Bình Phước: Kết quả bước đầu triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thứ ba - 06/02/2024 10:335530
Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh triển khai sâu rộng và tạo được những chuyển biến tích cực. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở được xây dựng, hoàn thiện; chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao, đã có tác động tích cực, tạo đồng thuận và phát huy được trí tuệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau khi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 (Luật số 10/2022/QH15); Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 về thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, cụ thể: Kế hoạch số 191-KH/UBND ngày 12/6/2023 về triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Kế hoạch 253/UBND-NC ngày 03/8/2023 về tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn chuyên sâu Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Công văn số 3689/UBND-NC ngày 18/10/2023 về việc triển khai Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 31/2023/NQ-HĐND về quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, thông qua vào ngày 08/12/2023.
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua hội nghị đã giúp các đại biểu tham dự nắm được tầm quan trọng, sự cần thiết của Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Theo đó, Luật thực hiện dân chủ cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 10/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật thực hiện dân chủ cơ sở có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, là cơ sở vững chắc cho thực hành và phát huy quyền làm chủ, vai trò tự quản của Nhân dân. Luật đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Luật không chỉ thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn mà còn điều chỉnh đến dân chủ trong cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động. Hội nghị cũng đã trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức nắm rõ những quy định của pháp luật, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, đơn vị.
Sở Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thông qua Hội nghị này, đã làm nổi bật một số điểm mới của Luật, đồng thời triển khai một số nội dung Nghị định số 59/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; nêu bật những nội dung Nghị quyết số 31/2023/NQ-HĐND về quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào ngày 08/12/2023.
Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15) là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chủ trương; chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 là “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân”; “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Đồng thời, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 theo tinh thần đề cao quyền làm chủ của Nhân dân như: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” quy định tại Điều 6; “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” quy định tại Khoản 1, Điều 28; “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” quy định tại Khoản 2, Điều 28. Tại Điều 14 khẳng định nguyên tắc: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”…
Để góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tạo cơ sở cho việc triển khai hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đồng thời phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật không còn hiệu lực khi Luật có hiệu lực từ 01/7/2023; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị cho phù hợp với quy định mới của Luật và các văn bản liên quan; triển khai, thực tốt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về các biện pháp thực hiện hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; việcphát huy dân chủ gắn với nâng cao dân trí, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cần phải được nâng lên ở các cấp, các ngành thông qua việc công khai, minh bạch, trách nhiệm, cải cách hành chính, công tác tiếp công dân, đối thoại, xử lý đơn thư, tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…góp phần tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.