Dân vận khéo trong tôn giáo góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm - 18/08/2022 11:59 631 0
Xác định công tác dân vận trong đồng bào tín đồ tôn giáo có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, trong những năm qua, quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác, “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện khá hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào tôn giáo. Đồng bào tín đồ tôn giáo ngày càng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thôn, ấp, khu phố không có tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường,…
Lãnh đạo tỉnh biểu dương chức sắc, chức việc tiêu biểu các tôn giáo năm 2022
Lãnh đạo tỉnh biểu dương chức sắc, chức việc tiêu biểu các tôn giáo năm 2022
Bình Phước có dân số hơn 1 triệu người, trong đó đồng bào tín đồ các tôn giáo chiếm hơn 24% dân số; hiện có 09 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, với 243.855 tín đồ, 367 chức sắc, 2.177 chức việc tôn giáo, 366 cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, tỉnh còn có đường biên giới dài 260,4 km giáp với Vương quốc Campuchia và nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, công tác dân vận khéo trong đồng bào tôn giáo được cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp thường xuyên quan tâm và thực hiện hiệu quả.

Để làm tốt công tác dân vận khéo trong đồng bào tôn giáo, tỉnh đã quán triệt sâu sắc đến mọi cán bộ, đảng viên, công chức làm công tác tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận khéo trong đồng bào tôn giáo.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy về công tác dân vận, công tác tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, ban, ngành, địa phương tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống của đồng bào tín đồ tôn giáo; giới thiệu một số chức sắc lãnh đạo tiêu biểu trong các tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, tham gia làm thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, phát triển đoàn viên, hội viên làm hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Binh đoàn 16 và các ngành liên quan ra quân làm công tác dân vận, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương; tham mưu tổ chức họp mặt chức sắc, chức việc các tôn giáo đầu năm; tổ chức thăm, chúc mừng nhân dịp lễ trọng của các tôn giáo; mở các lớp cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho chức sắc, chức việc, đồng bào tín đồ tôn giáo.

Đồng bào tôn giáo ngày càng tích cực tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước như: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh, bảo vệ môi trường; cùng với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương. Triển khai xây dựng mô hình dân vận khéo “Vận động tín đồ tôn giáo thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, lễ hội và cam kết thực hiện tốt an ninh trật tự, không vi phạm tệ nạn xã hội”. Phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong vùng đồng bào tôn giáo tham gia thực hiện phong trào và vận động đồng bào tín đồ thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình tự quản như: "Bình yên vùng giáo", "Giáo xứ họ đạo Công giáo không có tội phạm, không ma túy và tệ nạn xã hội"... Từ sự bảo đảm về an ninh trật tự đã tạo điều kiện để nhân dân yên tâm lao động sản xuất, giảm nghèo.

Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức tôn giáo luôn chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh và các ngành liên quan về việc không sinh hoạt tôn giáo tập trung, đặc biệt là việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch do cơ quan y tế khuyến cáo; các tổ chức tôn giáo đã vận động, quyên góp ủng hộ công tác phòng chống dịch, góp phần vào thành công của tỉnh trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Năm 2020, phối hợp với Ban đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng 16 giếng nước sinh hoạt, trị giá 660 triệu đồng; hỗ trợ học bổng 192 triệu đồng; xây dựng 3 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 180 triệu đồng. Các tổ chức tôn giáo thăm, tặng quà tết cho hộ nghèo được 12.389 phần quà, trị giá 3tỷ 618.400.000 đồng.

Năm 2021, nhân dịp tết Nguyên đán Tân Sửu, các tổ chức tôn giáo tham gia cùng với chính quyền vận động quà để chăm lo tết cho người nghèo. Kết quả các tổ chức tôn giáo đã vận động được 12.330 phần quà, trị giá 3 tỷ 669,5 triệu đồng. Hưởng ứng lời phát động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ 30 tỷ 189,076 triệu đồng để xây dựng nhà đại đoàn kết, khoan giếng, làm cột điện, ủng hộ học bỗng cho học sinh nghèo, tổ chức các bếp ăn tình thương,…

Các ngành chức năng đã đề nghị Trung ương, Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các vị chức sắc, chức việc có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác an sinh xã hội và công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Kết quả, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh được khen thưởng Huân chương lao động hạng ba; Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 03 tập thể và 02 cá nhân; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho 16 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid – 19.

Những kết quả nêu trên đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận của đồng bào tín đồ tôn giáo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định các mặt đời sống của nhân dân, của đồng bào tôn giáo.

Hiện nay, công tác “dân vận khéo” không còn là của một ngành, một lĩnh vực mà là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, do cấp ủy đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo; trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, những người mang sứ mệnh “phụng sự nhân dân” và sự đồng lòng của nhân dân, của đồng bào tôn giáo để tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nước phải lấy dân làm gốc, lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Phong trào “Dân vận khéo” tiếp tục thực hiện gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua yêu nước đi vào chiều sâu, thiết thực và đạt hiệu quả cao hơn trong đồng bào tôn giáo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà.

Nguồn tin: Ngọc Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây