Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” thắp sáng ước mơ con chữ cho các cháu hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới.
Thứ ba - 10/09/2024 03:13300
Chương trình “Nâng bước em tới trường” do cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước thực hiện với mục đích hướng tới những đối tượng thụ hưởng đặc biệt, đó là các cháu thuộc diện mồ côi, gia đình neo đơn, hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới trong độ tuổi đến trường ở các bậc học giáo dục phổ thông. Hiện nay, BĐBP tỉnh nhận nuôi 9 cháu trong chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”. Ngoài chu cấp 100% chi phí sinh hoạt, học tập như ăn uống, sách vở, quần áo, dụng cụ học tập, các đơn vị nhận nuôi còn đảm nhận đưa đón, kèm cặp các cháu trong học tập hằng ngày.
Bình Phước tiếp giáp 3 tỉnh Mondulkiri, Kratie và Tbong Khmum thuộc Vương quốc Campuchia với chiều dài đường biên giới 258,939km.Khu vực biên giới tỉnh Bình Phước gồm 15 xã biên giới thuộc 3 huyện (Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập), gồm 18 dân tộc anh em sống đan xen. Đời sống của nhân dân trên khu vực biên giới cơ bản ổn định, an tâm lao động sản xuất, kinh tế -xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Những năm qua, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những người lính mang quân hàm xanh đã luôn nỗ lực hết mình thực hiện nhiều chương trình, mô hình an sinh xã hội nhằm chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống nhân dân, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, trong đó có các cháu trong độ tuổi đến trường. Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” không chỉ tiếp sức, nuôi dưỡng, thắp sáng ước mơ con chữ cho các cháu hoàn cảnh khó khăn mà còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của những người lính biên phòng.
Được triển khai từ năm 2016, chương trình “Nâng bước em tới trường” do cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước thực hiện với mục đích hướng tới những đối tượng thụ hưởng đặc biệt, đó là các cháu thuộc diện mồ côi, gia đình neo đơn, hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới trong độ tuổi đến trường ở các bậc học giáo dục phổ thông.
Đúng như tên gọi “Nâng bước em tới trường”, gửi gắm trong đó tình thương, trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã trích một phần tiền lương, phụ cấp hỗ trợ kinh phí để các cháu học sinh hoàn cảnh khó khăn có động lực, vượt lên nghịch cảnh yên tâm đến trường. Theo đó, mỗi tháng các cháu sẽ nhận được học bổng với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu. Ngoài ra, vào dịp lễ, tết, đầu năm học mới, các cháu cũng sẽ được nhận những phần quà từ các cá nhân, đơn vị trong BĐBP tỉnh. Bên cạnh thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên cũng như kèm cặp, hỗ trợ trong sinh hoạt và học tập, các cán bộ BĐBP trao đổi với giáo viên và nhà trường để nắm việc học của từng cháu, từ đó có hướng giúp đỡ, điều chỉnh phù hợp.
Từ hiệu ứng tích cực và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình “Nâng bước em tới trường”, từ năm 2019, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Mỗi cháu một hoàn cảnh, có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, có cháu gia đình quá khó khăn, bệnh tật… khi được nhận nuôi, các cháu sẽ được sống trong ngôi nhà mới dưới tình yêu thương, bao bọc của những người cha nuôi mang áo lính. Ở đó có điều kiện sinh hoạt, học tập đầy đủ để các cháu có tuổi thơ đẹp nhất, bớt những nỗi lo toan, yên tâm đến trường.
Vị trí đóng quân của các đồn biên phòng ở xa trung tâm, vậy nên các con nuôi sẽ được bố trí nơi ăn, nghỉ, học tập cùng cha nuôi tại đội công tác địa bàn của đồn biên phòng. Con nuôi sẽ được hưởng “biên chế” đầy đủ tư trang như một chiến sĩ nhí của đơn vị, gồm: giường, chiếu, mùng mền, gối, có bàn học, góc học tập riêng... Sinh hoạt chung dưới một ngôi nhà, trong môi trường quân đội, các cháu sẽ học được từ những người cha nuôi của mình đức tính, phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, sống có kỷ luật, ngăn nắp, sạch sẽ và biết quan tâm, chia sẻ.
Nhận thêm một người con nuôi, các chú bộ đội sẽ trở nên bận rộn hơn khi ngoài hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước, quân đội giao, sẽ phải dành thêm nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc con nuôi chu đáo nhất. Thế nhưng, khi được phân công nhiệm vụ chăm sóc con nuôi, ai cũng đều rất nhiệt tình. Bởi đó không chỉ là tình yêu thương mà còn là trách nhiệm của những người lính Cụ Hồ với nhân dân, đồng bào các dân tộc. Các con nuôi đều đang tuổi ăn, tuổi lớn, bắt đầu có những suy nghĩ nhạy cảm hơn, nhất là về tâm sinh lý nên sẽ có rất nhiều vấn đề cần quan tâm hướng dẫn, chỉ bảo và nhắc nhở thường xuyên. Những người cha nuôi mang áo lính cũng sẽ là người thầy chỉ dạy, để các con có định hướng đúng đắn cho hành động và suy nghĩ của mình. Vì vậy, bên cạnh kèm cặp trong học tập, những người cha nuôi cũng sẽ trở thành người bạn tin cậy, luôn tận tâm, tận lực chỉ bảo cho con từ lời ăn, tiếng nói, rèn luyện thân thể, nhất là kỹ năng sống, cách đối nhân xử thế sao cho phù hợp với đạo lý và truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Chương trình “Về lại chiến khu - Ấm tình biên giới” do Đài Truyền hình TPHCM phối hợp với Cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh BĐBP và BĐBP Bình Phước tổ chức đã trao tặng 100 suất học bổng cho các em học sinh khó khăn.
Bên cạnh các mô hình, chương trình nêu trên, BĐBP tỉnh còn mở và trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ cho người dân không có điều kiện đến trường. Hằng năm, BĐBP tỉnh đã trích quỹ tăng gia sản xuất, vận động các nhà hảo tâm, công ty, doanh nghiệp tặng hàng trăm phần quà, nhu yếu phẩm, sách vở, dụng cụ học tập, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hàng chục máy vi tính cho các trường học ở biên giới; phối hợp với địa phương vận động hàng trăm học sinh trở lại trường. Những việc làm này không chỉ trở thành nguồn động viên, khích lệ học sinh hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới luôn nỗ lực vươn lên để thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình mà còn là hành động xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn trăn trở, hướng tới sự nghiệp “trồng người” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.