Phân định khu vực, vùng dân tộc thiểu số và miền núi là tiền đề, giải pháp để phát huy hiệu quả chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025
Thứ hai - 03/08/2020 04:495770
Dân số của tỉnh Bình Phước đến cuối năm 2019 là 997.766 người; diện tích tự nhiên là 6.876,76 km2, với 3 dạng địa hình chính; có độ cao tuyệt đối <600m địa hình bằng trũng, địa hình đồi, đồi thấp và địa hình núi thấp có góc độ dốc <150 ; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số với 195.635 người/40 thành phần dân tộc. Phân bố dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với trên 77,7%; số lượng dân cư, dân tộc sống trên địa bàn theo tiêu chí 3 khu vực, miền núi, vùng cao, với những đặc điểm về điều kiện tự nhiên khác biệt và mặt bằng kinh tế, xã hội không đồng đều.
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã áp dụng triển khai hàng loạt hệ thống chính sách dân tộc phù hợp cho từng vùng như: Chương trình 135 về phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số; các chính sách giáo dục như: Cử tuyển con em các dân tộc thiểu số vào học các trường đại học, cao đẳng; ưu tiên điểm đối với học sinh thi vào các trường đại học, cao đẳng; chính sách thu hút giáo viên, cán bộ y tế lên công tác ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn…
Thông qua các chương trình này, vùng dân tộc và miền núi đã có những bước phát triển quan trọng dẫn tới sự chuyển dịch mạnh mẽ giữa xã thuộc các khu vực. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đánh giá và phân tích biến động giai đoạn 2021 – 2025 so với giai đoạn 2016 - 2020 là số xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi: 58/111 xã, giảm 49 xã so với giai đoạn 2016 – 2020 là 107/111. trong đó, số xã thuộc khu vực I: 45/58 xã, đạt tỷ lệ 77,58% xã; giai đoạn 2016 – 2020 là 68/107 xã (63,55%). số xã thuộc khu vực II: 09/58 xã, đạt tỷ lệ 15,51% xã; giai đoạn 2016 – 2020 là 30/107 xã (28,03%). số xã thuộc khu vực III: 04/58 xã, đạt tỷ lệ 6,89% xã; giai đoạn 2016 – 2020 là 09/107 xã (8,41%). Riêng thôn dặc biệt khó khăn: 17 thôn đặc biệt khó khăn, giảm 34 thôn đặc biệt khó khăn so với giai đoạn 2016 -2020 là 51 thôn. Kết quả này cho thấy, việc ban hành bộ tiêu chí phân định xã, thôn, bản theo trình độ phát triển cho từng giai đoạn đã cơ bản khắc phục được những hạn chế về vùng, khu vực so với giai đoạn trước, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai áp dụng thực hiện ở các địa phương. Từ đó, các khu vực, vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng hoàn thiện, toàn diện và đầy đủ trên mọi lĩnh vực. Điều đó, đã đặt ra việc phân định khu vực, vùng dân tộc thiểu số và miền núi là tiền đề, giải pháp để phát huy hiệu quả chính sách dân tộc, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, vùng trong giai đoạn 2021 – 2025.