Khi về thăm các Ấp, Sóc hoặc các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer vào những ngày dịp Lễ Sene Đonta, ai ai cũng cảm nhận rõ không khí nhộn nhịp, đầm ấm khi người Khmer tất bật gói bánh tét, nấu cốm dẹp và các sính lễ... chuẩn bị vật phẩm dâng lễ. Huyện Lộc Ninh là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và có đến 03 ngôi chùa Khmer thuộc các xã Lộc Khánh (Chùa Sóc Lớn), xã Lộc Hưng (chùa Srey Odom) và xã Lộc Thịnh (chùa Chà Là). Trong 03 chùa trên địa bàn huyện Lộc Ninh, chùa Sóc Lớn là ngôi chùa Khmer lớn và lâu đời nhất của tỉnh Bình Phước, được xếp vào hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể của huyện luôn quan tâm tới các hoạt động của Lễ Sene Đonta. Vì vậy Lễ Sene Đonta của đồng bào Khmer huyện Lộc Ninh được tổ chức ngày càng ấm cúng hơn, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện, nhiều hoạt động thăm hỏi bà con dân tộc Khmer, tặng quà tại các chùa Khmer được thực hiện thường xuyên, qua đó, nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn của đồng bào Khmer tại các Ấp, Sóc để có hướng giải quyết, hỗ trợ và giúp đỡ bà con đồng bào.
Ý nghĩa của Lễ Sene Đonta
Nếu như người Kinh có lễ Vu Lan báo hiếu vào tháng 7 âm lịch để tưởng nhớ công đức của tổ tiên, ông bà cha mẹ, thì người Khmer có lễ nghi tương tự là Sene Đonta. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong năm có ý nghĩa rước mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ về theo “nước”, ghé thăm nhà, người thân. Theo dân gian: “Tổ tiên, ông bà cha mẹ hay những người đã chết, họ không còn ở trọ “nước” trần gian nữa mà đã về “nước” của họ. Do đó để tưởng nhớ và báo hiếu, con cháu người thân còn sống phải mua sắm lễ vật, bánh trái, hoa quả, nhang đèn và các thứ... Tổ chức nấu cơm, thức ăn, làm bánh... cúng vái mời rước linh hồn họ về thăm nhà và phù hộ, ban phước cho gia đình. Các lễ vật gồm có cơm vắt, thức ăn mặn, đồ ngọt, bánh tét, hoa quả, nước ngọt...
Sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu, chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới là bà con đồng bào Khmer xã Lộc Khánh lại háo hức chuẩn bị đón lễ Sene Đonta cổ truyền. Năm nay, Lễ Sene Đonta diễn ra chính vào các ngày 15, 16, 17 tháng 9 (tức từ ngày 28,29/7 và 01/8 âm lịch). Trước ngày diễn ra Lễ Sene Đonta tầm 15 ngày, các chùa Khmer thường tổ chức nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ mang đậm đà bản sắc văn hóa của người Khmer như: nhạc ngũ âm, các điệu múa Lâm Thôn, điệu múa Sa Dăm, RôBăm, hòa nhạc Ngũ âm....và các hoạt động đan xen, nhằm thể hiện sự biết ơn công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất; đồng thời, cầu an cho bản thân, gia quyến và những người còn tại thế. Lễ Sene Đonta được diễn ra trong suốt ba ngày, trong ba ngày, có nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán diễn ra đan xen với nhau hết sức ý nghĩa.
Những nghi lễ chính trong ngày Lễ Sene Đonta
Ngày thứ nhất (ngày cúng tiếp đón) Mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ. Sau đó, dọn mâm cơm, bánh trái, rượu trà… và mời các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, đèn, khấn vái mời linh hồn ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu. Đến chiều, mọi người ăn mặc tươm tất, tiếp tục dọn mâm cơm mới cúng ông bà, rồi mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Ngoài ra, các vị A-char lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng tam bảo, mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho linh hồn những người quá cố, rồi đem ra ngoài để chung quanh chính điện cúng cho những vong hồn cô đơn, không có con cháu. Ngày thứ hai (ngày cúng chính) Vào buổi trưa, bà con người Khmer chuẩn bị mâm cơm cùng bánh, trái… mang vào chùa để tổ chức cúng chính (cúng tập thể), sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả các linh hồn ông bà của tất cả mọi nhà trong Ấp, sóc, bà con Phật tử trong Ấp, sóc cùng ăn, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm mới cúng ông bà và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu. Ngày thứ ba (ngày cúng tiễn) Sáng sớm, mỗi nhà cùng các thành viên trong gia đình chuẩn bị một mâm cơm kèm các lễ vật, nhang đèn, sau đó họ mời vài vị sư sãi cùng họ hàng thân tộc trong Ấp, sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố, sau đó họ tập trung di chuyển lên chùa và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại chùa, nghe sư tụng kinh cầu an, cầu siêu hồi hướng báu, các phật tử thành tâm hồi hướng đến vong nhân của mình. Ngoài ra các quý phật tự cùng đông đảo đồng bào Khmer tham gia chơi nhạc cụ, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, hát Adai với nội dung thể hiện tình cảm của mình đối với ông, bà và người quá cố, họ vừa hát vừa uống rượu lễ và ăn trái cây.
Lễ diễu hành tiễn đưa ông bà
Đến 15 giờ chiều của ngày thứ ba, họ làm chiếc thuyền bằng tre, có gắn thêm cờ phướn, 02 hình nộm (tương trưng cho tổ tiên) để làm phương tiện tiễn đưa ông bà về thế giới bên kia. Trên chiếc thuyền được chất đầy đủ các thứ cúng mỗi thứ một ít, có cả các gói gạo, muối, đầu heo, bánh tét, nhang, trái cây hoa quả….Sau khi vị A-char tập trung các phật tử và toàn thể đồng bào Khmer, đại diện vị sư trụ trì chùa tụng kinh cầu an, chúc phước, bày tỏ lòng thành của con cháu, người thân đối với ông bà để tiễn biệt ông bà, sau đó tất cả cộng đồng Khmer diễu hành di chuyển chiếc thuyền đến bàu Ka Puốt của xã Lộc Khánh và thả chiếc thuyền trôi theo dòng nước để đưa ông bà và những người thân quá cố về lại thế giới bên kia.
Như vậy: Lễ Sene Đonta của bà con người Khmer là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ những người quá cố đối với con cháu. Ngoài ra, Lễ này vừa thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng trong ngôi chùa Khmer xã Lộc Khánh nói riêng và đồng bào Khmer tỉnh Bình Phước nói chung.