Công tác dân vận trong chiến thắng chốt chặn Tàu Ô và chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972

Thứ sáu - 26/08/2022 10:10 368 0
Trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, công tác dân vận đều có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ cuộc vận động cao trào Xô Viết (1930 – 1931), phong trào cách mạng của quần chúng (1932 – 1939) cho đến cuộc tổng động viên toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh đế quốc Mỹ, công tác dân vận trong thời kỳ đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng của Đảng, đồng thời tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống mỹ, cứu nước”.
Công tác dân vận trong chiến thắng chốt chặn Tàu Ô  và chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972
Sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7-1954), đế quốc Mỹ và tay sai trắng trợn phá hoại Hiệp định, thực hiện cuồng vọng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Ngay từ đầu và xuyên suốt các chiến lược chiến tranh, Mỹ và tay sai đều xác định mục tiêu phải bình định miền Nam Việt Nam bằng mọi giá, sử dụng tối đa sức mạnh bạo lực đàn áp dã man những người yêu nước, hòng đè bẹp ý chí đấu tranh, dập tắt khát vọng hòa bình, độc lập, tự do; thực hiện dồn dân lập ấp tân sinh, ấp chiến lược, bình định nông thôn. Đồng thời, chúng dùng lực lượng quân sự để chia cắt, tìm diệt lực lượng kháng chiến, tách dân khỏi lực lượng kháng chiến, “tát nước bắt cá”. Cùng với các hoạt động quân sự, bạo lực, chúng biến miền Nam thành thị trường tiêu thụ hàng hóa, với bức tranh kinh tế phồn vinh giả tạo. Chúng du nhập lối sống lai căng, đồi trụy, làm biến dạng nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, sử dụng bộ máy tuyên truyền khổng lồ để thực hiện cuộc chiến tranh tâm lý, “tranh thủ con tim và khối óc” người dân. Chúng triệt để khai thác vấn đề dân tộc, tôn giáo để phục vụ cho các mục đích chính trị và quân sự. Chúng khuếch trương sức mạnh Mỹ, đánh mạnh vào tâm lý sợ Mỹ, ngán, sợ chiến tranh, sợ bom đạn, chết chóc, làm nhụt ý chí đấu tranh của nhân dân. Chúng rêu rao cuộc chiến tranh Việt Nam là nhằm “đánh bại sự nổi dậy của cộng sản”; chúng sử dụng các thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ những người cộng sản, hạ uy tín các nhà yêu nước, lực lượng kháng chiến, làm lung lạc lòng tin của người dân, nhất là lớp trẻ và những người nhẹ dạ, cầu an.

Trong các giai đoạn của cuộc chiến tranh, thực hiện các nấc thang của chiến lược chiến tranh, Mỹ và tay sai đã không ngừng gia tăng các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý, giành đất, giành dân, tiến hành cuộc chiến truyền thông, đánh phá khủng bố ác liệt lực lượng kháng chiến. Tình hình đó càng đòi hỏi công tác dân vận được đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả để giành thắng lợi trên “một mặt trận khác” đầy cam go này.

Lãnh đạo cuộc kháng chiến vô cùng khó khăn, gian khổ chống kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự với bộ máy chiến tranh khổng lồ, bộ máy tuyên truyền chính trị chuyên nghiệp, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận, giữ vững mối quan hệ Đảng - dân, phát huy sức mạnh của nhân dân là một nhân tố quyết định thắng lợi, “Đại đoàn kết, một nhân tố rất quan trọng quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam”.

Trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, trong suốt 150 ngày đêm để bảo đảm cho chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân Bình Phước đã làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể huy động mọi lực lượng dồn sức cho chiến dịch, tổ chức phát động các phong trào đấu tranh chính trị, binh vận. Với sức mạnh tổng hợp của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, tiểu thương, tín đồ các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số,…tuyên truyền phát động quần chúng đấu tranh chống địch; đẩy mạnh hoạt giành dân, mở rộng vùng giải phóng; tạo nguồn cung cấp người và của cho cách mạng. Làm tốt công tác hậu cầu, đảm bảo lương thực nuôi quân đánh giặc và lực lượng cán bộ về hoạt động tại cơ sở. Công tác vận động, đấu tranh được đẩy mạnh gắn với các khẩu hiệu thiết thực như: chống càn quét, chống bắn giết bừa bãi, chống bắt lính, chống văn hóa phẩm đồi truỵ, xây dựng văn hóa dân tộc. Tăng cường công tác binh vận, làm cho gia đình binh lính địch nhận thức rõ, để họ thấy rõ bạn thù, động viên họ tham gia tích cực công tác cách mạng trong xóm ấp, tổ chức họ vào các đoàn thể và giao nhiệm vụ cho họ tích cực kiên trì đi vận động thân nhân họ lập công về với cách mạng.

Làm tốt công tác dân vận, ta đã liên tục giành thắng lợi trong cuộc chiến giữ đất, giành dân: nhân dân giữ vững tinh thần đấu tranh đã góp phần cùng lực lượng vũ trang chiến thắng chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13, đã làm cho Mỹ-ngụy Sài Gòn thiệt hại nặng nề, góp phần quan trọng vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.   

Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô là dịp để chúng ta ôn lại lời dạy của Bác Hồ “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, tập trung làm tốt công tác dân vận, huy động sức mạnh toàn dân – yếu tố quan trọng quyết định chiến thắng của cách mạng Việt Nam.

Những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn sâu sắc về công tác dân vận được rút ra từ chiến thắng chốt chặn Tàu Ô là:

Thứ nhất, lực lượng nhân dân có sức mạng rất to lớn, làm tốt công tác dân vận để dựa vào dân, tổ chức, phát động, lãnh đạo nhân dân tạo ra các phong trào quần chúng tích cực, tự giác, liên tục là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi.

Thứ hai, công tác dân vận phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Thứ ba, quan tâm xây dựng, lãnh đạo Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân hoạt động thiết thực, hiệu quả để tập hợp, thu hút được các tầng lớp nhân dân.

Thứ tư, tất cả hệ thống chính trị: Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể phải làm tốt công tác dân vận, phải gần dân, sát dân, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân.

Thứ năm, phải nhận thức sâu sắc về công tác dân vận vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài từ đó có kế hoạch xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. đặc biệt phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vững vàng về chính trị, tư tưởng, có trí tuệ, luôn phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, coi trọng việc lựa chọn những cán bộ trưởng thành trong phong trào cách mạng của quần chúng làm công tác dân vận.

Nguồn tin: Ngọc Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây