BÙ ĐỐP:THỰC TRẠNG CÔNG TÁC DÂN VẬN VÙNG BIÊN GIỚI, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA
Thứ hai - 24/07/2023 12:103810
Bù Đốp là huyện miền núi của tỉnh Bình Phước, có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài 86,367 km, diện tích đất tự nhiên là 37.926 ha, dân số trên 60 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 10 nghìn người, chiếm khoảng 18% dân số của huyện, đồng bào tôn giáo hơn 11 nghìn người, chiếm khoảng 19% dân số của huyện. Những năm qua, tình hình Nhân dân, kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định; các tầng lớp Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất và tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Là một huyện biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, công tác dân vận tham gia bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân của huyện quan tâm thực hiện. Các cấp, các ngành đã có nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng củng cố quốc phòng - an ninh, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo và chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách dân tộc và các chính sách của huyện biên giới theo quy định; tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng các mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đốp đã xây dựng và ban hành Chỉ thị số 02-CT/HU ngày 21/10/2022 về “Tăng cường công tác dân vận, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển” trong tình hình mới. Qua đó, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của huyện thường xuyên quán triệt, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới; tập trung giải quyết dứt điểm những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp phức tạp về đất đai; tuyên truyền vận động Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở khu vực biên giới tham gia bảo vệ, quản lý chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Thực hiện “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo, các ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và người dân khu vực biên giới tích cực tham gia công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ đường biên, mốc quốc giới và các công trình quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tài nguyên môi trường; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm hiệp định quy chế biên giới và nghị định về quy chế khu vực biên giới đất liền, không qua lại biên giới trái phép; thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ với các đơn vị lực lượng vũ trang và chính quyền các xã, huyện giáp ranh của Vương quốc Campuchia để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới; triển khai và hướng dẫn cho tập thể, hộ gia đình và cá nhân đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, các công trình thủy lợi, trường học, nước sạch sinh hoạt, chợ nông thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho Nhân dân khu vực biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với các cấp, các ngành liên quan rà soát, hỗ trợ xây dựng được 546 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà chốt dân quân biên giới với tổng trị giá 53 tỷ 527 triệu đồng cho các hộ khó khăn về nhà ở; giải quyết việc làm cho 7.980 lao động; đào tạo nghề cho 1.187 lao động; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được 7.173 người, trị giá 9.826.590.000 đồng, thực hiện giảm nghèo cho 60 hộ nghèo dân tộc thiểu số với tổng số vốn là 7.822.500.000 đồng; hỗ trợ cho 141 học sinh người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền là 127 triệu đồng; thực hiện Dự án 4 của Chương trình 135 với tổng số vốn đầu tư là 1.933.000.000 đồng; cấp 4.762 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thăm, chúc mừng đồng bào Khmer nhân dịp tết cổ truyền Chol Chnam Thmay
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân của huyện tiếp tục quan tâm vận động, tuyên truyền, động viên Nhân dân khu vực biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao cuộc sống; phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nghiêm Quy chế biên giới, không qua lại biên giới trái phép, tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin tình hình thời sự, tình hình an ninh quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan thiết thực đến quyền và lợi ích của Nhân dân khu vực biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai kế hoạch phối hợp tham gia làm công tác dân vận góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, qua đó đã cùng với hệ thống chính trị ở cơ sở vận động lắp đặt được hàng chục công trình “Thắp sáng đường quê”, “Ánh sáng biên cương” ở các khu dân cư; xây dựng được 27 sân chào cột mốc biên giới, trị giá trên 400 triệu đồng; vận động 8.000 hộ gia đình đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng được 379 tổ an ninh nhân dân, 62 tổ tự quản, 23 tổ hòa giải, 6 câu lạc bộ “Điểm sáng biên giới”. Ngoài ra, MTTQ, các đoàn thể huyện còn phối hợp với các đồn biên phòng, các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức các buổi giao lưu nhân dân giữa các thôn, ấp của huyện với các phum, ấp tiếp giáp bên phía Campuchia, ký kết thỏa thuận giữ gìn hòa bình, ổn định biên giới chung, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên - cột mốc.
Bàn giao “Sân chào cột mốc biên giới”
Công tác dân vận của lực lượng vũ trang đạt được những kết quả tích cực trên các mặt: tuyên truyền, vận động; hoạt động phong trào, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nan xã hội và chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục phát huy hiệu quả các câu lạc bộ "Điểm sáng biên giới", xây dựng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, các mô hình tự quản: "Tổ bảo vệ tự quản về an ninh trật tự", "Khu dân cư không có tội phạm ẩn náu, hoạt động", "Tổ an ninh nhân dân", “xóm đạo bình yên”, “tiếng kẻng an ninh”. Trong thời gian qua, các lực lượng vũ trang đã tích cực hoạt động, tổ chức các đợt tuần tra; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức hòa giải các vụ việc phát sinh trong Nhân dân; thường xuyên tổ chức lực lượng giúp dân lao động sản xuất, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và các chính sách an sinh xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm quy chế biên giới, tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, đối ngoại nhân dân khu vực biên giới, góp phần tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển. Các đơn vị lực lượng vũ trang đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các hoạt động ngoại giao chính quyền, đối ngoại quân sự và ngoại giao nhân dân, thường xuyên tổ chức giao ban giữa chính quyền và lực lượng vũ trang với huyện Keosima và huyện Sanuol thuộc Vương quốc Campuchia để trao đổi tình hình, hợp tác trong phòng, chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, phát triển. Ban Chỉ huy quân sự huyện tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án số 811của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về “Xây dựng Điểm Dân cư liền kề Chốt Dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2019 – 2025”. Đến nay, huyện Bù Đốp đã triển khai được 5 điểm dân cư liền kề Đồn Biên phòng và Chốt dân quân biên giới, xây dựng được 96 căn nhà cho 96 hộ dân với 317 nhân khẩu, tổng diện tích là 12ha, kinh phí xây dựng trên 28 tỷ đồng do Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, UBND huyện và Chùa Vĩnh Nghiêm Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ.
Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác dân vận khu vực biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện cũng còn những hạn chế như: công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; công tác xây dựng và phát triển đoàn viên, hội viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, lực lượng hội viên nòng cốt còn mỏng, hoạt động chưa hiệu quả; nguồn vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, một số chính sách mang tính ngắn hạn, nhỏ lẻ, chưa phù hợp; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của huyện cơ bản còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng, không có ý chí vươn lên thoát nghèo; việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, vi phạm quy chế biên giới, các tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra.