Nỗ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Thứ bảy - 26/10/2019 19:16 557 0
Tỉnh Bình Phước có 40 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc X’tiêng chiếm tỷ lệ cao nhất. Do tập tục canh tác lạc hậu, sinh nhiều con… cho nên hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) luôn chiếm tỷ lệ cao. Ðể giúp đồng bào định canh, định cư ổn định, Bình Phước đã có nhiều chính sách phù hợp, cách làm hay, mô hình hiệu quả và hiện đang được nhân rộng. Qua đó, từng bước xóa nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.
Hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Ðông Hồ được hỗ trợ vay vốn mua bò, góp phần phát triển kinh tế gia đình
Hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Ðông Hồ được hỗ trợ vay vốn mua bò, góp phần phát triển kinh tế gia đình

Xóa nghèo bắt đầu từ nguyên nhân

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đói nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Phước được xác định là do: Gia đình người già neo đơn, thiếu vốn, thiếu lao động, lười lao động; tình trạng mua bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất ở, đất sản xuất trong vùng DTTS vẫn còn diễn biến phức tạp khiến nông dân không còn hoặc thiếu đất sản xuất.

Xác định được nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, tỉnh Bình Phước đã xây dựng các nhóm giải pháp giúp người dân xóa nghèo bền vững. Nhiệm vụ trước mắt, hàng đầu là chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể xây dựng các nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp tâm lý, tập quán của từng dân tộc, nhằm thúc đẩy, khuyến khích ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Ðồng thời, thực hiện đồng bộ hiệu quả các chính sách, dự án dành cho người nghèo về vốn tín dụng, y tế, giáo dục, nhà ở; ưu tiên hộ nghèo DTTS; tập trung xóa nghèo ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã, thôn, ấp thuộc diện đặc biệt khó khăn (ÐBKK) nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, khu vực trong tỉnh; tăng cường chính sách hỗ trợ cho nhóm hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, nhằm bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ðáng chú ý là triển khai sâu rộng phong trào "cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016 - 2020; vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nhận hỗ trợ người nghèo, xã nghèo gắn với địa chỉ cụ thể.

Mặt khác, UBND tỉnh phân bổ kinh phí từ các nguồn nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những xã, thôn ấp vùng sâu, vùng ÐBKK, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa; giảm khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc, các vùng trong tỉnh. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Ma Ly Phước cho biết: Ðể hỗ trợ các huyện, xã, thôn ấp vùng xa, vùng ÐBKK, vùng đồng bào DTTS, Ban tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã phân bổ cho các huyện hơn 50 tỷ đồng cho 10 xã và 51 thôn để đầu tư đường giao thông, công trình thủy lợi, điện sinh hoạt, sửa chữa nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch; hỗ trợ con giống, nông cụ, phân bón; xây dựng đập thủy lợi cho dự án định canh, định cư... để phát triển sản xuất. Ngoài ra, các cấp, các ngành, hội đoàn thể cũng hỗ trợ vật tư thiết yếu như: Phân hữu cơ vi sinh; thuốc trừ cỏ, trừ sâu, trừ bệnh… cho các hộ đồng bào DTTS có vườn điều già cỗi cho năng suất thấp. Nhờ đó, đời sống người dân ở các xã, thôn ấp ÐBKK ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm hằng năm. Ðầu năm 2016, toàn tỉnh có 6.490 hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm 15,30% trên tổng số hộ DTTS trên địa bàn. Tính đến tháng 6-2018, toàn tỉnh giảm được hơn 1.140 hộ nghèo DTTS.

Hỗ trợ từ thực tế

Huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước có mười DTTS sinh sống với hơn 2.400 dân, trong đó số hộ nghèo, cận nghèo chiếm khoảng 20%. Ðể giúp các hộ dân thoát nghèo, mỗi công việc, lãnh đạo huyện đều giao đích danh từng đơn vị đảm nhận, cho nên việc theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, đánh giá của các cấp lãnh đạo thuận lợi và có những chỉ đạo sát sườn trong quá trình thực hiện. Nhờ đó, người nghèo trên địa bàn huyện Phú Riềng được đào tạo nghề và giải quyết việc làm; các hỗ trợ khác cho người nghèo như nhà ở, dịch vụ y tế… cũng được quan tâm kịp thời. Cùng với đó, huyện Phú Riềng còn thực hiện tốt các chính sách của nhà nước dành cho hộ nghèo như: Cấp nông cụ sản xuất, hỗ trợ bò giống cho các hộ DTTS nghèo, khó khăn tại các xã Long Hà, Phú Trung và Long Tân để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Tính đến nay, toàn huyện chỉ còn 338 hộ nghèo, 159 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

Bù Ðốp là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước với nhiều dân tộc sinh sống. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm huyện Bù Ðốp phấn đấu giảm từ 1 đến 1,3% số hộ nghèo. Chủ tịch UBND huyện Bù Ðốp Ðoàn Văn Thảo cho biết: Huyện tập trung các nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm cho các xã, thôn, ấp ÐBKK; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa cách thức làm ăn và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững như: Hỗ trợ cây con giống; phân bón, nông cụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nghèo, nhất là đồng bào DTTS. Một trong những mô hình hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo hiệu quả là mô hình nuôi dê và bò sinh sản, bò thịt. Ðây là hai mô hình phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người nghèo, phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo thêm việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo.

Trong những năm qua, Ðồn biên phòng Bù Ðốp (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước) có nhiều hoạt động thiết thực, nổi bật là hỗ trợ đồng bào DTTS dê, bò giống bằng nguồn tiền quyên góp của cán bộ, chiến sĩ. Các cấp hội phụ nữ tỉnh Bình phước cũng có nhiều mô hình xóa nghèo hiệu quả như: Nuôi heo đất tạo nguồn vốn xóa nghèo; chương trình đồng hành cùng phụ nữ vùng biên; tạo quỹ an sinh xã hôi, tổ xoay vòng vốn, tổ tương trợ vốn… Ðể giúp hội viên thoát nghèo, có chi hội phát động phong trào nuôi heo đất dành tặng sổ tiết kiệm cho hội viên nghèo, cho hội viên khó khăn vay để phát triển kinh tế.

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, đến nay đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS ở tỉnh Bình Phước đã hoàn toàn đổi thay và phát triển. Ðể công tác xóa nghèo cho các hộ đồng bào DTTS thật sự bền vững, trong thời gian tới tỉnh cần đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ. Các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể ở cơ sở phối hợp chặt chẽ hơn để phát huy hết vai trò của mình, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào thay đổi cách làm kinh tế, xóa bỏ các tập quán, hủ tục lạc hậu, vươn lên thoát nghèo và làm giàu./.

Nguồn: nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây