Hết lòng vì người bệnh
Cách đây 6 năm, khi phát hiện căn bệnh ung thư, chị Vũ Thị Hậu chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh không thuyên giảm, sức khỏe ngày một yếu. Trong lúc bế tắc được người quen giới thiệu, chị đã vượt hơn 200km từ quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh về phòng chẩn trị y học cổ truyền tại Thiền tự Trúc lâm Thiên Sơn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập để trị bệnh. Với tấm lòng y đức, Thượng tọa Thích Chiễu Hòa đã tận tụy hướng dẫn và bốc thuốc điều trị bệnh cho chị. Sau 6 năm kiên trì, dù bệnh không khỏi hẳn nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã được kiểm soát, ngày một tiến triển tích cực, sức khỏe của chị cũng dần ổn định.
Với tâm niệm chữa bệnh không phân biệt giàu, nghèo, miễn có bệnh là chữa, ai đến đều có thuốc để uống, nhiều năm qua, đã rất nhiều người bệnh được thầy Thích Chiễu Hòa cùng các lương y nơi đây chữa khỏi bệnh. Chị Hậu chia sẻ: “Bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, tưởng chừng hết đường cứu chữa, nhưng đến đây tôi được thầy cùng các lương y tận tình khám, bốc thuốc chữa trị. Sau thời gian dài điều trị tại nhà theo hướng dẫn của thầy, giờ sức khỏe tôi ổn định, bệnh cũng có chiều hướng thuyên giảm”.
Dù chỉ với 6 giường bệnh nhưng hằng ngày, phòng khám y học cổ truyền của thầy thuốc Trần Công Lý (phường Long Phước, TX. Phước Long) vẫn đón tiếp từ 20-30 người bệnh đến thăm khám và điều trị. Những bệnh nhân đến thăm khám chủ yếu liên quan đến các bệnh như: thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, trật khớp, tiểu đường… Với hơn 20 năm gắn bó với nghề, thầy Lý luôn thấu cảm và tận tụy hết mình vì người bệnh. Cũng như nhiều lương y khác, thầy Lý xem việc khám và điều trị bệnh cho mọi người là niềm vui cho bản thân trong cuộc sống, nhất là người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn. “Là lương y, tôi luôn thấu cảm với người bệnh qua nỗi đau của họ. Tôi cũng cảm thấy vui và phấn khởi khi người bệnh được mình chữa khỏi. Người ta giảm được bệnh thì lương y cũng nhẹ lòng” - thầy Lý chia sẻ.
Đau đáu với nghề
Theo học đông y từ khi còn nhỏ, Thượng tọa Thích Chiễu Hòa luôn sưu tầm rất nhiều loại cây thuốc phục vụ nghề. Vườn thuốc trong khuôn viên chùa chỉ rộng hơn 200m2, nhưng có gần 100 vị thuốc khác nhau. Đặc biệt, những cây thuốc quý điều trị những căn bệnh khó, bệnh hiểm nghèo được thầy chăm sóc tỉ mỉ và xem như là tài sản vô giá đối với người thầy thuốc. Với nhiều năm kinh nghiệm bốc thuốc chữa bệnh, thầy đã chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân với những căn bệnh khó. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm nay, đã có hơn 10 bệnh nhân với những căn bệnh khó chữa, bệnh hiểm nghèo tìm về đây để khám và bốc thuốc trị bệnh. Trị bệnh bằng thuốc đông y không phải ai cũng khỏi bệnh 100%, nhất là đối với các bệnh khó, song cũng rất nhiều người bệnh đã và đang dần khỏi bệnh bởi những cây thuốc, bài thuốc quý gia truyền được phát huy.
Thầy Thích Chiễu Hòa cho biết: “Các loại cây thuốc nam và thuốc bắc rất đa dạng, tuy nhiên, những loại cây thuốc điều trị các loại bệnh khó thì rất hiếm. Vì nó quý hiếm nên mình phải tìm, sưu tầm đem về trồng và nhân giống để có thuốc trị bệnh. Chữa bệnh bằng phương pháp đông y không phải ai cũng khỏi hết, cứ kiên trì điều trị đúng cách ắt bệnh sẽ giảm và khỏi”.
|
Có thể nói, song song với y học hiện đại, y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 177 cơ sở hội, chi hội, tổ hội đông y với gần 1.250 hội viên; 66/111 trạm y tế xã phường, thị trấn có hội viên đông y; 20 phòng tập thể và 57 phòng chẩn trị y học cổ truyền điều trị bệnh cá nhân; 2 cửa hàng đông dược và 122 vườn thuốc có tổng diện tích hơn 1,8 ha. Trong thực tế rất nhiều bệnh nhân mắc những căn bệnh hiểm nghèo mà tây y “bó tay”, nhưng tìm về với thuốc nam, thuốc bắc để điều trị thì bệnh tình có chiều hướng tích cực. Đây là những bài thuốc quý gia truyền mà không phải ai cũng có được. Vì vậy, các loại cây thuốc, bài thuốc hay được các thầy thuốc sưu tầm trồng và nhân giống tại các vườn thuốc gia đình, nhất là những cây thuốc quý gia truyền. Chủ tịch Hội Đông y huyện Bù Gia Mập cho hay: “Hiện nay, rừng không còn như xưa, nên những cây thuốc quý rất khó tìm, các thầy thuốc đông y phải tìm kiếm, sưu tầm về trồng. Những căn bệnh khó, bệnh hiểm nghèo ngày một nhiều, vì thế những cây thuốc quý luôn được duy trì và phát huy để hỗ trợ điều trị bệnh cho người dân”.
Hình ảnh những người thầy thuốc đông y ngày càng trở nên gần gũi và được khẳng định bởi những bài thuốc, cách trị bệnh cổ truyền hiệu quả. Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Phạm Ngọc Hưng chia sẻ: “Với phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại nơi”, hằng năm, các cấp hội và hội viên luôn ký kết, phát động phong trào tự trồng cây thuốc nam; khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là khám, chữa bệnh từ thiện cho người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng sâu, biên giới và bằng phương thuốc đông y, kết hợp vật lý trị liệu, nâng cao hiệu quả điều trị”.
Nguồn tin: Văn Đoàn - Báo Bình Phước Online