THÀNH QUẢ NỔI BẬT CỦA CÔNG TÁC DÂN VẬN QUA 50 NĂM GIẢI PHÓNG HUYỆN BÙ ĐỐP

Thứ năm - 07/04/2022 04:40 608 0
Bù Đốp là huyện miền núi, có 85,58 km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, dân số trên 60 nghìn người. Huyện có 17 dân tộc thiểu số gồm: Thái, Tày, Nùng, Dao, Chăm, Khmer, Ấn Độ, S’tiêng, Cao Lan, Châu Ro, Mường, Hoa, Ê đê, Ngái, Sán Dìu, Thổ, Mông, chiếm hơn 18% dân số toàn huyện. Trên địa bàn huyện có 6 tôn giáo hoạt động với 8.815 tín đồ, chiếm tỷ lệ 14,28% dân số.
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở Sóc Nê, xã Tân Tiến
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở Sóc Nê, xã Tân Tiến
Trong những năm kháng chiến, với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, công tác Dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, động viên sức người, sức của làm nên những chiến thắng vẻ vang, giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của kẻ thù. 19 giờ ngày 7/4/1972, với chiến dịch Nguyễn Huệ, quân, dân Bù Đốp cùng với bộ đội chủ lực đã giành được thắng lợi hoàn toàn, giải phóng một vùng biên giới rộng lớn giữa Việt Nam và Campuchia, mở ra một địa bàn chiến lược quan trọng cho cách mạng trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Sau khi Bù Đốp được giải phóng, công tác dân vận góp phần động viên nhân dân tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng vùng căn cứ cách mạng, cùng với Nhân dân cả nước tạo nên những thắng lợi liên tiếp, tạo đà cho thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973 và làm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, công tác dân vận lại tiếp tục động viên, huy động sức mạnh toàn dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, khắc phục những hậu quả chiến tranh để lại. Tuy nhiên, đất nước thống nhất chưa được bao lâu, vết thương vẫn chưa lành hẳn thì tháng 4/1977, bọn phản động Pôn Pốt - Iêngxari đã có nhiều hoạt động khiêu khích, chống phá và lấn chiếm biên giới nước ta, gây ra vụ thảm sát hết sức dã man, giết hại trên 247 đồng bào, thiêu rụi hàng trăm nóc nhà của bà con ấp Sa Trạch, xã Hưng Phước và thôn 6 (xã Thiện Hưng) và 14 tấn lương thực, biến nhiều làng, phum sóc thành tro bụi. Một lần nữa, quân và dân huyện Bù Đốp quyết tâm bám trụ, giữ vững trận địa, kiên định chiến đấu để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình, bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Đến đầu năm 1979, dựa vào thế trận chiến tranh Nhân dân, quân và dân ta đã đánh tan kẻ thù xâm lược, đây là thắng lợi của tinh thần chiến đấu oanh liệt của quân và dân Bù Đốp anh hùng cùng với sự hỗ trợ của các địa phương lân cận và cả nước. Từ đây nhân dân Bù Đốp thực sự bước vào xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, nằm trong bối cảnh chung của cả nước, lại thêm thiệt hại về cơ sở vật chất, người và của trong chiến tranh biên giới Tây Nam, kinh tế của huyện đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Công tác dân vận đã phát huy vai trò trong việc động viên, phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.
Tháng 5/2003, huyện Bù Đốp được thành lập và chính thức đi vào hoạt động theo Nghị định số 17/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ. Trải qua 19 năm xây dựng và phát triển, trong những thành quả chung về mọi mặt của huyện nhà, công tác dân vận tự hào đã góp phần quan trọng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành những hoạt động thực tiễn ở cơ sở, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng tổ chức đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh, huy động sức dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội – an ninh quốc phòng của địa phương trong giai đoạn mới.
Đặc biệt trong những năm gần đây, hệ thống Dân vận, mặt trận - đoàn thể đã phát huy vai trò hạt nhân trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, không ngừng xây dựng, củng cố và mở rộng tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, ngoài 62% quần chúng nhân dân được tập hợp vào tổ chức đoàn, hội, toàn huyện còn có khoảng 150 CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao và tổ tự quản. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn do MTTQ, các đoàn thể vận động, phát động đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, khơi dậy, phát huy được tiềm năng, sức mạnh và mang lại những lợi ích thiết thực cho đoàn viên, hội viên, nhân dân. Trên khắp 52 khu dân cư, nơi đâu cũng có những công trình mang dấu ấn của hệ thống mặt trận, đoàn thể như các công trình “thắp sáng đường quê”, “ánh sáng vùng biên”; các đoạn đường hoa, con đường tự quản, các căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, các công trình chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và địa phương; các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ... Tính riêng trong giai đoạn 2015 – 2020 tổ chức mặt trận, đoàn thể các cấp đã vận động giúp nhau trên 19 tỷ đồng, vận động xây dựng 217 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, tổng trị giá trên 13 tỷ đồng, rất nhiều đoàn viên, hội viên, hộ gia đình khó khăn đã được các tổ chức hội kết nối, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong hơn 02 năm chống đại dịch Covid-19 vừa qua đã ghi nhận những đóng góp rất lớn của công tác dân vận, với các hoạt động thay đổi linh hoạt theo từng thời điểm, từ việc tuyên truyền phòng chống dịch, thành lập các đội tình nguyện, hỗ trợ trực chốt kiểm soát, giúp đỡ các gia đình có người đang thực hiện cách ly; phối hợp thành lập các gian hàng bình ổn giá và bếp ăn nhân ái tại tất cả các xã, thị trấn đến việc góp sức với cấp ủy, chính quyền huyện vận động ủng hộ và chuyển hơn 170 tấn hàng để chia sẻ, giúp đỡ nhân dân vùng tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Đây cũng là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tuy đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, lại bị ảnh hưởng của đại dịch, nhưng nhân dân Bù Đốp ngoài việc đùm bọc lẫn nhau còn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho nhân dân các tỉnh bạn trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Là một huyện biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, công tác dân vận cũng đã góp phần rất quan trọng trong việc đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Cùng với những chính sách ưu tiên phát triển của nhà nước, công tác dân vận đã góp phần khơi dậy tinh thần tự lực của đồng bào và sự chung tay của cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, đào tạo và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của bà con. Bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy trong nếp sống sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt hàng ngày và các lễ hội truyền thống như lễ hội mừng lúa mới, lễ lập làng của đồng bào Stiêng, tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào Khơme và một số lễ hội khác của đồng bào Tày – Nùng … Công tác xây dựng hội viên, đoàn viên nòng cốt trong các tổ chức hội, đoàn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo đạo tại cơ sở được chú trọng. Thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà các chức sắc, cơ sở tôn giáo trong các dịp lễ, tết tạo sự gần gũi, cởi mở, hiểu biết, chân thành và phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong việc vận động đồng bào giáo dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và Nhà nước, cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Trong công tác bảo vệ biên giới quốc gia, các đơn vị lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết dấu hiệu đường biên giới, mốc giới; vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy chế biên giới, không qua lại biên giới trái phép. Vận động xây dựng các mô hình quần chúng tự quản và tổ chức, quản lý các tập thể, hộ gia đình và cá nhân đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm ở khu vực biên giới. Toàn huyện hiện có hơn 8.000 hộ gia đình đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, có 379 tổ an ninh nhân dân, 62 tổ tự quản, 23 tổ hòa giải. Tổ chức các buổi giao lưu nhân dân giữa các thôn, ấp của huyện với các phum, ấp tiếp giáp bên phía Campuchia, ký kết thỏa thuận giữ gìn hòa bình, ổn định biên giới chung, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên - cột mốc theo tinh thần Chỉ thị 01/CT-TTg “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
 
Một số công trình, phần việc chung tay xây dựng nông thôn mới
của hệ thống MT-ĐT


 
Vận động ủng hộ và chuyển hàng hoá, lương thực, thực phẩm chia sẻ, giúp đỡ đồng bào vùng tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương (tháng 7/2021)



Giao lưu nhân dân giữa các thôn, ấp biên giới của huyện Bù Đốp (Việt Nam)
với các ấp của huyện Sanual (Vương quốc Campuchia)


 
LLVT chung tay xây dựng nông thôn mới
và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai
Trao tặng bộ đàn tính cho CLB Hát then - đàn tính thôn Sóc Nê, xã Tân Tiến


Trao tặng bộ cồng chiêng cho đồng bào thôn Thiện Cư – xã Thiện Hưng

Nguồn tin: Thu Thanh - BDV huyện Bù Đốp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây