TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN VẬN GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG, AN NINH, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN CÁC XÃ BIÊN GIỚI, VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Thứ năm - 13/06/2024 22:06 177 0
Trong những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh luôn quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác vận động quần chúng, công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo trong đó chú trọng tăng cường công tác dân vận góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xe bồn chở nước miễn phí về tới nhà các hộ dân thiếu nước sinh hoạt (Nguồn ảnh: Báo ảnh Dân tộc và miền núi)
Xe bồn chở nước miễn phí về tới nhà các hộ dân thiếu nước sinh hoạt (Nguồn ảnh: Báo ảnh Dân tộc và miền núi)
Khu vực biên giới là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, nhờ có các chủ trương, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn. Đồng thời, đây là địa bàn nhạy cảm, dễ bị kẻ địch lợi dụng để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị xã hội. 

Để làm tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân các xã, huyện biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Quốc phòng, an ninh, Luật nghĩa vụ quân sự. Thông qua đội ngũ cán bộ dân vận, tổ dân vận các cấp đã vận động thuyết phục bà con từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, duy trì tốt bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, phát  phát triển kinh tế gia đình, tham gia vào các cuộc vận động của các cấp, giữ vững an ninh chính trị xã hội trên địa bàn. Đồng thời thời hướng dẫn, giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, phù hợp; phát hiện, ngăn chặn các âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây tổn hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án 811/ĐA-BTL, ngày 01/4/2019 của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn năm 2019 - 2025”; Kế hoạch số 869/KH-BTL ngày 27/3/2021 của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về xây dựng Điểm dân cư liền kề Đồn, Trạm, Chốt biên phòng trên địa bàn Quân khu, giai đoạn 2021 - 2025 đã xây dựng được 245 căn/12 Điểm dân cư trong đó có 55/245 hộ đối tượng là các hộ gia đình khó khăn là người đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi hộ dân lên sinh sống tại các Điểm dân cư biên giới được cấp đất ở, xây nhà, đất sản xuất, tạo công ăn việc làm, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng chung, nhà mẫu giáo, được hỗ trợ bò giống sinh sản, dê giống…Qua đó, từng bước ổn định vùng định cư khu vực biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh, giữ vững biên giới quốc gia.
 
1
Khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh(Nguồn ảnh: Báo Bình Phước)

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho con em đồng bào dân tộc có trình độ văn hóa, đăng ký dự thi và cử tuyển vào các trường trong và ngoài Quân đội. Công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên; Công tác Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng cán bộ DTTS trong LLVT tỉnh đối với quân nhân là đồng bào dân tộc thiểu số cũng luôn được Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh quan tâm, được điều động về các cơ quan, đơn vị tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở góp phần cùng địa phương trong công tác dân vận, tuyên truyền ở các vùng đồng bào dân tộc, ở các xã biên giới.
 
2
Lực lượng vũ trang huyện Lộc Ninh giúp dân di chuyển ra khỏi vùng bị ngập lụt (Nguồn ảnh:Báo Bình Phước)

Hàng năm khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hạn hán Bộ CHQS tỉnh tổ chức lực lượng giúp dân khắc phục vượt qua khó khăn. Ngoài ra tổ chức 02 đợt ra quân huấn luyện dã ngoại kết hợp công tác dân vận, mỗi đợt 15 ngày với hàng ngàn ngày công giúp đỡ nhân dân làm hàng chục kilomet đường, trường trạm, giúp người dân thu hoạch mùa màng, dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa cho hàng trăm hộ dân tại các xã biên giới và vùng đồng bào dân tộc, vùng đồng bào tôn giáo. Đồng thời thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể với LLVT tỉnh tiến hành công tác dân vận ở những địa bàn trọng điểm, các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, những khu vực dự kiến sẽ xảy ra tình hình phức tạp thông qua các hình thức như: tổ chức Tết Quân - Dân, gian hàng 0 đồng; khám bệnh, cấp phát thuốc, tặng quà, xây tặng nhà tình nghĩa quân dân, nhà đồng đội, ngôi nhà 100 đồng cho các đối tượng, mô hình “nâng bước em đến trường”, mô hình “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” trị giá hàng chục tỷ đồng; xây dựng 04 công trình văn hóa, thể dục thể thao tại Giáo xứ Long Điền, Phước Long; Giáo xứ Đồng Tâm, Đồng Phú; Chùa Sóc Lớn, Lộc Ninh; Giáo xứ An Khương, Hớn Quản trị giá hơn 3 tỷ đồng; tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc và bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh nhân dịp các ngày lễ lớn của các tôn giáo, giao lưu văn hóa, thể dục thể thao… Qua đó kịp thời nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, lan tỏa hình ảnh đẹp của bộ đội “cụ Hồ” và cấp ủy chính quyền địa phương trong lòng đồng bào dân tộc, tôn giáo góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình, xây dựng đời sống văn hóa, khu dân cư văn minh, giữ vững ANCT-TTATXH trên địa bàn tỉnh.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước trong vùng đồng bảo DTTS, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong khu vực phòng thủ. Hàng năm, Bộ CHQS tỉnh đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, lớp học tiếng dân tộc khmer và tham gia các lớp học tiếng khmer do Quân khu tổ chức nhằm trang bị kỹ năng cơ bản sử dụng ngôn ngữ Khmer cho đội ngũ cán bộ trong LLVT tỉnh nhất là cán bộ thường xuyên tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc Khmer. Phát huy vai trò của người có uy tín. Hàng năm, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng Giáo dục quốc phòng, an ninh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng trong đó chú trọng đối tượng là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đứng đầu các tôn giáo; xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán vùng các DTTS. Thường xuyêntổ chức gặp mặt Đại biểu chức sắc Tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tăng cường sự gần gũi, hiểu biết, gắn bó giữa LLVT Quân khu với các tổ chức tôn giáo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu và Nhân dân trong thực hiện công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, góp phần củng cố đoàn kết Quân - Dân, Khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng “tiềm lực chính trị tinh thần” và “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và tăng cường công tác dân vận ở các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước đề ra một số bài học kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện trong thời gian tới, đó là:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện công tác dân vận. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, nhằm đảm bảo cho công tác dân vận luôn đi đúng định hướng, chặt chẽ, khoa học, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.  

Hai là, thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực tiến hành công tác dân vận cho các tổ chức, lực lượng làm nhiệm vụ quan trọng nàyNhững năm qua, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh đã coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực tiến hành công tác dân vận cho các tổ chức, các lực lượng, nên tạo được những chuyển biến tiến bộ, góp phần quan trọng vào chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang tỉnh.

Ba là, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan để tiến hành công tác dân vậnĐây là bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn tiến hành công tác dân vận trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta nói chung, lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng. Thực tiễn đó cũng thêm phần khẳng định, chỉ khi nào sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Tỉnh với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các lực lượng khác trên địa bàn được chặt chẽ, đồng bộ, khoa học thì công tác dân vận nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới nói riêng mới thu được kết quả toàn diện.

Bốn là, chủ động nắm chắc, dự báo tình tình mọi mặt của địa phương, tham mưu đúng, trúng các nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác dân vận cho phù hợp. Thực tiễn cơ cấu dân số, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh cho thấy, đồng bào các dân tộc với nhiều nét văn hóa riêng, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hủ tục còn tồn tại, tình hình tín ngưỡng tôn giáo đa dạng, phức tạp. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở địa bàn này, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên phối hợp với các lực lượng khác tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình địa bàn, nhất là tình hình dân tộc, tôn giáo, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, đời sống vật chất, tinh thần cũng như phong tục, tập quán văn hóa của nhân dân và của già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc cũng như mọi hoạt động của của địa phương để tham mưu đúng, trúng các nội dung và các hình thức, biện pháp tiến hành công tác dân vận phù hợp.

Năm là, coi trọng và phát huy tốt vai trò những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và trong các tôn giáoTrong cộng đồng các dân tộc thiểu số những người có uy tín là bộ phận có vai trò rất quan trọng trong nhân dân; tiếng nói, việc làm của họ có ảnh hưởng rất lớn đối với đồng bào. Do đó, khi tiến hành công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng vũ trang tỉnh luôn coi trọng vai trò của những người là trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, phải chủ động đến với họ, vừa vận động vừa tranh thủ vai trò, uy tín của họ trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong tham gia xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở. Đồng thời, cần coi trọng việc phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, tín đồ tôn giáo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong tham gia giám sát hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị góp phần xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Nguồn tin: Khánh Liên- BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây