Thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn: Trong năm 2020, chính quyền xã, phường, thị trấn quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh mức độ 3, mức độ 4 đạt tỷ lệ 83,6%; tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được nâng cao đạt 97%. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư trang bị đến tận cấp xã; tỷ lệ cán bộ công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong xử lý công việc đạt 90%. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp xã. Từ đó đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tiết kiệm thời gian, giảm phiền hà cho nhân dân; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp xúc và giải quyết công việc.
Dân chủ trong việc xây dựng nông thôn mới được người dân nhận thức tích cực, qua các phong trào tuyên truyền, vận động, bàn bạc dân chủ nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới: đến nay, bình quân số tiêu chí đạt được của 90 xã là 16,92 tiêu chí, có 48/90 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với 12 xã phấn đấu về đích trong năm 2020 bình quân số tiêu chí là 18,25 tiêu chí. Dân chủ trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay Ủy ban Nhân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng chi trả hơn 83,779 tỷ đồng cho 82.932 đối tượng được thụ hưởng đạt 98,30% kế hoạch. Các chính sách đối với người có công, công tác bảo trợ xã hội được thực hiện hiệu quả kịp thời, đúng đối tượng, tiếp nhận và giải quyết 3.988 hồ sơ. Tổ chức thăm đối tương chính sách, người có công với cách mạng và tặng 70.980 phần quà trị giá 28, 525 tỷ đồng.
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, các xã, phường, thị trấn thường xuyên được củng cố, bồi dưỡng, tập huấn nâng dần chất lượng hoạt động, tập trung vào một số nội dung giám sát cụ thể như: Tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn; các dự án đầu tư ở cộng đồng; việc thu các loại phí, lệ phí; các công trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo bền vững. Các kiến nghị sau giám sát cơ bản được chính quyền địa phương, các chủ đầu tư quan tâm xem xét, giải quyết và trả lời thỏa đáng, đã góp phần đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của các công trình, chương trình, dự án được đầu tư, thực hiện ở xã, phường, thị trấn.
Thực hiện Quy chế dân chủ ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập: Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đều công khai các nội dung theo quy định của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, tích cực triển khai các văn bản pháp luật liên quan, gắn với thực hiện Luật cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, quy chuẩn đạo đức và nội quy, quy chế của cơ quan. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều xây dựng quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ; trong công tác cán bộ, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc quy trình, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức đều được công khai minh bạch; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm được thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai dân chủ. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện tại 100% cơ quan hành chính Nhà nước. Đến nay đã đưa vào vận hành Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh, hiện tại đã có 10 chức năng thực hiện giám sát, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Nhiều thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là lĩnh vực đất đai, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp. Việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức được thực hiện đúng quy định tại tất cả 974/974 cơ quan, đơn vị đạt tỷ lệ 100% . Tại Hội nghị nhiều ý kiến tham gia phát biểu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, cải tiến lề lối, tác phong làm việc; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện chế độ, chính sách, liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ công chức, viên chức, người lao động; sửa đổi quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ. Góp phần phát huy dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Việc rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị được quan tâm thực hiện gắn với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị cũng như việc thực hiện nhiệm vụ được giao đúng theo tinh thần Nghị định số 04/2015/NĐ-CP như: Quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, nâng ngạch; công khai tài chính; quy chế thi đua, khen thưởng đối với cán bộ công chức, viên chức.
Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tinh giản 2,5% biên chế/năm, xây dựng lộ trình đến năm 2020 giảm hết biên chế dư dôi và hợp đồng 68. Bên cạnh đó thực hiện Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10/4/2018 của Tỉnh ủy hướng đến mục tiêu giảm biên chế trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành văn bản, kế hoạch về tinh giản biên chế, cụ thể trong năm 2020 đã giảm 149 trường hợp cán bộ công chức, viên chức và hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả” và Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10/4/2018 của Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1116/UBND-NC ngày 20/4/2018 về việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đến nay các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố đã xây dựng Đề án sắp xếp các tổ chức bên trong của cơ quan, đơn vị mình theo hướng giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc: Trong năm, UBND tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19; đã tổ chức buổi đối thoại với 15 chủ đầu tư khu công nghiệp, qua buổi làm việc đã ghi nhận các nội dung cần tháo gỡ, ngày 24/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 217/TB-UBND, giao cho các Sở ngành tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, động viên tinh thần công nhân tích cực tham gia lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Việc thực hiện quy chế dân chủ theo Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ trong năm 2020 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều chủ doanh nghiệp đã duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ cho công nhân viên, người lao động; công khai các nội quy, quy định của đơn vị, các chế độ chính sách liên quan đến người lao động; công nhân viên, người lao động được bàn bạc các nội dung về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp sản xuất kinh doanh, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, công khai việc trích lập các loại quỹ trong công ty có liên quan đến người lao động. Nhiều doanh nghiệp tổ chức khá hiệu quả việc đối thoại định kỳ và đột xuất tại nơi làm việc đã góp phần giải quyết kịp thời kiến nghị của người lao động. Bên cạnh đó việc tổ chức hội nghị người lao động cũng được một số doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt.