MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ AN SINH XÃ HỘI
An sinh xã hội (ASXH) theo nghĩa hẹp được quy định là bao gồm các khoản trợ cấp bằng tiền, lương hưu, trợ cấp và khoản khác cho những người có công và những người trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay bị rủi ro đột xuất do thiên tai, ốm đâu, hoạn nạn. Theo nghĩa rộng, ASXH bao gồm cả ASXH theo nghĩa hẹp và các chương trình giảm nghèo, các chương trình điều tiết thị trường lao động và các chương trình khác(1).
Một số tác giả cho rằng ASXH chủ yếu là bảo hiểm xã hội (BHXH) và có thể được hiểu là “sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”.
Đối với nước ta, bảo đảm ngày càng tốt hơn ASXH luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Trong nhiều thập kỷ qua, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc không ngừng cải tiến chế độ tiền lương, tiền công và nâng cao thu nhập cho người lao động, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chăm lo đến ASXH cho nhân dân. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đảng ta đã xác định “…Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động, làm cho nhân dân ta được ăn no mặc ấm, tăng thêm sức khoẻ, có thêm nhà ở và được học tập, mở mang sự nghiệp phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng đã đưa ra chủ trương đổi mới đất nước toàn diện, mở ra một thời kỳ mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, nhưng bảo đảm ASXH vẫn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ thường xuyên và có tầm quan trọng hàng đầu vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển nhằm phát huy mọi khả năng của con người trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Đảng ta về thực hiện tốt ASXH là để tạo ra tiền đề quan trọng cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần củng cố những thành quả trong đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, thường xuyên của nhân dân, tạo lòng tin cho nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước toàn diện do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Đảm bảo tốt ASXH sẽ góp phần tạo ra sự thống nhất giữa đổi mới về kinh tế với đổi mới chính trị, xã hội, tạo sự cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội ngay trong những bước đi đầu tiên của sự nghiệp đổi mới.
Từ đó, đến các đại hội sau của Đảng, công tác ASXH ngày được chú trọng. ASXH được xác định là đảm bảo vì con người và là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đảm bảo ASXH thống nhất với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đều nhằm phát huy sức mạnh nhân tố con người, phục vụ con người, góp phần tạo ra những tiền đề đưa đất nước chuyển dần sang một thời kỳ phát triển mới - thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là tiền đề vững chắc cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển cao hơn ở đầu thế kỷ XXI.
Đại hội XII của Đảng tiếp tiếp tục khẳng định vai trò và tầm quan trọng của ASXH, đồng thời, chỉ ra một trong những phương hướng, nhiệm vụ mới nhằm giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm ASXH, cụ thể: “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý. Điều chỉnh chính sách dạy nghề, gắn đào tạo với sử dụng. Điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động hợp lý. Hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hộ lao động”.
Chủ trương của Đảng về ASXH, mà nổi bật nhất trong các bộ phận ASXH của nước ta đó là BHXH, là một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của hệ thống ASXH nhằm góp phần ổn định đời sống người lao động và gia đình họ trong các trường hợp: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, hết tuổi lao động, gặp rủi ro hoặc các khó khăn khác. Chính sách ASXH cũng như các chủ trương khác, nhờ đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ ta.
AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Dân tộc thiểu sổ (DTTS) ở Việt Nam có quy mô khoảng hơn 13 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước năm 2019, hiện tại đang có cơ cấu dân số trẻ. Đây là yếu tố thuận lợi để nâng cao chất lượng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực DTTS (cả thể lực và trí lực) còn thấp, kiến thức, kỹ năng, năng lực làm việc, khả năng thích nghi của lao động DTTS còn nhiều yếu kém; chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp và phi chính thức; tình trạng thiếu việc làm, nhất là ở thanh niên ngày càng gia tăng. Đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có sự quan tâm đặc biệt bằng những chính sách đặc thù để đảm bảo ASXH cho đồng bào được cải thiện, góp phần vào ổn định, phát triển đất nước.
Trong lịch sử phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng, các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, nhất là các chính sách, chương trình ASXH, lao động việc làm, đã tạo những chuyển biến tích cực cho vùng đồng bào DTTS. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi trung bình mỗi năm giảm 3 - 4%, nhanh hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, là một nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Tỉnh Bình Phước hiện có trên 20% dân số trên toàn tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước hiện sinh sống tập trung ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa; phương thức sản xuất còn lạc hậu; đặc biệt việc tiếp cận chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc tổ chức thực hiện và tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT còn gặp khá nhiều khó khăn.
Trước đây mỗi khi ốm đau, đồng bào DTTS thường tìm đến các thầy lang để cúng bái trừ tà, hái lá rừng để uống, đến khi bệnh quá nặng mới chuyển đến bệnh viện nên thường bệnh không khỏi. Thậm chí, nhiều gia đình phải bán thóc, lợn, gà, tài sản hoặc vay mượn tiền để đưa người thân đi bệnh viện, dẫn đến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi chính sách BHYT ra đời, mỗi khi ốm đau, nhiều người đã được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí ngay tại trạm y tế xã. BHYT thực sự làm thay đổi quan điểm, nhận thức của đồng bào trong việc đến cơ sở y tế KCB, giúp giảm bớt gánh nặng chi phí y tế.
Để đảm bảo 100% già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có thẻ BHYT; BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, cấp thẻ BHYT và chuyển đến tận tay đến đối tượng.
Bên cạnh đó, xác định già làng tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có tác động rất lớn đến nhận thức và niềm tin của người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện thị, xã phối hợp với già làng tiêu tiêu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong cộng đồng dân cư, vận động họ tham gia. Để đạt hiệu quả cao hơn, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã lựa chọn tổ chức tuyên truyền vào các cuộc họp của buôn làng. Đồng thời, cử cán bộ tổ chức đi thăm nhà người dân vào buổi tối để tuyên truyền, vận động trực tiếp, bởi đặc thù của người đồng bào dân tộc thiểu số là ban ngày họ phải lên rẫy hoặc ra đồng trồng hoa màu; khi tuyên truyền cần chuẩn bị nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, đưa ra ví dụ về các trường hợp cụ thể nhất, gần họ nhất để minh chứng, tạo niềm tin cho họ.
Với giải pháp tuyên truyền trên, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ được tiếp cận đầy đủ chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, góp phần tích cực vào việc hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.