết quả Chỉ số SIPAS năm 2023 chỉ đạt 76,08%, (giảm 06 bậc so với năm 2022); 9/9 nhóm tiêu chí có Chỉ số đều ở thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành phố. Trong đó, 02 tiêu chí có Chỉ số thứ hạng đứng thứ 63/63 tỉnh, thành phố (trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước; tiếp cận dịch vụ); tiêu chí có Chỉ số cao nhất chỉ đạt 76,83% (hài lòng về công chức); kết quả Chỉ số thể hiện còn 23,92% người dân được khảo sát chưa hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân chính dẫn đến Chỉ số chưa cao và thứ hạng giảm đó là: một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt các nội dung về đánh giá, đo lường các Chỉ số thành phần SIPAS; công tác tuyên truyền chưa được đẩy mạnh, người dân chưa cảm nhận được những nỗ lực của các cấp chính quyền trong cải cách hành chính điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả Chỉ số SIPAS. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức tại Bộ phận một cửa ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ chưa cao, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở có nơi chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao chưa đáp ứng nhu cầu mong muốn của người dân; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân chưa kịp thời....
Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính Nhà nước, từ đó cải thiện Chỉ số SIPAS, tỉnh Bình Phước đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu về Chỉ số SIPAS; từ đó tạo sự thay đổi nhận thức về hành chính công, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và người dân.
Trách nhiệm cải thiện Chỉ số tại các nhóm tiêu chí, cụ thể: Nội dung về chính sách: Chỉ đạo, cung cấp, giải thích đầy đủ, dễ hiểu kịp thời thông tin về các chính sách liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương theo dõi, quản lý dưới nhiều hình thức (tại trụ sở cơ quan, nhà văn hóa thôn, bảng thông tin công cộng, khu dân cư, nhà cao tầng, mạng xã hội, truyền hình, báo, đài), giúp mọi người dân dễ tìm, dễ thấy. Chỉ đạo, triển khai dưới nhiều hình thức (hội nghị, tiếp xúc cử tri, tổ chức đối thoại, hòm thư góp ý, trang thông tin điện tử, mạng xã hội...) thuận lợi, dễ dàng để người dân có cơ hội tham gia góp ý đối với quá trình xây dựng chính sách và phản hồi ý kiến về kết quả, tác động của các chính sách.
Về chất lượng chính sách: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, theo dõi việc duy trì, cải thiện nội dung về chính sách phát triển kinh tế ở địa phương (về thu hút đầu tư, kinh doanh, việc làm ...). Sở Y tế, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, UBND cấp huyện, UBND cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, theo dõi việc duy trì, cải thiện nội dung về chính sách về khám chữa bệnh (gồm các quy định về bệnh viện, phòng khám, trạm y tế; việc khám, chữa bệnh; bảo hiểm y tế; về viện phí... ở các bệnh viện công, phòng khám công, trạm y tế). Sở Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, theo dõi việc duy trì, cải thiện nội dung về chính sách giáo dục phổ thông (gồm các quy định về chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, trường học, lớp học, đánh giá học sinh, thủ tục nhập học... ở các trường phổ thông công lập). Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, theo dõi việc duy trì, cải thiện nội dung về chính sách trật tự, an toàn xã hội (gồm các quy định về quản lý dân cư, giữ gìn trật tự nơi công cộng, quản lý an ninh mạng; phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ...). Sở Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, theo dõi việc duy trì, cải thiện nội dung về chính sách giao thông đường bộ (gồm các quy định về xây dựng, phát triển đường bộ; giao thông đường bộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ…). Sở Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, theo dõi việc duy trì, cải thiện nội dung về chính sách về điện sinh hoạt (gồm các quy định về cung cấp, quản lý, phát triển điện sinh hoạt; giá tiền, chất lượng điện sinh hoạt ...). Sở Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, theo dõi việc duy trì, cải thiện nội dung về chính sách về nước sinh hoạt (gồm các quy định về cung cấp, quản lý, phát triển nước sinh hoạt, giá tiền, chất lượng nước sinh hoạt...). Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, theo dõi việc duy trì, cải thiện nội dung về chính sách về an sinh xã hội (gồm các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ thường xuyên đối với người có công, người nghèo, người tàn tật... và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp mất mùa, thiên tai...). Văn phòng UBND tỉnh và các Sở: Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, theo dõi việc duy trì, cải thiện nội dung về chính sách cải cách hành chính.
Nội dung về cung ứng dịch vụ về thủ tục hành chính (TTHC): Về tiếp cận dịch vụ: Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin để người dân, tổ chức biết về nơi tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC một cách dễ dàng, nhanh chóng tại Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã; trên Trang thông tin điện tử. Ngoài ra, mở rộng các hình thức thông tin để người dân, tổ chức biết về nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC qua Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Bình Phước, qua mạng xã hội. Tiếp tục quan tâm cải thiện nơi làm việc, trang bị thêm ghế ngồi, bàn viết hồ sơ, máy tính có kết nối mạng internet... phục vụ cho người dân, người đại diện tổ chức khi đến giao dịch, giải quyết công việc. Kiểm tra Bộ phận Một cửa nhằm đảm bảo đầy đủ biển hiệu, hướng dẫn rõ ràng, dễ thấy, đủ chỗ ngồi cho người dân, người đại diện tổ chức đến giao dịch; trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức đầy đủ, dễ sử dụng; tiếp tục rà soát, cải tạo không gian giao tiếp giữa khách hàng với công chức Bộ phận Một cửa theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Về TTHC: Phải niêm yết công khai, minh bạch TTHC tại vị trí thuận tiện, khoa học để người dân dễ tiếp cận, tìm hiểu; cập nhật đầy đủ, kịp thời những thay đổi của TTHC khi có quyết định công bố của UBND tỉnh. Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền các hình thức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Cổng/Trang thông tin điện tử, vận hành hiệu quả Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến và có giải pháp để hỗ trợ, giúp người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nghiêm túc rà soát, kiến nghị đơn giản hóa những TTHC rườm rà, phức tạp, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; tăng cường các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức trong việc lập hồ sơ, TTHC (như xây dựng các bộ biểu mẫu tham khảo, thành lập các tổ tư vấn thực hiện thủ tục ngay tại Bộ phận Một cửa, tư vấn qua điện thoại, website, ứng dụng di động, …). Thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy định trong giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhất là về thành phần hồ sơ, mức phí, lệ phí và thời hạn giải quyết.
Về công chức: Thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Tất cả hồ sơ phải thực hiện tiếp nhận và trả kết quả, tuân thủ chặt chẽ quy trình luân chuyển hồ sơ giữa các công chức chuyên môn, các bộ phận. Khi hướng dẫn người dân, tổ chức hoàn thiện hồ sơ phải có phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định, nội dung hướng dẫn phải rõ ràng, cụ thể. Nếu hồ sơ trễ hạn phải có thông báo hẹn lại thời gian trả kết quả và xin lỗi tổ chức, công dân trong thời hạn chậm nhất 01 ngày trước ngày hết hạn. Việc hẹn lại ngày trả kết quả được thực hiện không quá 1 lần. Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên tại các cơ quan, đơn vị phải giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện, hoà nhã, tận tình, giải quyết công việc nhanh chóng, chuyên nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Không tiếp nhận hồ sơ ngoài Bộ phận Một cửa và trụ sở cơ quan hoặc giới thiệu người dân liên hệ với tổ chức, cá nhân làm dịch vụ để thực hiện TTHC. Ưu tiên tiếp đón người dân đến giao dịch, không được làm việc riêng, nghe điện thoại, thờ ơ trong khi người dân đang chờ đợi, trường hợp cần thiết phải vắng mặt, cần xử lý công việc cấp bách thì phải xin lỗi, trao đổi rõ với người dân. Kịp thời tăng cường công chức, viên chức, nhân viên tiếp nhận hồ sơ vào thời điểm số lượng người dân đến giao dịch tại Bộ phận Một cửa tăng cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về thực hiện nhiệm vụ, công vụ, giải quyết hồ sơ TTHC; kiên quyết phê bình và xử lý nghiêm các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm đạo đức công vụ, các trường hợp cán bộ, công chức đòi hỏi thêm giấy tờ ngoài quy định khi tiếp nhận và xử lý hồ sơ, tự đặt thêm khâu công việc, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp.
Về kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công: Thực hiện nghiêm quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết. Đẩy mạnh ứng dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung để nâng cao tính công khai, minh bạch và kiểm soát việc giải quyết TTHC của cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, TTHC cho tổ chức, công dân, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ sớm hạn và đúng hạn, hạn chế đến mức thấp nhất hồ sơ trễ hạn. Các cơ quan, đơn vị có tham gia giải quyết hồ sơ liên thông phải xử lý hồ sơ và chuyển kết quả cho cơ quan chủ trì đúng theo thời hạn quy định trong quy trình giải quyết TTHC. Định kỳ hàng tháng tổng hợp, đánh giá tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan có biện pháp khắc phục đối với những hồ sơ trễ hạn.
Về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị: Phân công cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng tiếp nhận, giải đáp, hướng dẫn những vấn đề mà người dân, tổ chức còn vướng mắc; tiếp nhận, giải đáp, xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về quy định hành chính, về quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, về thái độ giao tiếp, ứng xử, phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức...; trả lời bằng văn bản cho người phản ánh, kiến nghị; đồng thời công khai nội dung, kết quả xử lý, trả lời các phản ánh, kiến nghị theo quy định tại Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC.