MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Thứ năm - 24/03/2022 12:43 465 0
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Công tác giám sát và phản biện đã được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam, Đồng thời được cụ thể hoá bằng Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và các văn bản pháp luật của Nhà nước.
Đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở GD-ĐT, Sở LĐ –TB và Xã hội, UBMTTQVN tỉnh thực hiện giám sát tình hình hoạt động của các trường mầm non tư thục,  nhóm trẻ gia đình về chất lượng dạy, học trên địa bàn. Nguồn ảnh: Bình Phước Online
Đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở GD-ĐT, Sở LĐ –TB và Xã hội, UBMTTQVN tỉnh thực hiện giám sát tình hình hoạt động của các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình về chất lượng dạy, học trên địa bàn. Nguồn ảnh: Bình Phước Online
Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội là một nhiệm vụ rất lớn. Trong đó, hoạt động giám sát chủ yếu dựa trên 3 hình thức: Tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước; vận động nhân dân giám sát và tự mình giám sát. Trong những năm qua Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống MTTQ và đoàn thể các cấp trong tỉnh thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội thời gian qua, nhất là sự chuyển biến về nhận thức trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giám sát và phản biện xã hội; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của Chính quyền cùng cấp, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung công tác trên. Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc UBMTTQVN tỉnh và các ngành chức năng tổ chức giám sát chuyên đề được 45 đợt về việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; Công tác phối hợp giám sát, được Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh quan tâm chủ động tham gia thực hiện với 333 đợt giám sát tại các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh; cấp huyện, chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức giám sát chuyên đề được 238 đợt; cấp xã chủ trì, phối hợp giám sát chuyên đề được 1.025 đợt với nhiều nội dung giám sát có liên quan thiết thực đến quyền lợi của nhân dân, trong đó, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức được 3.452 đợt giám sát đối với 2.640 công trình; phát hiện và kiến nghị xử lý đối với 612 công trình có sai phạm, thu hồi số tiền, hiện vật sai phạm trị giá 259 triệu đồng. Công tác hoạt động phản biện xã hội được MTTQVN các cấp quan tâm thực hiện, hằng năm trên cơ sở Chương trình giám sát phản biện xã hội, được cấp ủy phê duyệt, đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động phản biện xã hội thông qua chủ yếu 02 hình thức: tổ chức hội nghị phản biện xã hội và gửi dự thảo văn bản phản biện đến các cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia phản biện. Kết quả, trong 8 năm qua MTTQVN các cấp trong tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội được 199 văn bản dự thảo(Cấp tỉnh: 29; Cấp huyện: 63; Cấp xã: 107).

Có thể nói, sau 8 năm thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội (2014-2022). MTTQVN các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng nâng cao về chất; nội dung giám sát, phản biện xã hội thực hiện sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; việc thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào nề nếp, bài bản, quy củ, có chiều sâu với sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.... Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã góp phần giúp cho các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước được tổ chức thực thi đầy đủ, đạt hiệu quả, đảm bảo sát thực tiễn, có tính khả thi cao; cán bộ, công chức thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao; phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi, biểu hiện quan liêu, hách dịch, sách nhiễu, tham ô, tham nhũng của cán bộ, công chức; xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hướng tới phục vụ Nhân dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng - an ninh, tiến tới xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh, văn minh, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị. Tác giả xin đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như sau:
1- MTTQ và các đoàn thể các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Quy chế giám sát và phản biện xã hội để thống nhất về nhận thức trong các cấp, các ngành, có như vậy công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chinh trị - xã hội mới đạt được hiệu quả, phát huy được dân chủ, tập hợp được ý kiến đông đảo nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
2- Thực hiện đúng quy trình giám sát theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;  lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm ở địa phương, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân.
3- Phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng và giám sát của nhân dân; Trước khi tổ chức giám sát phải chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho đoàn giám sát. Đặc biệt là tài liệu liên quan đến nội dung giám sát gửi cho tất cả các thành viên của đoàn giám sát để nghiên cứu trước khi giám sát; đồng thời cần có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn giám sát.
4- Đoàn giám sát phải thực hiện đầy đủ đúng quy trình, phù hợp với chức năng nhiệm vụ từ khâu lựa chọn nội dung, báo cáo xin ý kiến cấp ủy, xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát, tổ chức giám sát, tổng hợp báo cáo, thông báo kết quả giám sát... phải đảm bảo đúng mục đích yêu cầu đặt ra; kịp thời kiến nghị về những phát hiện trong quá trình giám sát đối với những việc làm chưa đúng với chính sách, pháp luật của các tổ chức, cá nhân và những chủ trương, chính sách chưa phù hợp để khắc phục sửa chữa và bổ sung hoàn chỉnh.
5- Cần bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
6- Cần phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng các quy định hướng dẫn. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo mọi điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn.

Với những nội dung chia sẻ nói trên, cùng với sự tích cực, chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh; hy vọng rằng việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian đến sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Nguồn tin: Đoàn Tứ - BDV Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây