BÌNH PHƯỚC THỰC HIỆN TỐT QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NĂM 2021

Thứ hai - 13/12/2021 06:47 489 0
Trong năm 2021, việc thực hiện QCDC trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai, tuyên truyền quán triệt các văn bản của Trung ương, của Tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở; quan tâm giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chú trọng gắn thực hiện QCDC với thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục được đổi mới theo hướng sát cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt trong phối hợp tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện các phong trào ở cơ sở. Tạo sự chuyển biến rõ nét về vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thể chế hóa và công khai minh bạch; dân chủ trong Đảng, chính quyền, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong xã hội ngày càng được mở rộng và phát huy; kỷ cương, kỷ luật được tăng cường, quyền lợi của nhân dân được chăm lo và đảm bảo tốt hơn; công tác giải quyết đơn thư của công dân được quan tâm giải quyết kịp thời.
Thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bù Gia Mập. Nguồn: Báo Bình Phước
Thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bù Gia Mập. Nguồn: Báo Bình Phước
Thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn
 
Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, phong trào thi đua “dân vận khéo”; cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Những nội dung nổi bật nhất là tập trung công khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của HĐND các cấp; dự án phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của cấp xã; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư để nhân dân biết với nhiều hình thức phù hợp để người dân phát huy quyền làm chủ trong việc bàn bạc, quyết định những công việc của thôn, ấp, khu phố; tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Từ đó, đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.

Chính quyền Chính quyền xã, phường, thị trấn quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh mức độ 3, mức độ 4 đạt tỷ lệ 83,6%; tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được nâng cao đạt 97%. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư trang bị đến tận cấp xã; tỷ lệ cán bộ công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong xử lý công việc đạt 90%. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp xã. Từ đó đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tiết kiệm thời gian, giảm phiền hà cho nhân dân; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp xúc và giải quyết công việc. Về triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ: các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh dự kiến hoàn thành 100% đối tượng hỗ trợ theo 12 chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ với tổng kinh phí là dự kiến khoản 210 tỷ đồng. Về chính sách hỗ trợ người dân tỉnh Bình Phước gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hiện đang sinh sống và ở lại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai đã thực hiện hỗ trợ 9.627 người với số tiền 6 tỷ 830 triệu đồng, dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành hỗ trợ 13.999 người với số tiền 9 tỷ 890,5 triệu đồng.

Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, các xã, phường, thị trấn thường xuyên được củng cố, bồi dưỡng, tập huấn nâng dần chất lượng hoạt động, tập trung vào một số nội dung giám sát cụ thể như: giám sát thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn; các dự án đầu tư ở cộng đồng; việc thu các loại phí, lệ phí; việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách địa phương; công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc xây dựng chương trình nông thôn mới, xây dựng nhà tình thương... kết quả: Ban Thanh tra nhân dân tổ chức giám sát được tổ chức 519 cuộc giám sát, kiến nghị  319 nội dung, vụ việc, kết quả có 270 vụ việc đã được giải quyết còn 49 vụ việc đang giải quyết; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát được 464 cuộc với 317 công trình, kiến nghị 319 nội dung, vụ việc, các ngành chức năng đã xem xét giải quyết xong 305 nội dung, vụ việc; còn 14 nội dung vụ việc đang tiếp tục giải quyết điển hình, như: một số huyện, thị: Đồng Xoài, Chơn Thành, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Đồng Phú.

Về xây dựng nông thôn mới: hoàn thành 500/618 km đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù; có 70/90 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (10 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% kế hoạch năm), chiếm tỷ lệ 77,77%, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,87 tiêu chí; có 06/07 xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2021 (xã Thanh Lương - Tx. Bình Long xin về chuyển mục tiêu qua năm 2022). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03/11 huyện thị hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến đến cuối năm có 5/11 huyện thị thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Đồng Phú và huyện Chơn Thành đang trình hồ sơ). Tỷ lệ các hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 98,4% đạt kế hoạch đề ra.
 
            Thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập
 
Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đều công khai các nội dung theo quy định của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, tích cực triển khai các văn bản pháp luật liên quan, gắn với thực hiện Luật cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, quy chuẩn đạo đức và nội quy, quy chế của cơ quan. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều xây dựng quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ; trong công tác cán bộ, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc quy trình, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức đều được công khai minh bạch; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm được thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai dân chủ.
Công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện tại 100% cơ quan hành chính Nhà nước. Hiện nay toàn tỉnh đã kiện toàn nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống Bộ phận Một cửa các cấp, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước. Cấp tỉnh có Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện có 11/11 Bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã có 111/111 Bộ phận một cửa cấp xã để tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Bộ phận một cửa các cấp được bố trí nơi thuận tiện, thoáng mát để người dân, tổ chức đến giao dịch hành chính. Toàn tỉnh có 1.788 TTHC (1.371 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 229 thủ tục hành chính cấp huyện và 91 thủ tục hành chính cấp xã, 97 thủ tục hành chính thực hiện chung liên thông 2 cấp, 3 cấp). Trong đó: 165 thủ tục hành chính đáp ứng dịch vụ công mức độ 1, 2, 154 thủ tục hành chính đáp ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.469 thủ tục hành chính đáp ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các thủ tục hành chính đều được công khai trên trang www.dichvucong.binhphuoc.gov.vn. Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đều đã niêm yết, công khai đầy đủ tại nơi thuận tiện để Nhân dân tìm đọc, theo dõi.
Thích ứng với tình hình dịch bệnh trong kế hoạch công tác năm 2021, trên địa bàn tỉnh vẫn triển khai thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng đảm bảo công tác phòng, chống dịch; trong thời gian dịch bệnh phức tạp UBND tỉnh và các huyện, thị, thành phố có thông báo tạm thời ngưng tiếp công dân định kỳ để hạn chế tập trung đông người. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định, chất lượng được nâng lên. Trong quá trình giải quyết, các cấp, các ngành và người có thẩm quyền giải quyết đã quan tâm đến công tác tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tố cáo, bảo đảm công khai, dân chủ, làm rõ nội dung vụ việc, xem xét đầy đủ pháp lý và thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết dứt điểm, cụ thể: Tổng số đơn khiếu nại giải quyết là 43 đơn. Hiện đã giải quyết 38/43 đơn, đạt 88,4%; số đơn đang xem xét giải quyết là 32/730 đơn, chiếm 11,6%. Số quyết định giải quyết khiếu nại phải thực hiện trong kỳ là 118 quyết định, đã thực hiện được 34 quyết định giải quyết khiếu nại. Trong đó Thanh tra tỉnh giải quyết 07/08 đơn, đạt 87,5%. Tổng số đơn tố cáo giải quyết là 22/25 đơn, đạt 88%. Số kết luận phải thực hiện là 22 kết luận, đã thực hiện xong 19 kết luận. Trong đó Thanh tra tỉnh giải quyết 09 đơn, đã giải quyết 09/09 đơn, đạt 100%.
 
 Thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp
 
Trong năm 2021, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy các hoạt động đối thoại với người sử dụng lao động, đặc biệt về các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và các vấn đề duy trì hoạt động sản xuất doanh nghiệp, điều kiện tổ chức mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, với tổng cộng 390 cuộc đối thoại.

 Việc thực hiện quy chế dân chủ theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong  năm 2021 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, ngay từ đầu năm công đoàn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động  tổ chức hội nghị công nhân viên chức người lao động, tổ chức đối thoại trực tiếp, thông qua đó người sử dụng lao động tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia đóng góp vào văn bản thống nhất trước khi ra quyết định ban hành. Nhiều doanh nghiệp tổ chức khá hiệu quả việc đối thoại định kỳ và đột xuất tại nơi làm việc đã góp phần giải quyết kịp thời kiến nghị của người lao động. Nhờ đó, người lao động có điều kiện chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hợp lực cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Thông qua các hoạt động đối thoại, quyền dân chủ của công nhân lao động được phát huy, từ đó nhiều ý kiến hay, sáng kiến có giá trị góp phần cùng doanh nghiệp đẩy lùi khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Nguồn tin: Anh Khoa - Đồng Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây