TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TẠI CÁC CƠ SỞ TÔN GIÁO

Thứ năm - 15/04/2021 22:27 534 0
Trong những ngày vừa qua, tình hình cháy nổ diễn ra phức tạp ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt khu vực Nam bộ hiện nay đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô. Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy cần được tăng cường, trong đó có các khu vực tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Lễ hội miếu Bà Rá - Phước Long
Lễ hội miếu Bà Rá - Phước Long
Vừa qua, Công an tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng nắm tình hình về thời gian, quy mô, chương trình hoạt động của các lễ hội, di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn để chủ động biện pháp phòng ngừa cháy nổ. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, nhân viên làm việc tại các địa điểm, khu vực tổ chức lễ hội. Hướng dẫn Ban Quản lý các di tích, cơ sở tôn giáo và Ban Tổ chức lễ hội thực hiện trách nhiệm phòng cháy chữa cháy và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo người dân, du khách chấp hành nội quy, quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, các nguy cơ gây cháy, nổ, sự cố, tai nạn tại địa điểm, khu vực tham quan, tổ chức lễ hội.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 357 cơ sở tôn giáo và 66 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 02 cơ sở tôn giáo và 05 cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng di tích, 01 cơ sở tín ngưỡng đã đưa vào danh mục kiểm kê di tích. Hầu hết các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đều diễn ra trong khuôn viên cơ sở thờ tự, đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã còn diễn ra phổ biến tại các địa điểm du lịch tâm linh. Nhất là vào dịp đầu năm, các hoạt động lễ hội quy mô, thu hút đông lượng khách hành hương tham gia các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, các lễ hội diễn ra vào tháng ba, tháng tư, tháng năm âm lịch, đây là thời điểm mùa khô, nắng nóng, nhiệt độ cao rất dễ cháy, nổ. Ý thức thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, danh thắng và đặc biệt khi tham gia lễ hội của một bộ phận của người dân vẫn còn hạn chế. Do đó, công tác phòng, chống cháy, nổ và giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cần được tăng cường. Cần quy định rõ, có bảng hướng dẫn khu vực thắp hương, đốt vàng mã tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, khu vực tổ chức lễ hội; chỉ dẫn hướng thoát nạn tại nơi tập trung đông người, bố trí lực lượng, phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong thời gian diễn ra các hoạt động lễ hội…
Bên cạnh đó, cần bố trí lực lượng và phương tiện tại chỗ tại địa điểm, khu vực tổ chức lễ hội phù hợp với đặc điểm, quy mô tổ chức lễ hội để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Tổ chức tập huấn cho các lực lượng tham gia bảo vệ, người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo về kiến thức phòng cháy chữa cháy, thao tác, cách sử dụng các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, sơ cấp cứu ban đầu…

Tại Thông tư Liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ về việc Hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo đã quy định một số nội dung có liên quan đến công tác phòng chống cháy, nổ và giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường như sau:

“1. Về nguyên tắc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo: Hoạt động thờ cúng, tham quan cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người tham gia và của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

2. Trách nhiệm của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo: có nội quy, quy định đối với khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, trang phục, thái độ ứng xử có văn hoá phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; quy định nơi để, nơi tiếp nhận tiền, hiện vật công đức, dâng cúng. Tuyên truyền cho khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không mua bán, đốt pháo, đốt và thả đèn trời; không thực hiện các hoạt động mê tín, dị đoan, các hình thức cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bố trí nơi chứa rác thải, nhà vệ sinh và các hoạt động dịch vụ thuận lợi, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật. Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc trùng tu, nâng cấp, xây mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đúng quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật có liên quan. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

3. Trách nhiệm của người phụ trách, Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo: hướng dẫn khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện đúng các quy định của pháp luật; theo nội quy, quy định của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Bảo vệ, giữ gìn trật tự, cảnh quan, môi trường, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo theo quy định của pháp luật. Khi cảnh quan, môi trường có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị hư hại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sắp xếp hợp lý các dịch vụ phục vụ khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; không tổ chức hoặc để người khác tổ chức các hoạt động mê tín, dị đoan và vi phạm pháp luật. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho mọi người thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện nếp sống văn minh theo quy định tại Thông tư liên tịch này. Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra tại cơ sở.

4. Trách nhiệm của khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo: chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy, quy định của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia các hoạt động tại cơ sở. Tôn trọng mọi người và bảo đảm sự tôn nghiêm của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc. Giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự; bảo vệ cảnh quan, môi trường tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Đặt tiền, hiện vật dâng cúng, công đức đúng nơi quy định. Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác…”

Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng cơ sở thờ tự khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người có đạo. Hầu hết các cơ sở đã chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng, trong đó có công tác phòng, chống cháy nổ. Tuy nhiên, một số cơ sở đã xây dựng lâu năm nên xuống cấp, do đó tiềm ẩn yếu tố mất an toàn về phòng, chống cháy nổ. Trong thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống cháy nổ, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định thực hiện nếp sống văn minh, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các khu vực tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Nguồn tin: Trần Tuấn - Ban Tôn Giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay4,912
  • Tháng hiện tại77,909
  • Tổng lượt truy cập1,255,898
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây