Bình Phước: Thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý rừng trên địa bàn tỉnh.

Thứ bảy - 26/02/2022 23:12 454 0
Theo Quyết định số 18/QĐ-BNV ngày 03/01/2020 của Bộ Nội vụ, Bình Phước có tổng diện tích rừng và đất chưa có rừng thuộc 03 loại rừng 171.663,44 ha, trong đó rừng tự nhiên 55.505,30ha, rừng trồng đã thành rừng là 101.046, 79 ha và đất chưa có rừng là 15.111,35 ha (bao gồm cả diện tích đất đã trồng rừng nhưng chưa đủ tiêu chí thành rừng là 2.359,12 ha) phân theo thành 03 loại rừng (Rừng đặc dụng, Rừng phòng hộ, Rừng sản xuất).
Nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp phát quang đường băng cản lửa để bảo vệ rừng trong mùa khô. Nguồn Báo Bình Phước Online.
Nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp phát quang đường băng cản lửa để bảo vệ rừng trong mùa khô. Nguồn Báo Bình Phước Online.
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, địa phương và được duy trì thực hiện thường xuyên với quyết tâm cao. Lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng chuyên trách và các lực lượng tại cơ sở phần lớn đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết bám rừng, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao; chủ động tổ chức, phối hợp lực lượng, tăng cường tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại các vùng trọng điểm có nguy cơ phá rừng. Công tác chống lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp được quan tâm chỉ đạo; các lực lượng chức năng đã chủ động kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng.
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành; tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội và phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU,UBND tỉnh Bình Phước đã chấn chỉnh việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017 tại Công văn số 1778/UBND-KT ngày 02/6/2021 và tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017của Ban Bí thư, tại Công văn số 1960/UBND-KT ngày 16/6/2021.
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng chung do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, qua số liệu tuyên truyền và hình thức tuyên truyền cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã được tăng cường, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được nâng cao. 
Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp các cấp vẫn duy trì và thực hiện công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và phòng cháy, chữa cháy rừng, hướng dẫn người dân sử dụng lửa trong rừng, gần rừng. Qua đó, đã trực tiếp ký cam kết cho được 567 bản cam kết; phát bản tin xử lý vi phạm hành chính được 338 lượt; tuyên truyền lưu động tại các cụm dân cư, các địa điểm người dân tập kết nông sản và thường xuyên qua lại được 57 lượt; Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước phát cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên Đài truyền hình vào lúc 11 giờ 30 phút hàng ngày trong suốt mùa khô và đăng, phát được 233 tin, bài, chuyên mục; Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, PCCCR cho cán bộ, giáo viên, nhân viên là 2.324 người và 32.316 học sinh…
Kết quả, từ năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 03-CT/TW đến nay, Lãnh đạo cấp ủy các cấp đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; các cơ quan chức năng địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị chủ rừng nên tình hình vi phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp cơ bản đã được các ngành chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Năm 2021, số vụ vi phạm được phát hiện và lập hồ sơ xử lý là 101 vụ, giảm 59 vụ so với cùng kỳ năm 2020; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tình hình chống người thi hành công vụ lực lượng Kiểm lâm đã tiếp nhận 04 đơn thư (đơn tố cáo, đơn xin cứu xét, đơn kiến nghị) của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực lâm nghiệp. Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết 04 đơn thư. Các đơn thư sau khi tiếp nhận đều được xử lý hoặc tham mưu xử lý kịp thời, không để tồn đọng, kéo dài; Công tác trồng cây xanh và trồng rừng, thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 11/3/2021 về việc tổ chức Lễ trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2021 và Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 11/3/2021 của UBND tỉnh về việc trồng cây xanh năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Phướcđã thực hiện giao, nhận, trồng cây xanh và kiểm tra tỷ lệ cây sống sau khi trồng với tổng số là 876.850 cây/1 triệu cây, tỷ lệ cây sống sau khi trồng đạt 92,8%...
Những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 13 CT/TW trong thời gian tới:
Nêu cao trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghị quyết số 71/NQ-CP và Kế hoạch số 82-KH/TU. 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, PCCCR và quản lý lâm sản bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, phong tục tập quán địa phương (đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số) để mọi người hiểu và thực hiện.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghị quyết số 71/NQ-CP và Kế hoạch số 82-KH/TU của các cấp uỷ cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý, xem đây là nội dung quan trọng trong đánh giá, phân loại tổ chức đảng, chính quyền và các đơn vị hàng năm. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm để xảy ra phá rừng, cháy rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.
Chú trọng thực hiện các biện pháp an toàn PCCCR. Rà soát, tu sửa, bảo dưỡng các công trình, thiết bị PCCCR, đảm bảo luôn trong tư thế sẵn sàng. Tổ chức lực lượng ứng trực sẵn sàng ứng cứu chữa cháy cho các địa phương và chủ rừng khi có cháy rừng xảy ra; Xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng.
 

Nguồn tin: Minh Hùng (TH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây