MỘT SỐ GƯƠNG ĐIỂN HÌNH NÔNG DÂN LÀ ĐỒNG BÀO DTTS LÀM KINH TẾ GIỎI

Thứ ba - 16/08/2022 10:02 497 0
Trong thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã vận động hội viên và bà con nông dân nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều gương điển hình nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số có các mô hình sản xuất, kinh doanh hộ gia đình và hợp tác xã nổi trội đó là những bó hoa thơm, những điển hình tiên tiến, tiêu biểu, mạnh dạn đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất, với ý chí quyết vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu trở thành những hộ gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục khó khăn sản xuất - kinh doanh giỏi.
Ông Lâm Út Le xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh báo cáo tham luận  tại hội nghị biểu dương nông dân là DTTS làm kinh tế giỏi năm 2022
Ông Lâm Út Le xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh báo cáo tham luận tại hội nghị biểu dương nông dân là DTTS làm kinh tế giỏi năm 2022
Đó là hộ ông Lâm Út Le, thuộc ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh.  Năm 2005, gia đình ông lập nghiệp tại ấp Tà Thiết, lúc đầu được cha mẹ cho 01ha đất, gia đình ông đã cải tạo và trồng cây cao su và một số cây hoa màu ngắn ngày khác. Trong thời gian chờ thu hoạch cao su, ông cùng vợ đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập và có chi phí chăm sóc cao su. Cuộc sống ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm không chịu số phận nghèo khổ, vợ chồng ông đã chắt chiu, dành dụm, lấy ngắn nuôi dài. Vợ chồng ông mua thêm đất và tiếp tục đầu tư trồng Cao su và cây Hồ tiêu. Ban đầu ông chưa có kinh nghiệm về cây trồng, vật nuôi nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chọn các loại cây trồng cho phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương, cũng như việc áp dụng khoa học kỹ thuật như thế nào để nâng cao năng xuất và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Chính vì vậy mà gia đình ông phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ bà con làng xóm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu, cà phê....

Ngoài việc phát triển kinh tế tại hộ gia đình, trong những năm qua ông cũng thường xuyên tham gia sinh hoạt tại Chi hội nông dân ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, bản thân ông và gia đình ông luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được chính quyền địa phương tin tưởng, người dân tín nhiệm. Ông được bầu làm phó Ban điều hành ấp Tà Thiết, từ năm 2019, ông phụ trách công an viên kiêm Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Tà Thiết đến nay. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bên công an viên phải trực nhiều nhất tại các chốt phòng, chống Covid-19, khu cách ly dân sự của xã. Tuy nhiên ông cũng cố gắng sắp xếp thời gian trong công tác hội và phong trào nông dân của địa phương. Qua sinh hoạt và tham gia các hoạt động phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động, ông thấy tâm đắc nhất “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.


Nhận thấy, đây là phong trào rất thiết thực đối với người nông dân, là điều kiện để được tham gia học tập kinh nghiệm, được các cấp quan tâm hỗ trợ vì vậy nên ông mạnh dạn đăng ký tham gia. Ông thường xuyên được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi những mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn huyện và được tham gia nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của các ngành tổ chức và từ đó ông đem áp dụng vào trong việc sản xuất của gia đình. Do vậy kinh tế của gia đình ông ngày càng ổn định và phát triển, đến nay gia đình ông đã mua được 15 ha đất và trồng các loại cây như cao su, tiêu. Trong đó 8 ha cao su đang thu hoạch và cho thu nhập khoảng 600 triệu/ năm và 0,5 ha tiêu cho thu nhập 200 triệu/ năm. Hiện nay, gia đình ông có thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí, trung bình thu nhập 200 triệu đồng/khẩu/năm. Ông đã tạo điều kiện để tạo công ăn việc làm cho 10 lao động tại địa phương, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với mức thu nhập bình quân 5.000.000đ/tháng. Giúp đỡ trên 15 hộ khó khăn về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giống, để phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi cho 02 hộ nghèo trên 25.000.000 đồng có điều kiện sản xuất. Trong công tác từ thiện nhân đạo, năm nay, gia đình cũng đã tặng 14 phần quà cho các hộ dân khó khăn, tổng trị giá 5.600.000 đồng. Ông và gia đình đồng thuận, luôn tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con tham gia. Hỗ trợ 12.000.000đ để xây dựng và làm đường giao thông ở địa phương.

Hoạt động tốt trong sản xuất, kinh doanh; năng động, sáng tạo trong hoạt động Hội

Đó là hộ ông Điểu Hùng - đồng bào dân tộc S’tiêng, thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng. Nơi đây đa số là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng, điều kiện kinh tế và mức sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, kiến thức làm ăn phát triển kinh tế gia đình chưa được ổn định, cuộc sống còn hạn chế. Bà con nông dân chủ yếu là làm nông, rẫy vườn xâm canh các xã giáp ranh Nghĩa Bình, đi làm xa nhà. Ban đầu do chưa biết áp dung những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên ông và gia đình còn gặp nhiểu khó khăn, cây trồng bị chết và bị sâu bị phá, hư hại khá nhiều. Được sự quan tâm chỉ đạo của Chi bộ thôn Bình Lợi, Ban chấp hành Hội nông dân xã Nghĩa Bình, bên cạnh đó ông và gia đình luôn cố gắng, nỗ lực lao động, chủ động nắm bắt các kiến thức, tìm tòi nghiên cứu học tập ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng xuất cây trồng, qua đó ổn định và ngày càng nâng cao điều kiện cuộc sống của gia đình.

Ông Điểu Hùng - Thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng báo cáo
tham luận tại hội nghị biểu dương nông dân là DTTS làm kinh tế giỏi năm 2022

Với mô hình sản xuất gia đình có tổng diện tích 6ha trồng điều, cà phê, cao su và chạy xe dịch vụ. Bình quân hằng tháng thu nhập sau khi trừ chi phí đạt từ 20.000.000đ/người/ tháng. Từ năm 2008 đến năm 2021 gia đình ông luôn đạt danh hiệu hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Huyện. Là một công dân gương mẫu, cùng với những thành tựu triển kinh tế gia đình, ông đã được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thô Bình Lợi. Trải qua nhiều năm công tác, ông tự đúc rút kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật các thông tin trên trang mạng, tự học hỏi thêm về các kiến thức liên quan đến nông dân, nông nghiệp; luôn quan tâm và hiểu được tâm tư nguyện vọng của hội viên. Ông đã chủ động tham mưu với chi bộ và hội cấp trên nhiều phương án hoạt động mới, hiệu quả.

Ông thường xuyên phối hợp với Hội nông dân xã tổ chức chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho hội viên nông dân. Riêng ông đã tận tụy phổ biến kiến thức cho 50 lao động xung quanh lối xóm. Bà con không mạnh dạn áp dụng đầu tư phân bón vào cây trồng thì ông mạnh dạn đề nghị cửa hàng phân bón hỗ trợ đầu tư cho nông dân mua chịu phân bón 3 đến 5 bao để đầu tư từ đó thấy có hiệu quả nông dân mới tiếp tục đầu tư theo. Trong thời gian qua, để tạo điều kiện hội viên phát triển kinh tế, ông đã vận động xây dựng tổ hợp tác sản xuất, vận động nguồn vốn đóng góp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ nông dân mua vật tư. Tổ hợp tác sản xuất đến nay có 40 thành viên tham gia, tổng số vốn lên 1 tỷ đồng, hỗ trợ cho 37 hộ hội viên khó khăn vay với lãi xuất thấp dùng để mua phân bón chăm sóc cây trồng. Ông luôn tích cực tham gia các phong trào và ủng hộ kinh phí tham gia các phúc lợi xã hội tại địa phương do thôn xóm phát động. Lấy các hình ảnh điển hình làm tốt của các địa phương của bạn về kể chuyện cho hội viên biết và vận động hội viên thực hiện, từ đó vận động Làm mới đường đèn chiếu sáng tại sóc 28 và đường quốc lộ 14 với số tiền 157.350.000đ làm được 143 trụ đèn điện.

Vận động làm chốt dân quân với số tiền 3.000.000đ, sửa nhà văn hóa với số tiền 22.000.000đ làm mới 600m đường. Bên cạnh đó, ông và gia đình phát huy tinh thần “Tương thân tương ái” “Lá lá lành đùm lá rách”, hàng năm gia đình ông thường xuyên giải quyết và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho hơn 10 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân mỗi lao động 4 triệu/tháng, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho hơn 30 hội viên; cho bà con, hội viên trong thôn mượn 50.000.000đ (không tính lãi) để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Ông thường xuyên thăm hỏi động viên các tổ hội, hội viên lúc khó khăn để các tổ hội tích cực tham gia hoạt động; huy động hội viên góp ngày công lao động chặt cây sửa nhà cho hộ hội viên nghèo Điểu Krá, giúp đỡ một cái chân sắt, một cái bồn đựng nước 1.000 lít, trị giá 3.000.000đ (ba triệu đồng) cho hộ Điểu Thành, vận động sửa nhà cho hộ nghèo 3.000.000đ; Vận động hội viên góp 450kg gạo và 1.000.000đ (một triệu đồng) cho hộ ông Điểu Cui lúc ốm đau; vận động hội viên tổ chức ma chay cho các gia đình hội viên lúc gặp khó khăn. Vận động hội viên cùng nhau giúp đỡ ngày công sửa chữa nhà ở được 87 ngày công, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác đổi công lao động giúp gia đình này đến gia đình khác. Hướng dẫn xin việc làm tại các công ty, đến nay đã có trên 30 hộ gia đình và con em hội viên có việc làm ổn định tại các khu công nghiệp, công ty có thu nhập từ 5 đến 9 triệu đồng/tháng góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Gương mẫu, đi đầu phong trào nông dân thi đua lao động sản xuất giỏi

Hộ ông Điểu Chính - Trưởng thôn Phú Bình, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng. Ông là người con dân tộc S’tiêng sinh ra và lớn lên tại quê hương Phú Riềng, Bình Phước. Tuy nhiên với nỗ lực của bản thân cùng với sự ham tìm tòi học hỏi, ông đã không lùi bước trước khó khăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Ông Điểu Chính – Trưởng thôn Phú Bình, xã Phú Riềng,
huyện Phú Riềng báo cáo tham luận tại buổi tuyên dương
Từ hai bàn tay trắng, ban đầu ông khai phá được 3ha đất rẫy, trồng rau, đậu, sắn, các loại cây ngắn ngày. Sau 02 năm ông nhận thấy việc trồng cây ngắn ngày chưa mang lại hiệu quả, ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi thêm heo, bò để tăng thêm thu nhập. Từ những thành quả ban đầu đạt được, ông tích lũy vốn mua thêm rẫy để trồng thêm điều và cao su. Nhận thấy hiệu quả và năng suất từ cây công nghiệp dài ngày mang lại là rất lớn, kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi với việc lấy ngắn nuôi dài, áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả, giảm chi phí, tăng năng suất nên cuộc sống gia đình ngày một cải thiện hơn.

Trong quá trình lập nghiệp, ông luôn tìm tòi học hỏi và tham gia công tác xã hội để có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất. phong trào, hoạt động. Từ năm 2008 đến nay ông được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ là thôn trưởng thôn Phú Bình. Trong suốt quá trình đảm nhận nhiệm vụ, ông luôn gương mẫu đi đầu, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, đưa kiến thức, khoa học kỹ thuật, quyền lợi, chế độ và chia sẻ kinh nghiệm mà bản thân học hỏi được với hội viên và nông dân trong thôn, xã. Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, ông luôn tích cực trong công tác hội và phong trào nông dân. Hàng năm gia đình ông cùng với các hội viên Nông dân xã tham gia hướng dẫn phổ biến kiến thức kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho hơn 100 lao động trong và ngoài xã; Tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 05 lao động trong thôn với mức lương 06 triệu đồng/người/tháng và giúp đỡ có hiệu quả 3 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh; Tham gia dạy nghề cho hơn 20 lao động nông thôn về kỹ thuật ghép cải tạo điều và chăm sóc, phòng trị bệnh trên cây trồng.

Gia đình ông cũng thường xuyên tham gia đóng góp, xây dựng các nguồn quỹ và quỹ Hỗ trợ nông dân hàng năm, đến nay lên tới hơn 30 triệu đồng. Tạo điều kiện cho chi hội vay không tính lãi nguồn vốn xoay vòng 30 triệu đồng giúp cho hội viên khó khăn vay phát triển sản xuất; tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng qua đây đã góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới trên địa bàn ngày càng khang trang hơn.
 

Nguồn tin: Lâm Á Rịa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây