CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ THEO CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ tư - 03/03/2021 10:12 589 0
Một hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bù Gia Mập thoát nghèo nhờ chính sách hỗ trợ bò sinh sản: Nguồn báo Bình Phước Online
Một hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bù Gia Mập thoát nghèo nhờ chính sách hỗ trợ bò sinh sản: Nguồn báo Bình Phước Online
Trong những năm qua, nhằm thực hiện đột phá công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác giảm nghèo. Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện “chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030”. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 12/07/2018 về việc ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2018 – 2020, với gần 137 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và từ nhiều nguồn vận động khác, để thực hiện giảm 2.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số tỉnh đã đầu tư hộ trợ, cụ thể:

Đã thực hiện hỗ trợ 319 căn nhà ở cho 319 hộ; hỗ trợ sửa 35 căn nhà; hỗ trợ đất ở cho 2 hộ; hỗ trợ 272 nhà vệ sinh; hỗ trợ con giống (2 con bò/hộ) cho 524 hộ; hỗ trợ nông cụ cho 98 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 53 hộ; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ thông tin (ti vi) cho 52 hộ; hỗ trợ vay vốn ưu đãi: Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã hỗ cho 258 hộ được vay vốn ưu đãi tín dụng, với tổng dư nợ 12.719 triệu đồng, dư nợ cho vay bình quân 49,3 triệu đồng/hộ; hỗ trợ đào tạo nghề cho 66 người dân tộc thiểu số; hỗ trợ kéo điện lưới cho 33 hộ. Qua đó tiếp tục giúp đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo của các huyện, thị xã, thành phố năm 2020, toàn tỉnh giảm 1.108 hộ nghèo DTTS, vượt 111% kế hoạch đề ra, đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm giảm xuống còn 3.437hộ/4.545 hộ đầu năm.

Trung bình mỗi năm tỉnh giảm 1,9% số hộ nghèo dân tộc thiểu số (Đến cuối năm 2020 giảm còn 3.417 hộ dân tộc thiểu số nghèo); có 01 xã và 17 thôn hoàn thành Chương trình 135; giảm 10 xã khó khăn (từ 38 xã năm 2015 giảm còn 28 xã vào năm 2019); cơ sở hạ tầng thiết yếu cơ bản đáp ứng yêu cầu, từ đó đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm, thông suốt quanh năm, 100% số xã có đường nhựa đến trung tâm xã; 100% thôn, ấp có đường xe máy; 100% số xã có điện với tỷ lệ hộ sử dụng điện hơn 96%, 100% xã có máy điện thoại cố định, hầu hết các thôn, ấp đều sử dụng được điện thoại di động,97% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác giảm nghèo trong những năm qua vẫn còn những hạn chế như: Việc ban hành các văn bản tổ chức thực hiện còn chưa kịp thời, đặc biệt là kế hoạch phân bổ vốn; tỉnh chưa xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo để tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ; việc tổ chức thực hiện các dự án của Chương trình có lúc bị trùng lắp, tính chủ động phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa cao. Số hộ nghèo phát sinh hằng năm tuy có giảm theo thời gian, nhưng giai đoạn 2016 – 2020 toàn tỉnh có 4019 hộ nghèo phát sinh mới.

Trong công tác giảm nghèo, hình thức hỗ trợ tạo việc làm chưa đa dạng, chủ yếu là hổ trợ bò giống để chăn nuôi; phần lớn các hộ DTTS chưa tích cực tham gia lao động sản xuất, chỉ làm các công việc thời vụ, chờ chính sách hổ trợ của nhà nước. Để công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể:

Một là, tiếp tục tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở vùng đồng bào DTTS , nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc, nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh.

Hai là, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng, phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong công tác dân vận. Tập trung lãnh đạo các lực lượng vũ trang thực hiện tốt công tác dân vận sát với tình hình thực tế của địa phương, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm nòng cốt trong việc phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ba là, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục triển khai quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 05/2011/NĐ - CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Chỉ thị số 1971/CT - TTg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc trong thời ký công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 06/2008/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, Quyết định số 18/2011/QĐ - TTg của thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS không chỉ là việc lập danh sách người có uy tín mà phải xác định đây là lực lượng nòng cốt tham gia cùng với chính quyền, đoàn thể ở cơ sở tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương cơ sở.

Bốn là, tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận ở vùng biên giới: Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 04 - CT/TW, ngày 06 tháng 7 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”. Tăng cường quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận vùng biên giới, công tác đối ngoại nhân dân, đồng thời tăng cường giao lưu, hợp tác với các tỉnh biên giới Campuchia nhằm giữ môi trường hòa bình, hợp tác hữa nghị giữa hai nước Việt Nam – Campuchia; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nguồn tin: Anh Khoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây