ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI NÔNG DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2023-2028

Thứ ba - 01/08/2023 22:50 197 0
Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là ngày hội của cán bộ, hội viên nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam họp thông qua Dự thảo Văn kiện  Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam họp thông qua Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 dự kiến tổ chức từ ngày 17-18/8/2023. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đại hội được sâu rộng và có sức lan tỏa đến các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp biên soạn đề cương tuyên truyền về Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 với những nội dung cụ thể như sau:
I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA GIAI CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam
- Quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân:
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước và trải nghiệm thực tiễn cách mạng đã giúp Người hiểu và khẳng định rằng vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam thực chất là vấn đề nông dân. Nông dân vừa là động lực, vừa là lực lượng đông đảo, nòng cốt, và cũng là đối tượng vận động của cách mạng.

+ Ngay từ những năm tháng hoạt động cách mạng đầu tiên, Người đã chú ý tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề nông dân. Những bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ nhất (10/1923); các bài viết về Tình cảnh nông dân An Nam, Tình cảnh nông dân Trung Quốc, Nông dân Bắc Phi (1924); và phát biểu tại Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (7/1924)... đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của Người về giai cấp nông dân, đồng thời khái quát, chỉ rõ lực lượng đông đảo, sức mạnh to lớn, vị trí, vai trò quan trọng của nông dân trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Người nói rõ trong Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất: “Tôi phải nhắc lại với các đồng chí rằng Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí đều tham gia Quốc tế của các đồng chí”.

- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác vận động nông dân:
+ Trong Cương lĩnh chính trị tháng 2-1930, Người xác định: Đảng phải lôi cuốn đại đa số dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, lãnh đạo họ làm cách mạng. Và, để phát huy được lực lượng, vai trò, sức mạnh to lớn của nông dân thì công tác nông vận hết sức quan trọng, “Nông vận là phải: Tổ chức nông dân thật chặt chẽ. Đoàn kết nông dân thật khăng khít. Huấn luyện nông dân thật giác ngộ. Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, Tổ quốc”... Và vận động nông dân là phải: “Vận thế nào cho toàn thể nông dân động, nghĩa là: làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình; làm cho nông dân vào Hội Nông dân cứu quốc cho đông để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc”. Đó là tư tưởng, đường lối, phương châm về công tác nông vận của Hồ Chí Minh, tư tưởng ấy thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người đối với cách mạng Việt Nam, kế thừa truyền thống “lấy dân làm gốc” - cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và “công nông là gốc cách mạng”.

+ Theo Hồ Chí Minh, có phát huy được sức mạnh, lực lượng to lớn của nông dân hay không, điều đó phụ thuộc phần lớn vào công tác nông vận. Trong thực tiễn, đã có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân ở các nước thuộc địa, thậm chí ở cả chính quốc gia đi xâm lược, nhưng cuối cùng đều thất bại do thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn đề nghị “Quốc tế cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”. Đảng phải biết vận động, tập hợp, tổ chức và giáo dục, giác ngộ nông dân để họ tự nguyện, hăng hái góp sức mình vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

2. Vị trí, vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam
- Trong những năm tháng lầm than của cả dân tộc, nhân dân ta “một cổ ba tròng”, thì phong trào yêu nước của nông dân là “bà đỡ” cho phong trào công nhân phát triển và là điều kiện thúc đẩy cho Đảng ra đời. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân là lực lượng chủ yếu cùng với các giai cấp khác đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ độc lập dân tộc và giang sơn đất nước.

- Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hơn 80% lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh trên chiến trường là nông dân. Có thể nói, trong những lúc khó khăn nhất, địa bàn nông thôn là ch dựa của cách mạng, là nơi bảo vệ, chở che cái nôi cách mạng; giai cấp nông dân là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền nhân dân còn non trẻ trong những lúc khó khăn nhất.

- Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đảng ta khẳng định: Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân thực chất là cuộc cách mạng của giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng... Đó là đánh giá chính xác nhất, công bằng nhất đối với công lao của giai cấp nông dân.

3. Vị trí, vai trò của giai cấp nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay
- Giai cấp nông dân và kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là 3 nhân tố góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80. Kể từ những năm đầu thập niên 90, sản phẩm nông nghiệp nước ta dần dần chiếm lĩnh và khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế, đặc biệt, xuất khẩu gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản… nhiều năm liền đứng tốp đầu trên thị trường thế giới.

- Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng, là “tiền đề” cho công nghiệp hóa hiện đại hóa trên các lĩnh vực khác thành công. Trong đó, giai cấp nông dân đang là chủ lực quân của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và đang là lực lượng nòng cốt xây dựng nông thôn mới.

- Ngày nay, cuộc cách mạng công nghip lần thứ 4, trong điều kiện hội nhập quốc tế, vị trí của giai cấp nông dân không hề giảm đi mà vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Những năm qua, nhờ tập trung phát triển “nông nghiệp sạch”, “nông nghiệp công nghệ cao”, nông nghiệp nước ta đang chiếm lĩnh và cạnh tranh với nhiều quốc gia trên các thị trường thế giới. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản, hải sản lớn, kim ngạch xuất khẩu cao có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thành công đó trước hết thuộc về giai cấp nông dân.

- Giai cấp nông dân Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn xã hội và chất lượng nguồn nhân lực lao động ở nước ta. Hơn 80% lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong xã hội được cung cấp từ những người nông dân. Mối quan hệ giữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp và chất lượng cuộc sống của dân cư trong xã hội được quyết định một phần rất lớn từ những người nông dân. Hiện nay, địa bàn nông thôn vẫn là thị trường đầy tiềm năng để khai thác các nguồn lực và tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư.

II. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
- Từ năm 1925 đến năm 1929, phong trào đấu tranh của nông dân rộng khắp với số người tham gia rất đông tại các tỉnh, thành phố. Trong đấu tranh, giai cấp nông dân ngày càng trưởng thành. Nhiều tổ chức của nông dân như: hội lợp nhà, hội hiếu hỷ, hội tương tế được nông dân hoặc các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân; nhiều vùng nông thôn đã trở thành “làng Đỏ”.

- Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã ra Nghị quyết về Tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, trong đó nêu rõ: “Phải chỉnh đốn Nông hội lại cho có hệ thống theo điều lệ mới và dự bị việc tổ chức Đông Dương tổng Nông hội. Phải tổ chức đội tự vệ của nông dân”; thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam) và thông qua Điều lệ trong đó nêu rõ mục đích: nhằm thống nhất hết thảy Tổng Nông hội Đông Dương để đấu tranh, bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân để thực hiện cách mạng thổ địa.

- Trong giai đoạn cách mạng 1931-1935, tổ chức Hội Nông dân có tên gọi chung là Nông hội đỏ. Về nhiệm vụ, ngày 20/3/1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội Đỏ; Chỉ thị nêu rõ: Củng cố khối bần, cố nông, đoàn kết với trung nông, rèn luyện vai trò vô sản lãnh đạo nông thôn; Đẩy mạnh việc tổ chức Nông hội làng; tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng; đoàn kết đấu tranh, giương cao khẩu hiệu: chống sưu thuế, địa tô, chống nạn thất nghiệp, chống khủng bố trắng, chống cải lương lừa dối, chống chiến tranh.

- Trong giai đoạn cách mạng 1936 - 1939, tổ chức Hội và nông dân đã tích cực tham gia phòng trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Tháng 3/1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và quyết định đổi tên Nông hội đỏ thành Nông hội. Nông hội có nhiệm vụ thu hút đông đảo nông dân đoàn kết đấu tranh đòi cứu tế nạn đói, giảm tô, giảm tức, cải cách hương thôn, đòi chia lại ruộng đất công, chống sưu cao thuế nặng, phù thu lạm bổ, chống nạn cướp ruộng đất…

- Trong giai đoạn cách mạng 1939 - 1945, tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5/1941 đã thông qua Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Trong đó nêu rõ: chính sách hiện tại của Đảng là chính sách cứu quốc, cho nên mục đích của các hội quần chúng cũng xoay về cứu quốc là cốt yếu. Vì vậy: “Nông hội từ nay gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc Hội”. Tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chủ yếu là: Liên hiệp tất cả hết thảy các hạng nông dân yêu nước để bênh vực quyền lợi hàng ngày cho nông dân và cùng các đoàn thể khác chuẩn bị đánh Pháp, đuổi Nhật giành lại quyền độc lập cho nước Việt Nam.

- Trong giai đoạn cách mạng 1945 - 1954, Việt Nam Nông dân cứu quốc Hội mới chỉ hình thành và hoạt động từ cấp tỉnh trở xuống. Đến cuối năm 1949, Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất họp từ ngày 28/11 đến ngày 07/12/1949 đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau này đổi tên là Ban Liên lạc nông dân toàn quốc). Về nhiệm vụ, đáp ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nông dân cả nước đã đoàn kết, hăng hái tham gia thực hiện cùng một lúc 2 nhiệm vụ chiến lược là Kháng chiến” và “Kiến quốc”.

- Trong giai đoạn cách mạng 1954 - 1975, ở giai đoạn này, nông dân và tổ chức của mình đã tích cực thực hiện xây dựng xã hội chủ nghĩa (ở miền Bắc) và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược (ở miền Nam). Ở miền Nam, tổ chức Hội có tên gọi là Hội Nông dân giải phóng. Đây là hạt nhân chính trị của phong trào và tổ chức nông dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Về nhiệm vụ, hòa chung cùng nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam và tổ chức của nông dân Việt Nam phải cùng một lúc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.

 - Trong giai đoạn cách mạng 1975 - 1986, ngày 25/6/1979 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định tách Ban trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương thành một cơ quan riêng (trước đây nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư. Sau đó, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân trong cả nước với hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở và lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Về nhiệm vụ, tập hợp đoàn kết rộng rãi nông dân lao động, giáo dục vận động nông dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam…

- Giai đoạn từ năm 1986 đến nay, đây là giai đoạn nông dân và tổ chức của mình cùng nhân dân cả nước tập trung thực hiện Đường lối “Đổi mới”, “Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa”, “Hội nhập quốc tế”. Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư đã ra Quyết định số 42-QĐ/TW đổi tên Hội Liên Hiệp nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam và tên gọi này được giữ nguyên cho đến ngày nay.

III. MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO NÔNG DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC NHIỆM KỲ 2018 – 2023
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, chỉ đạo, hướng dẫn của Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ hội viên, nông dân, xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh, đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn do Trung ương Hội phát động đã góp phần vào sự lớn mạnh của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân và tổ chức Hội. Những thành tựu mang lại được thể hiện trên các lĩnh vực sau:

1. Về công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nông dân
 Hội Nông dân các cấp từ tỉnh đến cơ sở tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, hội viên, nông dân thường xuyên, rộng khắp, chất lượng tuyên truyền ngày càng đạt hiệu quả đi vào chiều sâu, kịp thời chuyển tải những chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là những nội dung có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi thiết thực của hội viên, nông dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân được Hội đặc biệt quan tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và vùng đồng bào có đạo, nâng cao ý thức cho bà con nông dân “ Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, đoàn kết tương trợ giúp nhau cùng phát triển, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, thay đổi giống mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất canh tác, góp phần xoá đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc. Đặc biệt thông qua công tác tuyên truyền, chất lượng sinh họat Hội ngày càng nâng lên, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kết quả đã tổ chức được hơn 67.181 cuộc tuyên truyền, đã có 3.354.098 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự.

2. Về tổ chức hoạt động của Hội
Trong những năm qua có những chuyển biến rõ nét. Số hội viên ngày càng tăng từ 38.716 hội viên (năm 1997) đến nay tăng lên 92.750 hội viên (chiếm 70,26%) so với hộ nông nghiệp trong tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 11 huyện, thị, thành Hội, 111 cơ sở Hội, 847 chi Hội, 3.099 tổ Hội. Nhiều mô hình tập hợp nông dân đa dạng phong phú như: Chi, tổ hội nghề nghiệp, tương trợ vốn được phát triển rộng khắp. Hiện có 79 chi hội nghề nghiệp, 301 Tổ hội nghề nghiệp. Hàng trăm cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công tác Hội và công tác vận động nông dân, đội ngũ cán bộ ngày càng được chuẩn hoá theo các quy định của Trung ương và của tỉnh. Tính đến nay đội ngũ cán bộ từ Tỉnh đến Tổ hội có: 11.595 cán bộ (trong đó:Tỉnh Hội: 19 đ/c; huyện, thị, thành Hội có: 230 đ/c; cơ sở hội có: 1.354 đ/c; Chi hội có 3.388 đ/c, Tổ hội có 6.604 đ/c).
Công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên tiếp tục được tập trung thực hiện, các cấp Hội đã tổ chức nhiều Hội thảo chuyên đề về công tác phát triển, nâng cao chất lượng hội viên. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp mới 23.003 hội viên, gắn với cấp và đổi thẻ cho hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 92.750 hội viên, tăng 4.630 hội viên so với đầu nhiệm kỳ. Chất lượng hội viên tiếp tục được nâng cao, đến cuối nhiệm kỳ có 15.760 hội viên nòng cốt, 4.651 hội viên là đảng viên.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ được các cấp Hội quan tâm thực hiện: Phối hợp tổ chức 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội Nông dân cho 270 cán bộ Hội tại tỉnh; cử 56 lượt cán bộ Hội tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ do Trung ương Hội tổ chức; 100% cán bộ chi Hội và cơ sở Hội được tham gia tập huấn nghiệp vụ.

3. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của nông dân
- Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã được phát động và triển khai thực hiện, một phong trào cách mạng sâu rộng có hiệu quả cao trong thời kỳ đổi mới, cuốn hút hàng chục ngàn hộ gia đình nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, cơ sở và nội lực của từng gia đình. Bình quân hàng năm có trên 56.000 hộ đăng ký và trên 29.000 hộ đã đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp. Chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua ngày càng nâng cao, nhiều hộ có qui mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng và có thu nhập cao hơn trước rất nhiều. Phong trào giúp đỡ các hộ nghèo được triển khai rộng khắp, từ hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ về vật tư cây, con giống, ngày công lao động có giá trị hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ những người nghèo khó phát triển sản xuất. Nhờ vậy đã có hàng ngàn hộ gia đình hội viên, nông dân vươn lên thoát đói nghèo. Với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Hội đang quản lý gần 93 tỷ đồng đã giải ngân cho 835 dự án với hơn 3.275 lượt hộ nông dân vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nghề, cơ cấu mùa vụ, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất… đã góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá ở nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua. Nhiều mô hình nông dân tự nguyện liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng rau trong nhà lưới, trồng hoa lan, cây kiểng; mô hình nuôi heo sạch, nuôi heo rừng lai, nuôi nhím, cá lăng nha, bống tượng, cá sấu; trồng Măng tây xanh..đã tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nông dân. Từ nguồn quỹ này đã có hàng ngàn hộ hội viên, nông dân nghèo được Hội giúp đỡ vươn lên thoát nghèo và có hộ trở nên khá, giàu. Hội các cấp phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Phước thành lập 559 Tổ Tiết kiệm & vay vốn, giải ngân cho 24.336 hộ vay, với tổng dự nợ 1.008 tỷ đồng.

Cùng với việc hướng dẫn giúp đỡ cho nông dân về vốn, chuyển giao kỹ thuật…Hội nông dân tỉnh đã tổ chức đào tạo dạy nghề tại chỗ cho hàng ngàn nông dân nhằm nâng cao trình độ về trồng trọt, chăn nuôi và giới thiệu hàng trăm con em nông dân được vào làm việc tại các nông trường, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế, cơ sở sản xuất, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

- Phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới đã được tích cực thực hiện và mang lại hiệu quả to lớn. Thông qua việc thực hiện qui chế dân chủ cơ sở, các cấp Hội đã phát động nông dân đóng góp công sức, tiền của, vật liệu xây dựng để làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, kéo điện về thôn, ấp, xóm, xây dựng hệ thống nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, trường học, trạm xá…đã trở thành phong trào tự giác của hội viên nông dân trong tỉnh, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, thúc đẩy kinh tế-xã hội nông thôn phát triển. Đóng góp vào kết quả chung toàn tỉnh đã có 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 21/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hội Nông dân xây dựng thực hiện Đề án “Củng cố lực lượng và phát triển phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2020” thực hiện Cuộc vận động “Cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhằm xây dựng các thôn, ấp, khu dân cư giàu có, ấm no, cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao. Xây dựng tình làng nghĩa xóm, tính cộng đồng, lòng yêu quê hương đất nước, đoàn kết nhất trí trong các cộng đồng dân cư, nhất là trên địa bàn nông thôn, đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị ở nông thôn. Qua 5 năm các cấp Hội đã vận động, giúp đỡ 2.194 hộ hội viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 1,03%; vận động xây dựng 60 căn nhà tình thương cho hội viên nghèo, khó khăn về nhà ở.

- Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền, Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng tích cực tuyên truyền về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện chương trình mục tiêu 5 giảm của tỉnh và Nghị quyết 09/CP, Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức trách nhiệm của công dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, tham gia đảm bảo an ninh trật tự.

Các cấp Hội đã vận động hội viên giúp đỡ người nghèo khó trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng cho hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, từng bước xoá nhà tranh tre, nứa lá, nhà tạm, giúp người nghèo có một mái ấm đàng hoàng hơn để an tâm lao động sản xuất ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo của tỉnh. Trong hơn 10 năm qua các cấp Hội đã vận động các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và hội viên nông dân quyên góp xây tặng hơn 200 căn nhà tình thương, và 145 căn nhà tình nghĩa và hàng trăm căn nhà đại đoàn kết, với tổng số tiền qui ra hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác cán bộ ngày càng được nâng cao. Từ phong trào hành động cách mạng của giai cấp nông dân và của tổ chức Hội đã sản sinh ra một đội ngũ cán bộ Hội qua các thời kỳ thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của đảng, của dân tộc, tận tuỵ trong công việc, có ý thức tổ chức kỷ luật cao kiên cường bảo vệ Đảng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong tư tưởng và hành động. Đặc biệt qua thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiến tiến trong công tác, lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh. Các thế hệ cán bộ Hội các cấp đã không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt, nổ lực đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước, đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trưởng thành về nhiều mặt, nhiều đồng chí lãnh đạo Hội đã trở thành các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, lãnh đạo các sở, ban, ngành ở tỉnh và địa phương.

IV. HỘI NÔNG DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI (có kế thừa các nhiệm kỳ của tỉnh Sông Bé cũ )
1. Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân tập thể lần thứ nhất, nhiệm kỳ  (1979-1983)
Đại hội được tổ chức vào năm 1979, gồm có 100 đại biểu. Đại hội bầu đồng chí Trần Xuân Minh, giữ chức Chủ tịch, đồng chí Phạm Văn Lang, Huỳnh Văn Gần giữ chức Phó Chủ tịch.

2. Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Sông Bé lần thứ II, nhiệm kỳ (1983-1987)
Đại hội được tổ chức vào tháng 12/1983, gồm có 150 đại biểu. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Văn Tân, giữ chức Chủ tịch; đồng chí Huỳnh Nga, Huỳnh Văn Gần, Đoàn Văn Giấy (Ba Cao) giữ chức Phó Chủ tịch. Trước đó, năm 1980 đồng chí Trần Xuân Minh chuyển công tác khác, đồng chí Lê Quốc Duy được điều động về làm Chủ tịch Hội, đồng chí Huỳnh Nga được điều về làm Phó Chủ tịch.

3. Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân tập thể thỉnh Sông Bé lần thứ III, (nhiệm kỳ (1987-1992)
Đại hội được tổ chức vào tháng 8/1987, gồm có 150 đại biểu. Đại hội bầu ra 33 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành, 07 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Huỳnh Nga giữ chức Chủ tịch; đồng chí Bùi Thế Thành giữ chức Phó Chủ tịch.

4. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sông Bé lần thứ IV, nhiệm kỳ 1992-1997
Đại hội được tổ chức từ ngày 9-10/10/1992, gồm có 150 đại biểu. Đại hội bầu ra 30 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành, 11 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Huỳnh Nga tái đắc cử chức Chủ tịch; các đồng chí Trần Văn Gôm, Nguyễn Hoàng Vinh, Nguyễn Văn Tư, Lưu Kim Loan được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.

Thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội (khóa IX), ngày 06/11/1996 quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó, tỉnh Sông Bé được tách thành hai tỉnh là Bình Phước và Bình Dương; tỉnh Bình Phước chính thức được tái lập và đi vào hoạt động (từ ngày 01/01/1997); Quyết định số 705-QĐ/HND, ngày 21/12/1996 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Hội Nông dân tỉnh Bình Phước. Ban Chấp hành lâm thời gồm có 19 đồng chí Ủy viên BCH, 05 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Tư được chỉ định giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời. Các phó Chủ tịch: Lê Khắc Nguyên, Trịnh Thị Nga.

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp nông dân Việt Nam và của tổ chức Hội, từ năm 1998 đến nay Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã tổ chức thành công 5 kỳ Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh.

5. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 1998-2003
Đại hội được tổ chức từ ngày 25 – 26/04/1998, tại Hội trường Công ty cao su Phú Riềng (huyện Phước Long cũ), tham dự Đại hội có 150 đại biểu.
Đại hội đề ra mục tiêu phấn đấu là: “Tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội, tồ chức, động viên giai cấp nông dân phát huy nội lực, cần kiệm xây dựng đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
Đại hội đã bầu ra 25 đồng chí tham gia Ban Chấp hành và 06 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyển Thắng, Tỉnh ủy viên được bầu giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa V, các đồng chí Lê Khắc Nguyên và đồng chí Trịnh Thị Nga được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.

6. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2003- 2008
Đại hội diễn ra từ ngày 28-29/5/2003 tại Thị xã Đồng Xoài tỉnh Bình Phước, tham dự Đại hội có 195 đại biểu.
Đại hội đã đề ra mục tiêu phấn đấu là: “Phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh ở nông thôn”.
Đại hội đã bầu 34 đồng chí tham gia Ban Chấp hành và 07 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Trần Văn Gôm, Tỉnh ủy viên được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa VI, các đồng chí Lê Khắc Nguyên và đồng chí Trịnh Thị Nga được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.

7. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2008- 2013
Đại hội diễn ra từ ngày 13-14/5/2008 tại Hội trường tỉnh Bình Phước, tham dự Đại hội có 177 đại biểu.
Phương châm chỉ đạo Đại hội là: “Đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, sáng tạo, đổi mới”; phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại hội đã bầu 27 đồng chí tham gia Ban Chấp hành. Đồng chí Trịnh Thị Nga, Tỉnh ủy viên được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, các đồng chí đồng chí Lê Khắc Nguyên và đồng chí Nguyễn Văn Chơ được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.
Trong năm 2009, Hội Nông dân Tỉnh Bình Phước vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

8. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013-2018
Đại hội diễn ra từ ngày 09-10/4/2013, tại Hội trường tỉnh Bình Phước, tham dự Đại hội có 219 đại biểu.
Phương châm chỉ đạo Đại hội là: “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển bền vững”.
Đại hội đã bầu 36 đồng chí tham gia Ban Chấp hành, 13 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Nga, Tỉnh ủy viên được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, các đồng chí Lê Khắc Nguyên, Nguyễn Văn Chơ và Phạm Kim Trọng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.
Từ tháng 01/2016 đồng chí Đào Thị Lanh, Tỉnh ủy viên được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ và chức danh Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2013-2018 thay đồng chí Nguyễn Thị Kim Nga nghỉ hưu.

9. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023
Đại hội diễn ra từ ngày 16-17/8/2018 tại Hội trường tỉnh Bình Phước, tham dự Đại hội có 192 đại biểu.
Phương châm chỉ đạo Đại hội là: “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”.
Đại hội đã bầu 31 đồng chí tham gia Ban Chấp hành, 09 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Đào Thị Lanh, Tỉnh ủy viên tái đắc cử Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX, các đồng chí Phạm Kim Trọng và Nguyễn Văn Chơ được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.
Tháng 7/2021 đồng chí Nguyễn Văn Chơ nghỉ hưu. Đến ngày 07/9/2022 đồng chí Đào Thị Lanh chuyển công tác nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Trần Văn Vinh - Tỉnh ủy viên - Bí thư huyện ủy Đồng Phú được điều động giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Giang được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh ngày 27/02/2023.

10. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028
Đại hội được tổ chức từ ngày 17-18/8/2023 tại Hội trường lầu 8 -Trường Chính trị tỉnh. Tổng số đại biểu tham dự Đại hội có 225 đại biểu.
Chủ đề Đại hội: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”. Đại hội dự kiến bầu 29 đồng chí tham gia Ban Chấp hành và 09 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ.
***
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 sẽ diễn ra trong bối cảnh nước ta sau 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 26 năm tái lập tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh Bình Phước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với tinh thần: Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ X, sẽ tập trung thảo luận và quyết định phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp nhằm tiếp tục khẳng định quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023 – 2028, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, góp phần đưa tỉnh Bình Phước phát triển nhanh và bền vững.

V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1. Nhiệt liệt chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028!
2. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”!
 3. Nông dân Bình Phước đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế!
4. Cán bộ, hội viên, nông dân Bình Phước quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh!
5. Xây dựng gia đình nông dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc, văn minh!
6. Cán bộ, hội viên, nông dân Bình Phước đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"!
7. Cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Bình Phước thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028!
8. Phát triển phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, góp phần phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới!
9. Nông dân Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả!
10. Nhiệt liệt chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028!
11. Cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Bình Phước thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028!
12. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
13. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
14. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
15. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY – HỘI NÔNG DÂN TỈNH

Nguồn tin: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,025
  • Tháng hiện tại8,384
  • Tổng lượt truy cập1,310,447
hcm bdv001 hcm bdv002
Liên kết


bien dao01bien dao02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây