Quy định số 144-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

Thứ ba - 21/05/2024 22:58 245 0
Ngày 9-5-2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định 144), gồm 6 điều với 21 điểm, quy định cụ thể các yêu cầu, tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên.
1
Quang cảnh tại lớp Bồi dưỡng Nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng do Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước tổ chức

Đây là một trong những văn kiện thể hiện tầm tư duy mới, đánh dấu bước phát triển cao trong nhận thức và hành động của Đảng...

Bước phát triển cao trong nhận thức và hành động
Văn kiện trên không đơn thuần là sự cập nhật quan điểm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, mà còn là sự phát triển, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Đây cũng sẽ là căn cứ chính trị để chuẩn bị tốt công tác nhân sự phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Tình hình mới ở đây được hiểu là: Trước bối cảnh thế giới và trong nước đan xen thời cơ và thách thức, đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải vươn tầm hơn nữa, vững tay lái, đưa con thuyền cách mạng bứt tốc ở chặng đường nước rút, hướng tới thực hiện thắng lợi 2 mục tiêu thế kỷ của cách mạng Việt Nam vào giữa thế kỷ XXI.

Trong cuốn "Đường Kách mệnh" (xuất bản năm 1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt “Tư cách một người cách mệnh” lên hàng đầu, văn phong hết sức cô đọng, ngắn gọn, súc tích, thể hiện yêu cầu bắt buộc đối với người cách mạng. “Tư cách một người cách mệnh” không phủ nhận cái tôi trong cái chung mà là đặt lợi ích cá nhân lùi lại phía sau lợi ích cách mạng, biết hy sinh lợi ích riêng cho mục tiêu tối thượng của Đảng, của cách mạng là đấu tranh mang lại độc lập cho dân tộc, giành lại quyền sống cho đồng bào bị áp bức, làm cho nước nhà phồn vinh, làm cho nhân dân được tự do, hạnh phúc.

Luận cương chính trị tháng 10-1930 của Đảng đã chỉ rõ: “Ðiều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Ðông Dương là cần phải có một đảng cộng sản có đường lối chính trị đúng, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành”. Cương lĩnh năm 1991 tiếp tục khẳng định: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”. Cương lĩnh năm 1991 được bổ sung và phát triển năm 2011 làm sâu sắc hơn sự xuyên suốt quan điểm coi vai trò lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của Đảng thuộc về tính liêm khiết, phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên: “Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên”.

Các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng (nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII), các quy định có tính nguyên tắc chính trị về rèn luyện, bảo vệ tư cách đạo đức cán bộ, đảng viên đều toát lên giá trị cốt lõi là làm cho Đảng ta giữ mãi được sức hút chính trị bởi đạo đức cao đẹp của người cộng sản...

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã và đang tiến hành càng chứng tỏ Đảng ta không sợ khuyết điểm, không che giấu, bao biện khuyết điểm mà luôn thực lòng quyết tâm sửa chữa khuyết điểm để không ngừng hoàn thiện bản thân đảng viên, làm lành mạnh tổ chức chính trị ở ngôi vị lãnh đạo tối cao cách mạng Việt Nam.

Thông điệp tới từng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên
Cho đến nay, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cao nhất là Điều lệ Đảng, tới quy định những điều đảng viên không được làm; quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên; quy định chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên... Các văn bản đó đều nhất quán tính cương quyết cách mạng của Đảng, tuyệt đối giữ sự trung thành với cách mạng, với Tổ quốc và nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bồi đắp đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên càng có ý nghĩa sâu sắc hơn bao giờ hết. Quy định 144 của Bộ Chính trị được ban hành vào thời điểm này gửi thông điệp tới hơn 5,3 triệu đảng viên và gần 52 nghìn tổ chức cơ sở Đảng một sự cảnh tỉnh: Nếu như ai đó không còn sự trong sáng cách mạng thì không nên đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Điều này càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn khi mà Đảng đúc rút kinh nghiệm qua 94 năm lãnh đạo cách mạng nước nhà, nhất là gần 40 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới có tính lịch sử. Đó là, nếu như không siết chặt kỷ cương từ trong nhận thức và hành động thì uy tín của Đảng sẽ mai một, không còn được lòng dân tin yêu nữa, lúc đó khó tránh khỏi “cơ đồ đắm biển sâu”. Bài học cay đắng, đau xót của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu hơn 30 năm trước cho đến nay vẫn còn nóng bỏng...

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới là lẽ tự nhiên, trong đó phản ánh quy luật sinh tồn của một dân tộc giàu truyền thống văn hóa, lấy đạo đức làm cái gốc, lấy trí tuệ làm đòn bẩy sức mạnh tự lực, tự cường để chế ngự thiên nhiên và cải biến xã hội, lấy muôn dân làm đối tượng phụng sự. Tín nhiệm và thanh danh đều phải dựa vào sự hài lòng của nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước, sự khâm phục của bạn bè thế giới. Khát vọng dân tộc có thành hiện thực hay không, trước hết phải dựa vào sức mạnh ý chí tự lực, tự cường từ mỗi cán bộ, đảng viên, qua đó truyền cảm hứng cách mạng, lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Nguồn tin: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây