Để hoàn thành các nhiệm vụ công tác trong năm 2023 đề ra, Hội Chữ thập đỏ các cấp (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) đã chủ động tham mưu, đề xuất và phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai đúng tiến độ, thời gian, nội dung, yêu cầu theo kế hoạch Ban Chỉ đạo đề ra. Các cơ quan, tổ chức thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã tích cực hưởng ứng, chỉ đạo triển khai Cuộc vận động. Công tác quản lý đối tượng và phối hợp tổ chức triển khai trợ giúp ngày càng chặt chẽ, giảm chồng chéo; các đối tượng được ưu tiên trợ giúp đều được thực hiện theo quy trình bình chọn công khai, dân chủ, đúng tiêu chí. Công tác điều tra khảo sát, xác định đối tượng đảm bảo chính xác, kịp thời theo hướng dẫn số 16-HD/BCĐ ngày 10/5/2019 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã phối hợp với các tổ chức, hội đoàn thể lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp để vận động hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quý hoặc năm; đồng thời kêu gọi sự đồng hành, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm tham gia đóng góp kinh phí, vật chất để chăm lo cho đối tượng các đối tượng theo tiêu chí của Cuộc vận động.
Hội Chữ thập đỏ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị 43-CT/TW, Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nhân đạo đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng, Hội Chữ thập đỏ các cấp về công tác nhân đạo; phát huy tính gương mẫu, tích cực của cán bộ, đảng viên trong thực hiện Cuộc vận động; tích cực tuyên truyền, cổ vũ gương “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”,.. nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động nhân đạo gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo, Đài PTTH tỉnh, Đài Truyền thanh địa phương và thường xuyên đưa tin trên cổng thông tin điện tử và bản tin nội bộ Hội Chữ thập đỏ; tuyên truyền thông qua hội thi, biểu diễn văn nghệ...; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức Hội và mặt trận đoàn thể; đăng tải phóng sự, bài viết về các mảnh đời khó khăn, bất hạnh trên chuyên mục nhân đạo để thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tập thể, cá nhân, tạo phong trào thi đua làm việc thiện trong toàn xã hội.
Với vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu triển khai thực hiện Cuộc vận động, trong năm qua các cấp Hội Chữ Thập Đỏ toàn tỉnh đã vận động trợ giúp thường xuyên là 1.943 địa chỉ nhân; xây tặng 33 căn nhà Chữ thập đỏ, sửa chữa 09 căn nhà ở; tặng 93 chiếc xe lăn, xe lắc, xe đạp; tặng 1.684 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học..... Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã giúp đỡ 4.433 đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác, với tổng trị giá quy ra tiền trên 15 tỷ 800 triệu đồng. App Thiện nguyện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước tài khoản 4 số minh bạch (số tài khoản 9305 tại Ngân hàng Quân đội MB Bank) chính thức vận hành từ tháng 7 năm 2023 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai, đến thời điểm hiện tại đã kết nối kêu gọi hỗ trợ 44 địa chỉ nhân đạo, App đã được các cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ trên 170 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã giải ngân số tiền 106 triệu 900 ngàn đồng trao hỗ trợ 25 địa chỉ nhân đạo sau khi kết thúc chiến dịch.
Ngoài ra, Hội quản lý và phối hợp duy trì có hiệu quả các mô hình, chương trình, dự án thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương, tiêu biểu gồm: Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ vùng biên giới tại xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp và xã Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập từ Chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Chương trình dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”; dự án chăm sóc cây cao su non tại xã Quang Minh, xã Minh Lập thị xã Chơn Thành; Dự án Ngân hàng bò hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn phục hồi sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo; Bếp cơm tình thương tại bệnh viện đa khoa tỉnh và bếp cơm tình thương tại các trường học và bệnh viện các huyện, thị xã, thành phố đã khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động, hỗ trợ hàng trăm ngàn suất cơm, cháo, nước sôi miễn phí cho bệnh nhân và các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh tại địa phương.
Bên cạnh đó các tổ chức thành viên như Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LHPN, Tỉnh Đoàn đã tích cực chỉ đạo hệ thống ngành phối hợp với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội liên quan thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động. Kết quả, đã giúp đỡ trên 30.000 đối tượng, tổng trị giá trên 27 tỷ 400 triệu đồng, trong đó: trợ giúp thường xuyên 935 địa chỉ nhân đạo; xây tặng 77 căn nhà ở; nhận đỡ đầu 508 trẻ em mồ côi; tặng 354 suất học bổng; trao 40 sổ tiết kiệm; tặng 117 chiếc xe lăn/xe đạp; tặng 163.400 thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ trên 9.000 cây giống, trên 7.000 con giống, trên 4.000 ngày công lao động, các hoạt động hỗ trợ khác cho trên 27.000 người.
Để tiếp tục thực hiện tốt và phát huy những kết kết quả đạt được năm 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”tỉnh đề một số phương hướng thực hiện tốt cuộc vận động năm 2024:
Một là, tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 28-CT/TU về việc Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” gắn với việc thực hiện phong trào “Người tốt, viêc thiện - Chung tay xây dựng cộng đồng nhân ái” nhằm góp phần xây dựng lối sống, lối ứng xử nhân văn, giàu tình thương và trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác nhân đạo gắn liền với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ giữa Hội Chữ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của Cuộc vận động. Từ đó, thu hút các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, cùng đồng hành hỗ trợ các đối tượng khó khăn một cách thiết thực, hiệu quả. Trợ giúp trực tiếp, kịp thời và thiết thực giúp các đối tượng đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng, góp phần thúc đẩy phong trào "Người tốt việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" trong tỉnh.
Ba là, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ từ cấp cơ sở, góp phần thực hiện và phát huy “vai trò nòng cốt” của Hội Chữ thập đỏ trong các hoạt động nhân đạo. Cuộc vận động triển khai theo phuơng châm tổ chức, cá nhân hỗ trợ cụ thể, các nhóm đối tượng cụ thể theo hướng phát triển bền vững do Hội Chữ thập đỏ giữ vai trò cầu nối, điều phối, kết nối, trọng tâm là hoạt động trợ giúp thường xuyên địa chỉ nhân đạo, kết hợp các hình thức trợ giúp thiết thực, đặc biệt quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Trợ giúp về nhà ở, vốn phát triển sản xuất, phương tiện sinh kế, ngày công lao động; Hỗ trợ chữa trị, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe thể chất,…Tư vấn tâm lý, tinh thần và trợ giúp pháp lý…Hỗ trợ học bổng, phương tiện, dụng cụ học tập…