Vậy, “Đạo lạ” là chỉ những hình thức tín ngưỡng mà người ta chưa biết đến trước đó, mới xuất hiện những năm gần đây, tập hợp một số người xung quanh một nhân vật tự cho là có “thiên tính”, có trách nhiệm với “thần linh”, được “thần linh” trao nhiệm vụ đứng ra lập đạo.
Để nhận biết một “đạo lạ” được coi là “tà đạo”, cần xem xét một số tiêu chí cơ bản sau:
Thứ nhất, về giáo lý, giáo luật: Các tà đạo thường ngụy tạo trong đó những tín điều trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa; “ngày tận thế” để khống chế tinh thần, chi phối hoạt động đối với người theo đạo; xuyên tạc lịch sử, nói xấu xã hội thực tại. Khuyên người ta thực hành những luật lệ trái lẽ tự nhiên ảnh hưởng tới đời sống xã hội, thân xác con người, thực hành lối sống phi pháp, phi nhân tính.
Thứ hai, về mục đích hoạt động: Mục đích sâu xa của các tà đạo là vì lợi ích của giáo chủ (người sáng lập) và của nhóm người đứng đầu nhóm đạo, thể hiện thông qua những hành vi như: thu góp tiền bạc phi pháp (lệ phí vào đạo, bán “sắc phong”, “thẻ ngọc”, “điệp quy”, “bùa”, kinh sách, bốc bát hương, bán thuốc chữa bệnh trái phép,…); khuếch trương thanh thế bằng những luận điệu tuyên truyền mê hoặc người dân; lợi dụng thổi phồng các vấn đề bức xúc của xã hội, công kích xã hội đương thời và chính quyền, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo một bộ phận người dân gây rối trật tự xã hội; công kích, nói xấu các tôn giáo đã được nhà nước công nhận và được phép hoạt động.
Thứ ba, về thực hành nghi lễ: Trong nghi lễ của các “tà đạo” mang nặng yếu tố phản văn hóa, mê muội, cuồng tín, tuyên truyền mê tín dị đoan, hủy hoại sức khỏe con người, phá hoại tổ ấm gia đình và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội. Ví dụ như: khuyên người ốm không dùng thuốc, chỉ cầu cúng chữa trị bằng nước thánh, thuốc tiên (nước lã cúng trên bàn thờ hòa với tàn nhang); hủy hoại của cải, thậm chí là một phần cơ thể hoặc cả thân xác con người để sớm siêu thoát,…
Thứ tư, về phương thức hoạt động: “Bí mật” là cách thể hiện chung của các “tà đạo”, lẩn tránh sự quản lý của Nhà nước, hoạt đồng thường trong “bóng tối”; lợi dụng những sơ hở của luật pháp, sơ hở trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở để tuyên truyền phát triển đạo, lợi dụng những địa bàn khó khăn, những cồng đồng người còn hạn chế hiểu biết để dụ dỗ, lừa bịp, lôi kéo, khống chế người theo đạo.
Đa số các “đạo lạ” xuất hiện, phần lớn những người đề xướng (lập ra) là phụ nữ. Những người theo đạo lạ cũng phần nhiều là phụ nữ, tập trung vào các đối tượng thị dân và những nhóm xã hội dễ bị tổn thương, hay gặp rủi ro, trắc trở như cán bộ về hưu, phụ nữ có tuổi, dân nghèo ở thành phố, thị xã, thị trấn,… những người có hoàn cảnh éo le, bệnh tật, cơ nhỡ, gặp khó khăn trong cuộc sống, trình độ văn hóa thấp.
Hầu hết những “hiện tượng tôn giáo mới”, “đạo lạ” xuất hiện hiện nay đều mang mục đích cá nhân của những người sáng lập, nhằm thu lợi bất chính về kinh tế, lợi dụng niềm tin tâm linh của một bộ phận nhân dân để tuyên truyền đạo. Các hiện tượng này thường làm thiệt hại về kinh tế, tổn hại về sức khỏe cho những người tin theo; ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội, làm trái đạo lý, truyền thống văn hóa của dân tộc. Một số đạo lạ có biểu hiện nội dung chính trị phản động, tuyên truyền kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; phê phán, làm trái ngược với giáo lý, giáo luật của những tôn giáo truyền thống.
Các “đạo lạ” đều tự xây dựng nên các tín điều gọi là “giáo lý”, “kinh sách” của đạo, để lý giải về cách thức thờ phụng và hành đạo của đạo đó. Các “giáo lý” ấy, được lắp ghép, pha tạp, cải biên, xuyên tạc từ một số tín điều trong giáo lý của các tôn giáo truyền thống, hết sức đơn giải, chưa thể coi đó là giáo lý của một tôn giáo.
Hoạt động của các đạo lạ hầu hết đều có biểu hiện tuyên truyền mê tín dị đoan như: xem tướng số; thần thánh hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người có công với nước; tuyên truyền chữa bệnh không dùng thuốc, với những phương pháp chữa bệnh phản khoa học. Một số đạo lạ còn tuyên truyền cho cách thức hành đạo phản văn hóa, phi đạo đức, lừa gạt thu lợi bất chính. Nội dung “kinh sách” của một số đạo lạ có biểu hiện thái độ mặc cảm, bi quan với xã hội hiện tại.