Bình Phước: đẩy mạnh học tập theo Bác về phát huy dân chủ gắn với công tác dân vận

Thứ ba - 08/03/2022 21:27 322 0
Tư tưởng về dân chủ theo Hồ Chí Minh là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người khẳng định, bản chất của dân chủ tức là dân là chủ và dân làm chủ. Người chỉ rõ, địa vị của nhân dân là người chủ đối với xã hội, đất nước và nhân dân là chủ thể của quyền lực. Đây là nội dung cốt lõi trong tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, phản ánh giá trị cao nhất, của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân.
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: nguồn internet)
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: nguồn internet)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chế độ dân chủ, thể chế chính trị và thể chế nhà nước dân chủ, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi chủ trương, chính sách, mọi quy định của nhà nước từ trung ương đến địa phương đều phải xuất phát từ lợi ích của dân. Mọi cán bộ nhà nước đều vì dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Một nhà nước vì dân phải đảm bảo cho dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người đã chỉ ra một cách rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Nhà nước vì dân không chỉ biết làm lợi cho dân mà còn phải kính dân.

Trọng dân, tin dân, học dân, phát huy sức mạnh của dân là điều nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã kế thừa, phát triển những tư tưởng tiến bộ của ông cha ta về nhân dân, đưa ra những quan điểm về nhân dân rất độc đáo. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng và ngay sau khi giành được chính quyền. Trong bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật năm 1949, Bác đã chỉ rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận, giải thích dân vận là gì, ai có trách nhiệm làm dân vận và phương pháp dân vận phải như thế nào. Có thể nói, tư tưởng dân vận của Bác Hồ là một hệ thống những quan điểm, phương thức dân vận được thấm nhuần trong cả cuộc đời và trong các tác phẩm của Người. Thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân là quan điểm bao trùm trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, cơ sở để hình thành tư tưởng về công tác dân vận của Người. Người luôn ý thức dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, dân là gốc của nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải…bỏ đi hoặc sửa lại…”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đã xác định công tác dân vận gắn với thực hiện dân chủ cơ sở có vị trí rất to lớn và quan trọng, là một trong những công tác cơ bản, quan trọng, gắn liền với sự trưởng thành về sự lãnh đạo nhân dân làm cách mạng của Đảng. Đảng ta đã hết sức coi trọng và đã được thể hiện một cách nhất quán trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Thông qua công tác dân vận, Đảng đã phát huy cao độ sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên động lực to lớn đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng phát triển. Các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đều thể hiện rõ rệt quan điểm và tư tưởng đó; nó có ý nghĩa quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp vận động quần chúng nhân dân trong thời kì đổi mới.

Đối với Bình Phước trải qua 25 năm tái lập tỉnh (1997-2022), đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện. Thu ngân sách của tỉnh tăng gần 76 lần so với năm đầu tái lập, những năm đầu tái lập tỉnh vô vàn khó khăn, thu ngân sách của tỉnh rất thấp, chỉ đạt 172 tỷ đồng. Sau 25 năm tái lập tỉnh, cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn thu từ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thuế thu nhập cá nhân. Năm 2021, thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng gần 76 lần so với năm 1997. Thu nhập bình quân đầu người tăng gần 28 lần, đời sống Nhân dân được cải thiện: Trong năm đầu mới tái lập, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm. Đến nay, kinh tế - xã hội phát triển theo hướng tích cực đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đặc biệt là người dân ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 73 triệu đồng/người/năm, tăng gần 28 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Qua 25 năm tái lập, Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 81,66%, trong đó có 07 khu đã lấp đầy 100%. Chính sách thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của doanh nghiệp và Nhân dân. Những kết quả đó, có phần đóng góp quan trọng của công tác dân vận, của đội ngũ những người làm công tác vận động quần chúng của Đảng từ tỉnh đến cơ sở. Hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ về công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Triển khai quán triệt, học tập và cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết và văn bản kết luận, chỉ đạo của Trung ương về công tác vận động quần chúng. Chủ động tham mưu cho cấp uỷ triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ đề mà Trung ương phát động, như “Năm dân vận chính quyền”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở”; đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo; tập trung giải quyết được những vấn đề phức tạp, điểm nóng, kịp thời dự báo những tình huống có thể xảy ra để tham mưu lãnh, chỉ đạo có hiệu quả những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác dân vận của Đảng, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác hội quần chúng. Kết quả đã tạo những chuyển biến rõ nét trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác dân vận trong tình hình mới. Trong công tác dân vận tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo và cả hệ thống chính trị vào cuộc, đã góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công tác đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được quan tâm hơn trước. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều tiến bộ. Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động khá hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại địa bàn dân cư. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt nhiều kết quả. Nhân dân tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Quyền làm chủ của nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.  Có được những kết quả trên là do các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng và tích cực tham gia. Đặc biệt là Ban chỉ đạo QCDC các cấp trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, tích cực hoạt động, đề cao trách nhiệm tham mưu với cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch covid-19; phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, tiếp tục đẩy mạnh học tập theo Bác về phát huy dân chủ gắn với công tác dân vận: Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên, tạo khí thế mới, quyết tâm mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Nguồn tin: Lê Toàn - BDVTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay3,899
  • Tháng hiện tại109,689
  • Tổng lượt truy cập1,287,678
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây