Bình Phước: Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số

Chủ nhật - 13/03/2022 08:46 322 0
Những năm qua, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tăng cao; cơ bản các thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố được đưa lên Cổng Dịch vụ công để xử lý, giải quyết. Hệ thống phần mềm ứng dụng đã giúp các cơ quan nhà nước phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng xuyên suốt, liên thông; các phần mềm chuyên ngành được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Là một trong những địa phương sớm triển khai xây dựng đô thị thông minh, bước đầu mang lại kết quả tích cực và rút được những kinh nghiệm quý. Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) đưa vào vận hành giúp lãnh đạo tỉnh thuận tiện trong việc giám sát, chỉ đạo, điều hành. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh ngày càng được công khai, minh bạch.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang trao đổi tại hội nghị trực tuyến  hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số năm 2022.(Ảnh: Báo Bình Phước online)
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang trao đổi tại hội nghị trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số năm 2022.(Ảnh: Báo Bình Phước online)
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, với các quan điểm, mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng: Chuyển đổi số là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, chuyển đổi số phải do cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị nhằm chuyển đổi số thành công trên mọi lĩnh vực. Thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện, với ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty có uy tín, năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin để hợp tác, thuê dịch vụ, ưu tiên triển khai ứng dụng dùng chung, giảm mua sắm, nâng cao hiệu quả. Coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số; lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm. Đồng thời, chuyển đổi số phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước, tất cả hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan trong chỉ đạo thực hiện số hóa tại cơ quan, địa phương mình; lấy tiêu chí số hóa để đánh giá cán bộ hàng năm.

Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong đó các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng; hoàn thiện nền tảng dữ liệu số. Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp đều diễn ra trên không gian mạng. Quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch trên không gian mạng. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT và dịch vụ viễn thông (ICT); các hoạt động kinh tế số nền tảng trên mạng Internet (kinh tế số Internet); kinh tế số ngành. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của mỗi ngành chiếm tỷ trọng từ 7-10% trong tổng GRDP của tỉnh. Phấn đấu 100% hộ gia đình sử dụng phương tiện kết nối thông minh; khuyến khích người dân áp dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống; tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính, phản ánh hiện trường qua hệ thống camera.

Ban Chấp hành Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ cơ bản sau đây:
Một là, nhóm 04 nhiệm vụ trọng tâm: (1)Phát triển hạ tầng số; lắp đặt mạng 5G tại các khu trung tâm và các khu công nghiệp; cải tạo, nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh đảm bảo việc khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi. Nâng cao các ứng dụng phần mềm, tính tiện ích và đơn giản, thuận lợi cho người sử dụng. Định hướng phát triển ứng dụng phần mềm dùng chung, kết nối được với bộ, ngành Trung ương. (2)Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thực hiện liên thông dọc và ngang giữa các cấp, các ngành để chia sẻ dữ liệu và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; mọi hoạt động hành chính của các cấp, các ngành đều thực hiện trên môi trường điện tử để 100% hồ sơ công việc được số hóa đầu vào, tạo điều kiện cho việc số hóa các bước triển khai tiếp theo. (3)Xây dựng kế hoạch và chính sách thu hút, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. (4)Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng; duy trì hoạt động Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng (SOC), bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. 

Hai là, nhóm 09 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số: (1)Quản lý dân cư: Mọi vấn đề liên quan đến công dân đều được kết nối, chia sẻ thông qua mã số định danh công dân thông qua căn cước công dân. (2)Quản lý tài nguyên: Tập trung hoàn thành việc đo giải thửa, xây dựng dữ liệu đất đai toàn tỉnh, 100% khu, cụm công nghiệp đều có hệ thống quan trắc môi trường tự động, thực hiện xong trong năm 2022. (3)Quản lý giáo dục: Xây dựng hồ sơ của từng học sinh; thực hiện kết nối thông tin giữa nhà trường với phụ huynh học sinh và cơ quan quản lý giáo dục; xây dựng giáo án điện tử; dạy trực tuyến…đến năm 2025 cơ bản hình thành hệ sinh thái số ngành giáo dục. (4)Quản lý y tế: Xây dựng hồ sơ sức khỏe công dân; hoàn chỉnh phần mền khám, chữa bệnh từ xa; thực hiện liên kết khám, chữa bệnh trực tuyến với Bệnh. (5)Quản lý tài chính – Ngân hàng: Ngoài việc thực hiện số hóa theo yêu cầu ngành dọc, thực hiện kết nối với các chủ thể có quan hệ trong tỉnh để giải quyết các vấn đề trực tuyến liên quan (thông báo thu thuế, nộp phạt, thanh toán trực tuyến…). (6)Quản lý nông nghiệp: Thực hiện từng bước trong từng khâu sản xuất, từng sản phẩm; từng trang trại, doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa. (7)Quản lý giao thông: Tập trung vào thu phí không dừng; quản lý các bến, bãi và phương tiện giao thông, dịch vụ logistics; xử lý các trường hợp vi phạm giao thông. (8)Năng lượng: Trước mắt áp dụng trong lĩnh vực điều độ, phân phối điện năng, sử dụng điện năng thông minh, xác định mức tiêu thụ và thanh toán trực tuyến để giảm phiền hà cho khách hàng. (9)Sản xuất công nghiệp: Xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện số hóa trong quá trình sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Ba là, nhóm 05 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện: (1)Mô hình doanh nghiệp. (2) Mô hình Hợp tác xã. (3)Mô hình cơ quan hành chính. (4)Mô hình cấp huyện. (5)Mô hình cấp xã.

Nguồn tin: Lê Toàn - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây