Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TU về “Tăng cường công tác dân vận, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển” trong tình hình mới
Thứ hai - 09/11/2020 21:384900
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TU về “Tăng cường công tác dân vận, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển” đã đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác triển khai, thực hiện cụ thể, sâu sát và phù hợp từng đơn vị, địa phương. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Nhiều cơ sở Đoàn có những giải pháp triển khai Chỉ thị số 47-CT/TU sáng tạo và đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh thiếu nhi và nhân dân nhất tại vùng biên giới, như: xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Thắp sáng đường quê”; “Ánh sáng biên cương”…
Các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, hỗ trợ giữa tổ chức Đoàn, Hội, Đội với địa bàn biên giới với các chương trình “Xuân biên giới”, “Xuân yêu thương”, “Xuân tình nguyện”, “Trao quà cây mùa xuân cho bạn”, “Tết quê em”, “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè”, “Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng”, phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Nuôi heo đất”, “Cùng bạn vượt khó”… xoay quanh nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho các chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới như: xây dựng, trao tặng Nhà nhân ái, ngôi nhà “Khăn quàng đỏ”; sửa chữa nhà cho các hộ gia đình khó khăn; làm mới và dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường giao thông; ôn tập văn hóa, thực hiện chương trình ánh sáng văn hóa hè, củng cố kiến thức, phổ cập tin học, ngoại ngữ cho các em thiếu nhi, học sinh; xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội tại địa phương… Qua 5 năm, tổng kinh phí triển khai các hoạt động kết nghĩa, hỗ trợ giữa tổ chức Đoàn, Hội, Đội với các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh là hơn 8 tỷ đồng.
Hàng năm, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh triển khai tổ chức Chiến dịch Thanh niên tình nguyện “Xuân biên giới” trên địa bàn 03 huyện biên giới của tỉnh với nhiều nội dung, phần việc có ý nghĩa nhằm chăm lo, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới nhân dịp Tết đến Xuân về như: thăm, chúc Tết 16 Đồn biên phòng và 08 đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; phát quang đường giao thông nông thôn, sửa chữa điện và tư vấn an toàn điện cho các hộ dân, trao Công trình “Thắp sáng đường quê”; trao Nhà nhân ái, sửa chữa nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; khám và phát thuốc miễn phí cho người dân… với tổng giá trị trong 05 năm đạt trên 4,5 tỷ đồng.
Nhằm góp phần cùng toàn xã hội trong công tác chăm lo, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, đặc biệt tại các huyện biên giới của tỉnh, trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động chăm lo cho thanh thiếu nhi và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn tại 03 huyện biên giới (Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh) bằng những công trình, phần việc hỗ trợ các em trong cuộc sống và học tập: triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường”; trao học bổng; tặng nhà Khăn quàng đỏ, Nhà nhân ái; khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí; xây dựng các sân chơi cho thiếu nhi... qua đó, đã trao tặng 1.406 suất học bổng, 65 Nhà Nhân ái, nhà Khăn quàng đỏ; hàng nghìn suất quà cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn.
Các cấp bộ Đoàn cũng đã đẩy mạnh phong trào Đoàn tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện biên giới thông qua việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, duy trì hiệu quả các nguồn vốn vay và vận động đoàn viên thanh niên hỗ trợ nhau sản xuất với các hình thức góp vốn xoay vòng, trao đổi khoa học kỹ thuật, cây con giống, vần đổi công, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt thuộc địa bàn biên giới… Kết quả, qua 5 năm, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tổ chức 27 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất; xây dựng và triển khai thành công 25 mô hình, dự án kinh tế; thành lập 5 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế, góp phần giúp gần 35 gia đình thanh niên thoát nghèo.
Trên cơ sở các Nghị quyết về việc phát huy vai trò của tuổi trẻ Bình Phước tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, 100% các cấp bộ Đoàn hàng năm đều xây dựng kế hoạch tham gia thực hiện ít nhất 4 tiêu chí về nông thôn mới, thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, tạo thành lực lượng nòng cốt triển khai các công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới tại các huyện vùng biên giới như: duy tu, bảo dưỡng và vệ sinh các tuyến đường; làm đường, cầu giao thông nông thôn; xây mới Nhà nhân ái, Nhà tình bạn cho các hộ gia đình chính sách và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; sửa chữa, làm mới nhà cho những hộ gia đình khó khăn về nhà ở; trồng cây, thu gom, xử lý rác thải...; đồng thời hướng dẫn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và hỗ trợ các mô hình kinh tế cho thanh niên tự vươn lên làm giàu chính đáng. Kết quả, đã thực hiện 6.988 công trình, phần việc thanh niên xây dựng nông thôn mới ở các huyện biên giới, thu hút 356.438 lượt đoàn viên thanh niên tham gia.
Tổ chức Đoàn, Hội của 03 huyện Biên giới (Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh) đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân. Đặc biệt, nhằm góp phần tạo niềm tin trong nhân dân và thanh niên để cùng hệ thống chính trị chung tay xây dựng quê hương giàu mạnh, công tác vận động các nguồn lực thực hiện Chương trình “Thắp sáng đường quê”, “Ánh sáng biên cương” đã được các cấp bộ Đoàn, Hội 03 huyện biên giới tích cực triển khai, qua đóđã bàn giao 360 km đoạn đường chiếu sáng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn biên giới.
Công tác chăm lo hậu phương quân đội cũng được tổ chức Đoàn, Hội các cấp đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, công tác chăm lo cho thân nhân các cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong quân đội và những quân nhân tại các huyện biên giới phục viên trở về địa phương được các cấp bộ Đoàn quan tâm thực hiện thường xuyên thông qua các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình các cán bộ, chiến sỹ và các quân nhân phục viên, xuất ngũ trở về địa phương; chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; tặng sổ tiết kiệm, xây dựng Nhà đồng đội, Nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; dạy nghề, giới thiệu việc làm cho chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, qua đó góp phần giúp đỡ các gia đình vươn lên ổn định cuộc sống, đồng thời động viên, khích lệ tinh thần các cán bộ, chiến sĩ, nhất là các chiến sỹ làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ. Qua đó, tổ chức Đoàn các cấp đã giúp đỡ 154 gia đình thân nhân các cán bộ, chiến sỹ; tổ chức tặng quà, trao học bổng, xe đạp..., nhận đỡ đầu con em các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại vùng biên cương.
Từ những kết quả đã đạt được, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TU của Tỉnh ủy trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng biên giới. Kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết, Chỉ thị về công tác dân vận vùng biên giới bằng chương trình, kế hoạch phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị. Đồng thời, nhận thức rõ quan điểm “lấy dân làm gốc”, lắng nghe ý kiến đóng góp của đoàn viên thanh niên và nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức thiết, đem lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Thứ hai, Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác dân vận vùng biên giới phải đa dạng và xuất phát từ thực tế, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Lấy cơ sở làm trọng tâm, kết hợp với triển khai như: tuyên truyền, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu để tạo sự lan tỏa trong xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên thanh niên và nhân dân.
Thứ ba,Thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vùng biên giới có phẩm chất, năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân vận.
Thứ tư, Phối hợp chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang trong công tác dân vận vùng biên giới. Không ngừng đổi mới phương thức, hình thức vận động để phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị và địa phương vùng biên giới.