“DÂN VẬN KHÉO” TRONG XỬ LÝ TÌNH HUỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG GIÚP HẠ NHIỆT ĐIỂM NÓNG
Thứ ba - 16/08/2022 10:421.4820
Tình huống công tác dân vận của Đảng là những sự kiện, biến cố diễn ra không bình thường, gay gắt, phức tạp trong quá trình tiến hành công tác dân vận của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng viên, kể cả việc chính quyền, các đoàn thể nhân dân tiến hành công tác dân vận dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Các sự kiện, biến cố đó có tác động gây hậu quả lớn đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, cản trở đến việc tập hợp nhân dân thành lực lượng to lớn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; giải quyết nó đạt kết quả phải bằng những biện pháp đặc biệt, nhưng hiệu quả nhất vẫn là “Dân vận khéo” trong xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng.
1. Đặc điểm tình huống công tác dân vận
- Tình huống công tác dân vận của Đảng thường xuất hiện khi các cấp ủy, chính quyền đề ra và triển khai các chủ trương, chính sách mới liên quan đến cuộc sống của đông đảo người dân.
- Thường xuất hiện trong các hoạt động chống lại các hoạt động lôi kéo, giành giật quần chúng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.
- Thường phát triển rất nhanh từ sự liên quan đến một số người lan rộng ra nhiều người, dễ dẫn đến khiếu kiện đông người vượt cấp gây phức tạp về chính trị, an ninh trật tự và dễ phát triển thành “điểm nóng”.
- Luôn gắn liền với vấn đề tư tưởng, nhiều trường hợp gắn chặt với tình huống công tác tư tưởng của Đảng, thậm chí trở thành các biểu hiện và sự phát triển cao hơn của tình huống công tác tư tưởng của Đảng.
2. Nguyên tắc xử lý
- Xử lý tình huống công tác dân vận phải nhằm mục đích góp phần tạo nên sự thống nhất về tư tưởng chính trị, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh thăm tặng quà hộ nghèo tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp
Đây là mục đích cao cả của xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng và là nguyên tắc quan trọng hàng đầu của công việc này. Mọi quyết định, mọi hoạt động của cấp ủy, của cán bộ khi xử lý công tác dân vận đều phải đặt lên hàng đầu mục tiêu này; đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Các biểu hiện vì lợi ích cá nhân, cục bộ, để cho ý muốn chủ quan chi phối khi xử lý tình huống cần được lên án và đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng, thậm chí phải thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật nhà nước một cách thỏa đáng, nghiêm minh và kịp thời.
- Xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những quan điểm của Đảng chỉ đạo công tác dân vận, nhận thức sâu sắc những đặc điểm của tình huống công tác dân vận .
Đây là cơ sở quan trọng nhất đảm bảo cho việc xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng đúng hướng theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đạt hiệu quả. Đặc biệt là những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác dân vận cần được quán triệt và vận dụng tốt trong từng tình huống cụ thể; đồng thời, muốn đạt hiệu quả phải nghiên cứu, nắm chắc điểm chủ yếu của tình huống .
- Xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng là công việc của Đảng, diễn ra trong nội bộ nhân dân nên phải đặc biệt coi trọng phương pháp tiến hành công việc của Đảng và phương pháp công tác dân vận của Đảng, đó là tuyên truyền, vận động; hết sức hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh và vũ lực.
- Xử lý tình huống công tác dân vận của Đảng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị các cấp là lực lượng quyết định, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nòng cốt là ban dân vận cấp ủy và các đoàn thể nhân dân.
Là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, lãnh đạo tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, chịu trách nhiệm về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Mọi sự việc diễn ra trên địa bàn, trách nhiệm giải quyết thuộc về cấp ủy, tổ chức Đảng. Cấp ủy phải lãnh đạo các hoạt động đó. Chú trọng vai trò của các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động, giáo dục, cảm hóa các đoàn viên, hội viên của mình. Tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới…tạo sự đồng thuận và tích cực của nhân dân tham gia các nhiệm vụ chính trị của địa phương./.