Với phương châm tập trung hướng về cơ sở, lấy địa bàn khu dân cư làm trọng tâm trong hoạt động, trong những năm qua, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia đóng góp ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội. Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (Nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được các tầng lớp nhân dân ở địa bàn khu dân cư tích cực hưởng ứng. Các hoạt động khuyến nông, tổ đổi công, tổ giúp vốn, tổ tín chấp…được xây dựng và củng cố và hoạt động có hiệu quả. Công tác chuyển giao và tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, các mô hình giúp nhau về vốn, cây trồng, vật nuôi, ngày công lao động, kinh nghiệm sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất cây trồng, vật nuôi từ năng suất thấp sang năng suất cao, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm …được MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả. Góp phần quan trọng trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Các hoạt động an sinh xã hội, thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Tháng cao điểm vì người nghèo” cũng được Mặt trận các cấp thực hiện có hiệu quả với nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; tổ chức các Câu lạc bộ liên thế hệ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; Hỗ trợ thoát nghèo có địa chỉ; tổ chức triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản, gà thả vườn cho các hộ nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố... Hàng năm, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên vận động Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”; rà soát các hộ nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội, tạo sinh kế lâu dài cho Nhân dân…
Từ năm 2004 đến năm 2022, trong thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, UBMTTQVN tỉnh vận động nhân dân ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” được trên 559,59 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã xây dựng 11.824 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Thực hiện xây dựng nhiều công trình dân sinh và các chính sách an sinh xã hội khác cho hộ nghèo. Những việc làm thiết thực trên không chỉ góp phần làm giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh mà còn góp phần hạn chế sự phát sinh của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn khu dân cư.
Đặc biệt từ năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và đời sống Nhân dân, nhưng với truyền thống nhân ái, nghĩa tình các hoạt động hỗ trợ chăm lo người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh vẫn nhận được sự quan tâm ủng hộ của các tập thể, doanh nghiệp và tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, trong năm 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã tập trung vận động các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 96 tỷ đồng, từ nguồn ủng hộ này, MTTQ tỉnh đã xây tặng 1.018 căn, trị giá 86,558 tỷ đồng cho các hộ nghèo, khó khan về nhà ở.
Qua thực tiễn cho thấy, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” ngày càng phù hợp với lòng dân, mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, tiếp tục vun đắp truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc và tạo sự gắn bó trong cộng đồng dân cư. Hiệu quả to lớn của việc xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo đã góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững
Đạt được những kết quả trên là được sự quan tâm chỉ đạo của Mặt trận Trung ương và của Tỉnh ủy, sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ và chương trình phối hợp thống nhất hành động của MTTQ hàng năm. Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh luôn thực hiện tốt QCDC trong cơ quan, đoàn kết nội bộ, chủ động trong các mặt hoạt động và thực hiện theo quy chế, kế hoạch đề ra; quan tâm tạo điều kiện, động viên CBCC phát huy sáng kiến, sáng tạo trong hoạt động công tác, đi sâu đổi mới nội dung phương thức hoạt động, cải tiến phương pháp tổ chức các phong trào thi đua cho phù hợp với tình hình thực tế, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Sâu sát cơ sở, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc cho MTTQ cấp dưới hoạt động có hiệu quả, gắn bó với quần chúng nhân dân, phối hợp tạo điều kiện cho các phong trào phát triển phù hợp và sát thực với đời sống nhân dân.
Việc huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội từ năm 2003 đến nay, nhất là việc triển khai vận động quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, chặt chẽ; hầu hết các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, giao trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân phụ trách chịu trách nhiệm trước tập thể cấp ủy trong việc triển khai thực hiện việc xây dựng nhà ở và các chương trình an sinh xã hội cho hộ nghèo; Ban Thường trực UBMTTQVN các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát và vận động nhân dân phát huy được tinh thần “tương thân, tương ái” của cộng đồng dân cư và người người dân. Việc triển khai các chính sách an sinh xã hội, xây nhà cho người nghèo từ nguồn quỹ vận động được triển khai nghiêm túc, đúng mục đích và đạt hiệu quả, được dư luận nhân dân hoan nghênh, đồng thuận hưởng ứng. Các nhà tài trợ khi về dự lễ bàn giao đều hài lòng và đánh giá cao “nguồn tài trợ” của họ đã được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, có tác động lớn đến chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên qua thực tế, MTTQ tỉnh nhận thấy công tác vận động tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian qua, nhất là việc triển khai việc xây nhà và hỗ trợ sinh kế cho người nghèo ở một vài địa phương còn tồn tại, hạn chế, cụ thể như: một vài doanh nghiệp đăng ký ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” nhưng không chuyển vào quỹ; việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa phương theo hình thức chìa khóa trao tay chậm trể trong việc thanh quyết toán tiền cho nhà thầu… công tác phối hợp chưa chặt chẽ trong công tác bình xét đối tượng để hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết (nhiều hộ chưa đủ điều kiện về đất ở hợp pháp, sai đối tượng, bỏ sót đối tượng…). Do đó, nhiều lần phải điều chỉnh làm ảnh hưởng đến chương trình…Nguyên nhân của những bất cập trong lựa chọn đối tượng hỗ trợ xây nhà là do Ban thường trực UBMTTQVN các huyện, thị xã chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp trong tổ chức kiểm tra, rà soát đối tượng đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà. Chủ yếu là dựa vào danh sách các xã đưa lên, sau đó tổng hợp gửi về tỉnh xin hỗ trợ. Lãnh đạo các xã, thị trấn của các huyện được phân bổ chỉ tiêu, nguồn vốn, chủ quan trong bình xét, rà soát đối tượng đủ điều kiện. Có xã chưa dân chủ trong việc xét đối tượng thụ hưởng, việc bình xét còn mang tính nể nang, thân tộc…
Để tiếp tục phát huy vai trò đại đoàn kết toàn dân tộc vận động các tầng lớp nhân dân tham gia Quỹ “Vì người nghèo” trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề ra một số giải pháp sau:
1 - Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tập trung cao cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững; việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM và chương trình giảm nghèo bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phải tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
2 - Cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận, Thông báo, các chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, HĐND,UBND tỉnh về tăng cường lãnh đạo đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
3 - Cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tại cơ sở; tham mưu bố trí nguồn lực, phương thức tổ chức; cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư và đảm bảo chất lượng công trình giao thông. Các huyện phải chủ động, cụ thể hóa bằng kế hoạch cụ thể; tổ chức phát động tới thôn, ấp để tạo thành phong trào rộng khắp.
4 - MTTQ các cấp thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng Chương trình, kế hoạch triển khai CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện CVĐ; phát huy vai trò tự chủ của Nhân dân.
5 - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là hướng mạnh về cơ sở. Tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách xã hội, đổi mới, nội dung phương thức tuyên truyền cho phù hợp với từng địa bàn dân cư.
6 - Huy động nguồn lực chăm lo người nghèo thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực của toàn xã hội, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan cùng cấp phát động, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ người nghèo, trọng tâm vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; làm cầu nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
7 - Thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các văn bản về chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người nghèo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công, chính sách thực hiện an sinh xã hội, chính sách cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, chính sách bảo hiểm xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin)...
8 - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu hỗ trợ người nghèo tham gia các dự án, mô hình của các chương trình mục tiêu quốc gia; phối hợp và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và mô hình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.