Nội dung, phương pháp, các bước nắm tình hình Nhân dân trong trường hợp cụ thể, có thể xuất hiện khiếu kiện dẫn đến “điểm nóng”

Thứ năm - 12/09/2024 22:24 34 0
Từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 12/10/2023 về tăng cường nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới, cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, từng bước cụ thể hóa triển khai thực hiện một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân; nắm “từ xa, từ sớm” theo phương châm “Tỉnh nắm đến xã, huyện nắm đến thôn, ấp, khu phố, xã nắm đến từng hộ dân”…
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang – UVBTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng công tác nắm tình hình nhân dân (điểm cầu chính Hội trường Tỉnh ủy)
Đồng chí Lê Thị Xuân Trang – UVBTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng công tác nắm tình hình nhân dân (điểm cầu chính Hội trường Tỉnh ủy)
Việc nắm chắc tình hình nhân dân là vấn đề lớn, phức tạp, hệ trọng, nhất là trong thời kỳ khoa học công nghệ, công nghệ số phát triển mạnh mẽ để hoạch định chính sách, chiến lược... Chính vì vậy, công tác nắm hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị của từng cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, là việc làm thường xuyên, tùy thuộc vào khả năng, điều kiện, hoàn cảnh của cơ quan, đơn vị trong từng địa phương khác nhau mà vận dụng các hình thức, phương pháp thích hợp nhất, sao cho hiệu quả. Công tác tiến hành nắm tình hình Nhân dân phải kịp thời, tìm hiểu kỹ lưỡng; việc giải quyết vấn đề và trả lời kiến nghị của Nhân dân phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, không để bị động, bất ngờ, phát sinh điểm nóng về chính trị. Vì vậy việc  xác định và chuẩn bị nội dung, quy trình, giải pháp nắm tình hình nhân dân phải chặt chẽ, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện:

1. Nội dung nắm cơ bản nói chung
Nắm tình hình nhân dân phải toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân; nắm trong mọi tầng lớp xã hội, mọi vùng miền đặc biệt là các vùng đồng bào DTTS, vùng đồng bào tôn giáo, vùng biên giới; nắm “từ xa, từ sớm” theo phương châm “Tỉnh nắm đến xã, huyện nắm đến thôn, ấp, khu phố, xã nắm đến từng hộ dân”.

Trong đó tập trung một số nội dung:
- Việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân trên địa bàn như thế nào, hiệu quả đến đâu, nhân dân đánh giá ra sao? Việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến, kiến nghị, các vụ việc liên quan đến Nhân dân có thỏa đáng, đúng quy định pháp luật không, nhân dân có đồng tình ủng hộ hay còn có những khúc mắc, bức xúc gì không?

- Các vụ khiếu kiện, biểu tình, lãn công, đình công xảy ra là nguyên dân do đâu? Có yếu tố sâu xa là gì? Có thế lực nào đứng đằng sau giật dây, kích động hay không?

- Hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn có đúng quy định hay không? Có bàn tay chỉ đạo, móc nối của tổ chức tôn giáo ngoài nước không?

- Tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân về mọi mặt đời sống xã hội: người dân đang khó khăn gì? Mong muốn gì? Kỳ vọng ra sao đối với hệ thống chính trị?

- Dư luận nhân dân về một sự kiện hay vấn đề nào đó trong đời sống xã hội: Dư luận đó có nguy cơ dẫn đến nhận thức sai lệch của người dân hay không? Có ảnh hưởng đến đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như thế nào nếu không kịp thời tuyên truyền, định hướng?

- Có xuất hiện hay không các tổ chức, cá nhân, đối tượng phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, nhà nước đang hoạt động ngấm ngầm trên địa bàn?

Tóm lại, Nắm tình hình nhân dân là nắm cả mặt tích cực để biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình với phương châm lấy cái đẹp cái xấu; nắm mặt chưa tích cực để động viên, hoàn thiện, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ và nắm cả mặt tiêu cực để tổ chức đấu tranh, mà muốn làm được điều này phải nắm được nguyên nhân có những luồng tư tưởng nói trên trong nhân dân.

2. Nắm tình hình trong trường hợp cụ thể, có thể xuất hiện khiếu kiện dẫn đến “điểm nóng”
a) Phương pháp tiếp cận
Bước 1: Phải phân tích, đánh giá, nhận định được đòi hỏi của người dân và các vấn đề phía sau những đòi hỏi đó. Thực chất là người dân đòi hỏi vấn đề gì; về phía chính quyền có điểm gì chưa đúng không; đòi hỏi của người khiếu kiện có chính đáng không; phía sau các đòi hỏi đó có ẩn chứa vấn đề gì về chính trị không?

Bước 2: Phân tích về người cầm đầu khiếu kiện để thấy được tính chất của điểm nóng khiếu kiện; người cầm đầu xuất hiện hay giấu mặt, đặc điểm nhân thân ra sao, quan hệ xã hội như thế nào, có phức tạp không, có biểu hiện bị móc nối, kích động, lợi dụng, mua chuộc không...?

Bước 3: Phân tích trạng thái tâm lý đám đông, từ đó đi đến kết luận:
- Bản chất mâu thuẫn ở đây là gì, có vấn đề địch - ta hay chỉ là mâu thuẫn quyền lợi trong nội bộ nhân dân.
- Đưa ra những quan điểm, phương châm, nguyên tắc chỉ đạo xử lý.
- Đưa ra phương pháp giải quyết (trấn áp, tuyên truyền hay thuyết phục).
Nếu nhận xét, đánh giá, xác định sai bản chất của mâu thuẫn sẽ đưa ra phương pháp giải quyết sai lầm, hậu quả lớn dễ xảy ra. 

b) Yêu cầu khi xử lý
- Làm thế nào để vụ việc không lan sang nơi khác. Để làm được điều này đòi hỏi phải kịp thời, mau lẹ, chính xác, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và của có thể xảy ra.
- Phải ổn định được chính trị - xã hội vì đây là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội (ổn định bền vững lâu dài, ổn định để phát triển, ổn định tạm thời).
- Điểm nóng khiếu kiện không có cơ hội tái phát.
- Xử lý xong điểm nóng khiếu kiện, cơ sở chính trị phải mạnh thì lòng dân mới an, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

c) Quy trình, giải pháp xử lý điểm nóng khiếu kiện
Bước 1: Nắm tình hình, phân tích nguyên nhân và nhận dạng mâu thuẫn
Bước này đòi hỏi phải nắm được thành phần tham gia khiếu kiện. Việc nắm tình hình phải thường xuyên, liên tục, phải biết dựa vào dân, chính quyền cơ sở, vào lực lượng công an, vào cơ sở bí mật… Sau khi nắm vững tình hình, phải phân tích được các nguyên nhân cơ bản sau:
- Nguyên nhân chủ quan hay khách quan.
- Nguyên nhân bên trong hay nguyên nhân bên ngoài.
- Nguyên nhân sâu xa và trực tiếp.

Bước 2: Áp dụng các biện pháp để tránh lan khiếu kiện sang nơi khác
- Chỉ huy thống nhất và biết phối hợp các lực lượng của hệ thống chính trị để vận động, thuyết phục người khiếu kiện, sự thống nhất phải từ Trung ương đến địa phương.
- Phải tính toán, cân nhắc kỹ việc sử dụng các lực lượng Công an, Quân đội sao cho đúng chức năng. Đặc biệt phải biết giữ, bảo vệ và sử dụng phương tiện thông tin đại chúng (Đài phát thanh, Đài truyền hình) để vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật để người khiếu kiện hiểu rõ.

Bước 3: Phải biết sử dụng các lực lượng để giải tán đám đông
Để giải tán được đám đông, có thể áp dụng một trong các phương án:
- Chấp nhận, cam kết giải quyết yêu sách của đám đông nếu yêu sách đó là chính đáng. Nội dung nào của yêu sách có thể giải quyết ngay được thì giải quyết, nội dung nào chưa thể giải quyết ngay được thì phải cam kết sẽ giải quyết và yêu cầu giải tán đám đông.
- Tuyên truyền chính sách, pháp luật và thuyết phục để người khiếu kiện trở về địa phương.

Bước 4: Xử lý người cầm đầu
Cần phải đối thoại với người cầm đầu, trong trường hợp người cầm đầu có biểu hiện vi phạm pháp luật thì phải có biện pháp khống chế, tuy nhiên chỉ áp dụng biện pháp này trong trường hợp cần thiết và phải có sự phân tích thật kỹ lưỡng, khoa học vì nếu không người dân sẽ kéo đến cản trở, gây áp lực làm cho điểm nóng càng thêm phức tạp. Khi bắt giữ phải tuân theo các quy định của pháp luật do cơ quan Công an tiến hành. 

Bước 5: Ổn định tình hình và khắc phục hậu quả sau khi điểm nóng khiếu kiện được dập tắt
- Khôi phục lại các hoạt động bình thường (công sở, trường học, bệnh viện…); củng cố chính trị để phát triển kinh tế; khắc phục hậu quả (công trình cơ sở hạ tầng bị số người quá khích đập phá…).
- Phải xử lý cả hai đầu (cán bộ có sai phạm và người cầm đầu, người quá khích) theo đúng quy định của pháp luật. Nếu bênh vực, bao che cán bộ có sai phạm thì người dân không tin, không phục, dễ tiếp tục khiếu kiện, chống đối. Đối với người cầm đầu, quá khích, đôi khi do họ quá bức xúc mà mất kiểm soát hành vi nên phải biết tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật để họ biết.
 

Bước 6: Rút kinh nghiệm, dự báo tình hình và áp dụng giải pháp để không tái diễn điểm nóng.
- Rút kinh nghiệm về cán bộ và công tác cán bộ: Ai là người gương mẫu chấp hành pháp luật, khôn khéo hay nhút nhát, thiếu tinh thần trách nhiệm, không có kinh nghiệm xử lý điểm nóng khiếu kiện để củng cố chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, cất nhắc cán bộ.
- Rút kinh nghiệm về cơ chế, chính sách và việc thực hiện cơ chế, chính sách ở cơ sở. Nhiều khi do những bất hợp lý của cơ chế, chính sách hoặc việc thực hiện không đúng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bức xúc, khiếu kiện trở thành điểm nóng. Vì vậy phải rút kinh nghiệm để hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp và chấn chỉnh việc thực hiện chính sách ở cơ.
- Rút kinh nghiệm về quan điểm, lập trường của chính quyền cơ sở. Nếu cán bộ cơ sở xa dời dân, quan liêu, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, thiếu quan tâm đến đời sống xã hội của người dân thì dễ xảy ra khiếu kiện.
- Làm tốt công tác dự báo tình hình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nắm tình hình Nhân dân trong tỉnh Bình phước thời gian qua vẫn còn những hạn chế đó là:
- Việc nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo của một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, địa phương chưa được chú trọng, thiếu nhạy bén, chưa kịp thời;
- Phương pháp nắm tình hình và dự báo chưa đạt hiệu quả cao; một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể chưa sâu sát cơ sở, chưa nắm chắc địa bàn và diễn biến tâm trạng của Nhân dân;
- Công tác vận động, tuyên truyền có thời điểm chưa tốt.
- Chế độ thông tin báo cáo chưa thực hiện kịp thời, đầy đủ; sự phối hợp giải quyết một số tình huống dân vận cụ thể thiếu đồng bộ, chặt chẽ… dẫn đến có lúc nhân dân chưa đồng tình, có ý kiến trái chiều trên nhiều lĩnh vực như: đất đai, môi trường, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, đầu tư xây dựng;
- Có nhiều vụ việc lãn công, đình công tại khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, Khu CN Chơn Thành và mới đây là người dân các tỉnh tụ tập, kéo băng rôn đòi tiền đầu tư tại công ty Mỹ Lệ trên địa bàn Phú Riềng gây mất an ninh trật tự xã hội.

Tóm lại, muốn xử lý tốt điểm nóng khiếu kiện phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trên nhưng phải hết sức thận trọng, sáng tạo, linh hoạt, phải tham khảo kinh nghiệm của những địa phương xử lý tốt vấn đề này, phải mẫn cảm chính trị, phát hiện sớm mâu thuẫn, giải quyết kịp thời để không trở thành điểm nóng. Bất cứ trường hợp nào cũng phải biết dựa vào dân, tin dân, kính dân, yêu dân đi đôi với kiên nhẫn, kiên quyết.

Nguồn tin: Anh Đào - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây