Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện QCDC ở cơ sở. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, địa phương về công tác dân vận, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện; tiếp tục thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân. Gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Trung ương 4; Trung ương 5, Trung ương 6, Trung ương 7, Trung ương 8 (khóa XII); Kết luận số 43-KL/TU, ngày 16/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Đề án 986 của Tỉnh ủy về “Phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng bộ tỉnh Bình Phước”; Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục cụ thể hóa xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn liền với công tác cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đối thoại, tiếp công dân, giải quyết những vấn đề khiếu kiện, tố cáo của công dân gắn liền với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; rà soát và phân công bố trí cán bộ phụ trách công tác dân vận gắn với thực hiện dân chủ cơ sở.
Ban chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024, tập huấn công tác dân vận chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023; tiếp tục kiện toàn các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh đề từng bước đi vào hoạt động nền nếp. Ban Chỉ đạo QCDC các cấp tham mưu cho cấp ủy tổng kết thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, kế hoạch hoạt động, kế hoạch kiểm tra của ban chỉ đạo, bổ sung, sửa đổi Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo thực hiện dân chủ phụ trách đơn vị, địa bàn, cơ sở. Chương trình kiểm tra của cấp ủy có kết hợp nội dung kiểm tra thực hiện dân chủ ở cơ sở; tiến hành sơ kết thực hiện dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tập trung các nội dung: Bám sát nhiệm vụ chính trị, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Tiếp tục xây dựng và phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết đại hội Đảng các cấp; tập trung vận động quần chúng Nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung phối hợp với chính quyền để thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội chuẩn bị nội dung tổ chức giám sát Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; triển khai thực hiện Quyết định 845-QĐ/TU ngày 13/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Phát huy vai trò của MTTQVN, các đoàn thể Chính trị - Xã hội trong tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền” và thực hiện Quyết định 780-QĐ/TU ngày 13/9/2017 “Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại với nhân dân”. Qua đó, kịp thời nắm bắt, tiếp nhận giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các ý kiến, kiến nghị, bức xúc, vướng mắc và những vấn đề Nhân dân quan tâm; góp phần xây dựng củng cố hệ thống chính trị vững mạnh; ngăn chặn, phát hiện, xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; củng cố niềm tin của Nhân dân.
Việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể:
Đối với việc thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn: Các xã, phường, thị trấn thực hiện có hiệu quả các nội dung công khai để Nhân dân biết; Nhân dân bàn và quyết định; Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; Nhân dân kiểm tra, giám sát nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân đều được công khai tại các cuộc họp giao ban, hội nghị cử tri ở các thôn, ấp, khu phố, tiếp xúc cử tri và niêm yết tại trụ sở như: Đóng góp đầu tư xây dựng các công trình cộng đồng, các khoản ủng hộ vào các quỹ từ thiện, nhân đạo; đề án, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; các dự án xây dựng, quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; các phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chương trình xây dựng nông thôn mới; cải cách hành chính. Đa số các khu dân cư đã xây dựng được hương ước, quy ước, để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình mới nhằm phát huy được tính tự quản của nhân dân.
Thực hiện trách nhiệm tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; tình hình và kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có bố trí nơi tiếp công dân và xây dựng hộp thư góp ý; đồng thời duy trì tốt công tác trực tiếp công dân định kỳ vào các ngày trong tuần đối với lãnh đạo của Đảng ủy-HĐND-UBND xã, phường theo thông báo về lịch tiếp công dân. Tiếp nhận và giải quyết hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền các ý kiến của Nhân dân tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri, hội nghị lấy ý kiến nhân dân về các nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Việc thực hiện hương ước, quy ước theo tinh thần Nghị định số 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 của Chính phủ gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai sâu rộng và thực hiện có hiệu quả. Nhiều nội dung của phong trào đã được triển khai thực hiện có hiệu quả như: phong trào xây dựng gia đình văn hóa; khu dân cư văn hóa; xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến….
Đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị: Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được thủ trưởng các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện; thường xuyên tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Luật cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, quy chuẩn đạo đức và nội quy, quy chế của cơ quan; quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong cơ quan, đơn vị; rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị theo quy định. 6 tháng đầu năm đã xây dựng kế hoạch thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2024, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của cơ quan, đơn vị đúng quy định. Trong công tác cán bộ, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc quy trình tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm được thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ. Việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại tất cả các cơ quan, đơn vị (đạt tỷ lệ 100%). Qua đó, tiến hành kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị năm trước và những quy định về thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị; báo cáo công khai tài chính; đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy quyền làm chủ thông qua việc thảo luận, bàn bạc, quyết định việc thu, chi, sử dụng các khoản đóng góp, tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế làm việc, quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII; Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, việc triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức lại bộ máy gắn với tinh giản biên chế được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, tạo được sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; quá trình thực hiện bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, minh bạch về chế độ, chính sách cho đối tượng thực hiện tinh giản biên chế, đúng trình tự, thủ tục quy định, trên cơ sở kết quả sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách tinh giản biên chế đợt I và đợt II năm 2024 với 13 trường hợp, ban hành Quy định cơ cấu tổ chức và số lượng người làm việc của 11 cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở, ban, ngành.
6 tháng đầu năm các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tổ chức thành công Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, theo đó, chỉ số CCHC trung bình của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đạt 88,05%. Chỉ số CCHC trung bình của UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt 89,33%. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 như sau: Chỉ số PAR INDEX đạt 88,01% (tăng 3,54% so với năm 2022), đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 18 bậc so với năm 2022); Chỉ số SIPAS đạt 76,08% đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố (Chỉ số SIPAS năm 2023 của tỉnh tăng 0.03% nhưng thứ hạng giảm so với các tỉnh, thành phố); Chỉ số PAPI đạt 39,953/80 điểm tăng 0,018 điểm, đứng thứ 57/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2023 tăng nhiều so với năm 2022 (18 bậc đứng thứ 21/63 tỉnh thành).
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, việc tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân được duy trì thường xuyên, chú trọng về vai trò của người đứng đầu các cấp chính quyền trong việc đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Kết quả: trong 06 tháng đầu năm 2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản giải quyết kịp thời, đúng quy định các ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, cụ thể: Về tiếp công dân: đã tiếp 1.772 lượt với 905 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thụ lý 385 đơn (khiếu nại 32 đơn, tố cáo 18 đơn, kiến nghị phản ánh 335 đơn). Số đơn đã giải quyết 262/385 đơn (khiếu nại 30 đơn, tố cáo 14 đơn, kiến nghị phản ánh 218 đơn) số đơn đang trong thời hạn giải quyết chuyển sang kỳ sau là 123/329 đơn (khiếu nại 02 đơn, tố cáo 04 đơn, kiến nghị phản ánh 117 đơn). Nội dung tiếp công dân, nhận đơn, thư chủ yếu liên quan đến vấn đề chế độ chính sách, tranh chấp đất đai, cấp đất tái định cư, việc hỗ trợ đền bù khi thực hiện các dự án, tranh chấp dân sự, thu hồi một số dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội và các kiến nghị khác.
Đối với thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động: Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các Doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định tại Chương IV, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và chương V nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch thực hiện dân chủ tại đơn vị; tổ chức Hội nghị người lao động theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, nội dung chủ yếu là trao đổi sản xuất kinh doanh, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và những cam kết thực hiện, điều kiện làm việc, giải quyết chế độ, chính sách, ngày giờ công, sắp xếp bố trí việc làm giữa tập thể, cá nhân người lao động với người sử dụng lao động trong cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện. công khai về các chế độ chính sách của Nhà nước đến với người lao động, bảo đảm BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Thông qua Hội nghị đã phát huy tinh thần dân chủ, Người lao động được tham gia ý kiến, kiến nghị, đề xuất với chủ sử dụng lao động về những quyền lợi liên quan; phát huy trí tuệ và tinh thần làm chủ của CNVCLĐ trong quản lý, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, vai trò tổ chức Công đoàn và người lao động trong các doanh nghiệp, nhìn chung từng bước được bảo đảm và thực hiện tốt, làm chuyển biến, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Ban giám đốc Công ty, tạo thuận lợi cho hoạt động Công đoàn và các đoàn thể quần chúng, phát huy quyền dân chủ của người lao động, tạo được sự ổn định, phát triển doanh nghiệp.